Ban Nội chính tỉnh vào cuộc vụ bắt trói kẻ trộm bị khởi tố
Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ban Pháp chế HĐND tỉnh Bến Tre cho biết sẽ kiểm tra và có ý kiến về vụ án.
Trên các số báo gần đây, Pháp Luật TP.HCM phản ánh vụ anh Nguyễn Văn Trình (ấp Phú Bình, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, Bến Tre) bắt trộm nhưng sau đó bị khởi tố. Theo đó, anh Trình bắt quả tang tên trộm đang trốn trong tiệm của mình, anh gọi điện thoại báo cho trưởng ấp ba lần không được nên đã trói tên trộm lại, đánh vài cái. Hơn hai tiếng sau trưởng ấp mới nghe điện thoại và đến nhà anh Trình. Cuối cùng, anh Trình bị khởi tố tội bắt giữ người trái pháp luật.
Sau khi cha mất, anh Trình phải rất vất vả để lo cho gia đình. Ảnh: HN
Thông tin này khiến nhiều người bức xúc và tỏ ra hoang mang, lo sợ, nếu cứ thế này thì từ nay chẳng ai dám bắt trộm nữa. Người dân và chính quyền địa phương ở Bến Tre cũng đặc biệt quan tâm đến vụ án hi hữu này.
Giữa khuya, không có phà, làm sao giải trộm?
Trước thông tin anh Trình bắt trộm mà bị khởi tố, người dân ở ấp Phú Bình tỏ ra bức xúc. Bởi theo người dân, địa bàn ấp Phú Bình là cù lao ngăn cách với bên ngoài, dù tại đây có trụ sở ấp nhưng ban đêm trụ sở này không có người. Muốn tới trụ sở UBND xã (Vĩnh Bình) thì phải đi một quãng đường dài khoảng 5 km, qua một chuyến phà ngang sông lớn. “Giữa đêm hôm khuya khoắt, liệu có ai dám giải ngay tên trộm đến xã với điều kiện qua sông, qua phà như thế hay không?” - một người dân bức xúc.
“Thế ban đêm, cụ thể là từ 2 giờ khuya đến 4 giờ sáng, phà có hoạt động không?” - chúng tôi hỏi. Một người dân trả lời: “Lúc ấy phà không hoạt động, chỉ ai biết số điện thoại của chủ phà mới gọi, mà họa hoằn lắm, chẳng hạn phải đi cấp cứu, người ta mới dậy chở”.
Ông Lê Nguyên Luyến, Trưởng ấp Phú Bình (người mà anh Trình gọi ba lần nhưng không nghe điện thoại, đến hơn 4 giờ sáng mới nghe), cho biết thêm vào cái đêm xảy ra vụ việc, ông tắt chuông điện thoại nên không biết anh Trình gọi. “Đến khoảng 4 giờ 40 phút tôi mới phát hiện có nhiều cuộc gọi nhỡ trước đó. Tôi cũng đã kể lại chi tiết này cho mấy anh công an. Vụ việc cũng đã lỡ rồi, tôi rất mong các ban, ngành xem xét cho hoàn cảnh của anh Trình. Nếu đêm đó tôi bắt máy, chắc đã không có chuyện đau lòng như bây giờ” - ông Luyến chia sẻ.
Mong sớm xem xét lại
Đó là khẳng định của ông Dương Văn Ánh, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Bình, địa phương xảy ra vụ việc. Theo ông Ánh, gia đình anh Trình là hộ chí thú làm ăn ở xã, được nhiều người dân quý mến. Cha anh Trình là ông Tập từng giữ cương vị chủ tịch UBMTTQ xã Vĩnh Bình, là một cán bộ đảng viên gương mẫu.
Anh Trình bị khởi tố, cha anh bị cho là đồng phạm và đã treo cổ tự tử tại nhà riêng sau vài lần bị cơ quan điều tra mời lên làm việc. Hiện anh Trình đang phải nuôi mẹ già và hai con còn nhỏ.
“Từ lúc xảy ra vụ việc đau lòng, chúng tôi rất lấy làm tiếc và chia sẻ với hoàn cảnh gia đình anh Trình. Ông Tập mất, Trình là lao động chính của gia đình nên nếu Trình vướng vào lao lý sẽ gây ra nhiều hệ lụy không tốt. Qua thông tin vụ việc từ báo chí, chúng tôi rất mong các ngành chức năng xem xét, nếu phù hợp với pháp luật cũng nên miễn giảm trách nhiệm hình sự cho Trình” - ông Ánh nói.
Còn ông Lê Huy Cường, Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách, nói: “Mấy ngày qua tôi có theo dõi báo Pháp Luật TP.HCM và thấy có nhiều ý kiến bức xúc của dư luận đối với vụ án. Hiện vụ việc đang được các cơ quan tố tụng thụ lý, giải quyết. Tuy nhiên, quan điểm của huyện là xử lý vụ việc phải có lý, có tình, cái gì tốt thì nên vận dụng. Trong cuộc họp với ban thường vụ thứ Sáu tới đây, chúng tôi sẽ phản ánh vụ việc này nhằm tìm hướng giải quyết hợp lý để dư luận an tâm”.
“Không đáng xử hình sự thì thôi”
Phóng viên đã liên hệ với VKSND tỉnh Bến Tre để nghe quan điểm của lãnh đạo viện này về vụ án. Tuy nhiên, đơn vị này từ chối tiếp xúc.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Mười, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Bến Tre, cho biết ban vừa đề nghị VKSND tỉnh kiểm tra kỹ lại hồ sơ vụ việc. “Theo quan điểm cá nhân tôi, đây rõ ràng là một vụ bắt trộm quả tang và kẻ trộm khai trước đó đã trộm nhiều lần. Ngay trong tuần tới chúng tôi sẽ làm việc với ngành kiểm sát về vụ này. Nếu đúng pháp luật thì cứ xử lý theo quy định, còn nếu thấy không cần thiết, không đáng để xử lý hình sự thì thôi” - ông Mười nói.
Tương tự, Ban Nội chính Tỉnh ủy Bến Tre cũng cho biết hiện ban này đã yêu cầu phòng nghiệp vụ xác minh các thông tin liên quan đến vụ việc mà báo chí đã phản ánh.
Một nguồn tin riêng từ ngành kiểm sát tỉnh Bến Tre cho biết hồ sơ vụ việc này vẫn đang được VKSND huyện Chợ Lách thụ lý giải quyết và đang dự thảo cáo trạng. “Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng sẽ đình chỉ vụ án” - nguồn tin này cho hay.
Đại tá Đoàn Thế Tân, Chánh Văn phòng Công an tỉnh Bến Tre, nói do vụ việc này trước đây đã được sự thống nhất của các cơ quan tố tụng liên ngành nên hiện nay, nếu có ý kiến thay đổi cũng phải tiến hành họp liên ngành.