Băn khoăn khi tạm giam người chuyển giới
"Khi có người chuyển giới phạm tội, người này bị tạm giam mà ở một mình một phòng không ổn, không quản lý được. Ở chung với đối tượng nam cũng không được, ở với nữ cũng không xong...".
Chiều 2.6, Quốc hội làm việc ở tổ cho ý kiến về dự án Luật Tạm giữ, tạm giam. Theo đại biểu (ĐB) tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Phúc, luật phải quy định rõ người có hành vi nào thì bị tạm giữ. Còn tạm giam thì là người đã bị khởi tố bị can và bị bắt tạm giam. Luật cũng phải quy định rõ thế nào là nhà tạm giữ, trại tạm giam.
Đặt vấn đề về quyền của người bị tạm giữ, tạm giam, ĐB Bùi Mậu Quân (Hải Dương) cho rằng: Người bị bắt là đã bị thực hiện biện pháp ngăn chặn và cách ly theo luật để hạn chế bỏ trốn, thông cung gây cản trở cho quá trình điều tra vụ án. "Tuy nhiên, người bị tạm giữ, tạm giam chưa bị tòa tuyên án nên họ chưa có tội, chính vì thế họ vẫn có quyền nhất định" - ĐB Quân nói.
Còn ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM) đặt vấn đề quản lý người tạm giam, tạm giữ vị thành niên, người chuyển giới. Thực tế nảy sinh vấn đề khi tạm giam, tạm giữ nghi can tuổi vị thành niên phải có cán bộ, người bị tạm giam lớn tuổi ngồi cùng quản lý. Nhưng nếu như vậy lại có ý kiến nói là giam chung người thành niên và người vị thành niên, còn để người vị thành niên tạm giam với nhau mà không có người lớn lại nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp.
"Khi có người chuyển giới phạm tội, người này bị tạm giam mà ở một mình một phòng không ổn, không quản lý được. Ở chung với đối tượng nam cũng không được, ở với nữ cũng không xong. Đây là vấn đề đang rất vướng. Quản lý đối tượng này vô cùng khó, không biết là nam hay nữ mà thực hiện theo chế độ" - ĐB Ánh nói.
ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) nêu vấn đề, hiện nay xã hội và dư luận rất dị ứng với việc bức cung nhục hình. Chính vì thế nên tổ chức lại mô hình tạm giam theo hệ thống dọc, thuộc Tổng cục Thi hành án, độc lập với cơ quan điều tra, tránh sự tùy tiện, ngăn chặn việc bức cung, nhục hình.