Băng tội phạm mạng chuyên nghiệp, giả danh công ty Shopee để lừa đảo

Sự kiện: Tin pháp luật

Ngày 17/6, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với 6 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời tiếp tục mở rộng điều tra.

Các đối tượng bị bắt gồm: Đoàn Trần Lê Hoàng (SN 2000), Vũ Văn Khôi (SN 1994, cùng ở huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang); Lê Văn Thành (SN 1996, ở huyện Vũ Thư, Thái Bình); Nông Văn Hưng (SN 2005, ở huyện Cư Jut, Đắk Nông); Nguyễn Ánh Hào (SN 2001, ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội) và Phan Trí Đạt (SN 1996, ở huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu).

Các đối tượng trong vụ án

Các đối tượng trong vụ án

Trước đó, qua công tác nắm tình hình cũng như công tác tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm của công dân trên địa bàn, Công an quận Hoàn Kiếm phát hiện một băng nhóm nghi vấn thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với thủ đoạn giả danh công ty Shopee. Các đối tượng đăng các bài viết trên mạng xã hội (Facebook) để tuyển cộng tác viên cho công ty Shopee, hướng dẫn bị hại kết bạn Zalo để trao đổi.

Khi “con mồi” cắn câu, các đối tượng yêu cầu bị hại thực hiện nhiệm vụ thanh toán đơn hàng có giá trị thấp để hoàn thành nhiệm vụ và được hoàn tiền gốc cộng với “hoa hồng” là 10% giá trị đơn hàng.

Đồng thời, khi lấy được niềm tin của các nạn nhân, chúng nâng dần giá trị các đơn hàng và “soi lỗi” liên quan đến hệ thống để yêu cầu bị hại thực hiện mua đơn mới có giá trị lớn hơn thì mới chuyển trả lại tiền. Sau nhiều lần thực hiện đến khi bị hại không còn tiền để làm nhiệm vụ, các đối tượng sẽ chặn Zalo và xóa liên lạc hòng chiếm đoạt tài sản.

Bước đầu điều tra, Công an quận Hoàn Kiếm xác định, ổ nhóm này do các đối tượng người Trung Quốc cầm đầu với sự tiếp tay thực hiện của nhiều đối tượng người Việt Nam. Chúng đặt trụ sở ở tỉnh Bavet (Campuchia) nằm sát biên giới tỉnh Tây Ninh (Việt Nam). Đơn vị đã phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP Hà Nội) triển khai kế hoạch triệt xóa.

Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận, đường dây này phân thành 5 cấp hoạt động từ F1-F5. Trong đó, F1 là đối tượng cầm đầu tổ chức là người Trung Quốc, thường gọi là “Lão Đại”. F2 gồm 2 đối tượng người Trung Quốc gọi là “A Trí” và “Đầu Khấc”. Hai đối tượng này chịu nhiệm quản lý lượng tiền thu chi hàng ngày, hồ sơ cá nhân của nhân viên.

F3 gồm 3 đối tượng Trung Quốc thường gọi là “Thiên Mã” là tổ trưởng, “Oằng Phăng” và một đối tượng chưa có thông tin, chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ số nhân viên người Việt Nam, nếu người nào vi phạm nội quy sẽ phạt tiền hoặc đưa đi chỗ khác đánh đập. F4 là tổ trưởng các tổ người Việt Nam chịu trách nhiệm giám sát các nhân viên hàng ngày báo cáo lại kết quả cho nhóm F3 “Thiên Mã”.

F5 là các thành viên người Việt Nam trong 2 tổ do Đoàn Trần Lê Hoàng và Dũng quản lý. Trong đó, mỗi tổ có số lượng gồm 11-12 cặp, mỗi cặp gồm 1 tư vấn và 1 đối tượng giao nhiệm vụ được chúng gọi là “giết khách”, chịu trách nhiệm tiếp nhận khách được giao, tư vấn khách và yêu cầu khách thực hiện nhiệm vụ chuyển tiền vào các tài khoản do nhóm Trung Quốc yêu cầu.

Cơ quan CSĐT bước đầu đã làm rõ, chỉ trong tháng 2/2022, đã có trên 40 bị hại trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành trên cả nước bị lừa với tổng số tiền trên 5 tỷ đồng.

Nguồn: [Link nguồn]

Cảnh báo giả danh nhân viên ngân hàng lừa đảo qua mạng xã hội

Ngày 31/5, Công an tỉnh An Giang cho biết, đã nhiều lần tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyên Ngọc ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN