Bản án có dị bản, thẩm phán thừa nhận trách nhiệm

Sự kiện: Tin pháp luật

Cùng một vụ kiện nhưng thẩm phán chủ tọa phiên tòa tại tỉnh Đắk Lắk đã ký ban hành hai bản án khác nhau, được lý giải là do “lỗi đánh máy”.

Ngày 15-3, trao đổi với PV, ông Nguyễn Thành Tâm, thẩm phán TAND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk), cho biết đang chuẩn bị hồ sơ một vụ án mà ông đã xét xử cách đây hai năm để gửi TAND Cấp cao tại Đà Nẵng. Lý do, theo ông Tâm, đương sự có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục tái thẩm đối với bản án này.

Đề nghị tái thẩm vì bản án có dị bản

Theo hồ sơ, ngày 30-9-2022, TAND huyện Krông Pắk xét xử vụ kiện tranh chấp đất giữa ông Lê Công Vỹ (nguyên đơn) và bà NTN (bị đơn). Tuy nhiên, phiên tòa phải hoãn để bổ sung một số tài liệu, chứng cứ và mở lại vào ngày 1-11-2022.

Theo Bản án 124/2022/DS-ST được tuyên ngày 1-11-2022, HĐXX TAND huyện Krông Pắk tuyên buộc bà N giao trả hơn 58 m2 đất cho ông Vỹ, đồng thời phải tháo gỡ phần tường gạch trên phần diện tích này. Bản án có hiệu lực thi hành vì các đương sự không kháng cáo.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đến tháng 2 vừa qua, ông Vỹ gửi đơn đến TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị xem xét theo thủ tục tái thẩm. Trong đơn, ông Vỹ cho biết cùng một vụ kiện, cùng một HĐXX, cùng ngày tuyên án nhưng TAND huyện Krông Pắk đã ban hành hai bản án khác nhau với “phần quyết định của hai bản án có khác nhau”.

Trao đổi với PV, ông Vỹ cho biết sau phiên xét xử khoảng 15 ngày, TAND huyện Krông Pắk đã giao cho ông một bản án theo đường bưu điện.

“Do tôi không rà soát, kiểm tra kỹ trước khi ký và ban hành bản án” - thẩm phán chủ tọa phiên tòa Nguyễn Thành Tâm nhận trách nhiệm.

Hơn một năm sau, vào ngày 27-12-2023, ông Vỹ đến Chi cục Thi hành án dân sự huyện Krông Pắk làm việc thì nhận được một bản án cùng số, cùng các ký hiệu tương tự bản án tòa đã giao cho ông. Thế nhưng khi xem một số nội dung trong bản án này, ông phát hiện có nhiều nội dung khác với bản án tòa đã giao cho ông.

“Ở bản án mà cơ quan thi hành án đưa cho tôi xem, phần nhận định của VKSND huyện Krông Pắk khác hoàn toàn. Tên nguyên đơn, bị đơn đều khác. Một số nội dung cũng khác so với bản án tôi nhận được qua đường bưu điện” - ông Vỹ nói.

“Lỗi đánh máy, không có yếu tố vụ lợi”

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thành Tâm (chủ tọa phiên tòa) thừa nhận thiếu sót. Theo ông Tâm, sau khi xét xử xong, ông ký gửi bản án cho một số cơ quan liên quan.

Thời điểm đó, tại phần phát biểu quan điểm của đại diện VKSND huyện Krông Pắk, thư ký đã copy nhầm tên đương sự của vụ án khác đưa vào bản án vụ ông Vỹ.

Khi nhận bản án, nhiều người đã phát hiện sai sót. Do đó, ông Tâm có trao đổi (bằng miệng) để thu hồi bản án đã ban hành. Đồng thời ông Tâm cho sửa lại nội dung, ban hành lại bản án chuẩn.

“Lúc đó nhiều người phản ánh. Tôi đã nhờ anh em bỏ bản án có sai sót để sửa lại. Tôi không hiểu sao đến giờ bản án cũ vẫn tồn tại” - ông Tâm nói.

Theo ông Tâm, nguyên nhân do thư ký copy, dán nhầm tên đương sự vụ khác. Đồng thời, phần phát biểu của đại diện VKS tại hai bản án cũng khác nhau. Tuy nhiên, đây là lỗi khách quan; về bản chất thì phán quyết của tòa không thay đổi, không ảnh hưởng đến các đương sự; hoàn toàn không có yếu tố vụ lợi.

“Do tôi không kiểm tra kỹ trước khi ký và ban hành bản án. Lúc đó tôi mới được bổ nhiệm, tham gia xét xử nhiều vụ kiện liên quan đến đất đai nên chủ quan, không rà soát hết các nội dung” - ông Tâm nhận trách nhiệm.

Ông Tâm cho biết thêm: “Nếu TAND Cấp cao nhận định hai bản án gây ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự và tuyên hủy thì phải xét xử lại. Đồng thời, khi có quyết định của TAND Cấp cao, tôi sẽ có bản tường trình, báo cáo lãnh đạo” - ông Tâm nói.

Khi nào thì tái thẩm?

Theo Điều 351 BLTTDS 2015, tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà tòa án, các đương sự không biết được khi tòa án ra bản án, quyết định đó.

Điều 352 BLTTDS 2015 quy định về căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật:

- Mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án.

- Có cơ sở chứng minh kết luận của người giám định, lời dịch của người phiên dịch không đúng sự thật hoặc có giả mạo chứng cứ.

- Thẩm phán, hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý kết luận trái pháp luật.

- Bản án, quyết định hình sự, hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước mà tòa án căn cứ vào đó để giải quyết vụ án đã bị hủy bỏ.

Nguồn: [Link nguồn]

Chánh án TAND tỉnh Kon Tum và Viện trưởng VKSND tỉnh cùng đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Kon Tum.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TIẾN THOẠI ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN