“Bà trùm” Mười Tường và những chiến tích bất hảo
Mở rộng điều tra vụ án vận chuyển trái phép 51 kg vàng 4 số 9 qua biên giới, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang bắt giữ Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường, sinh năm 1969, ngụ tại ấp Phước Thọ, xã Đa Phước, huyện An Phú, An Giang). Hàng loạt đàn em của Mười Tường nghe tin “bà trùm” sa lưới, đã đến Cơ quan công an đầu thú, khai nhận hành vi phạm tội.
Mười Tường và đồng bọn sa lưới
Sau 8 tháng lẩn trốn, ngày 6-7, Mười Tường đã bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang bắt giữ theo quyết định truy nã đặc biệt. Ngay sau đó, 7 đối tượng là “đàn em” thân tín gồm: Lê Thị Bạch Vân (1966), Nguyễn Hữu Phước (1989), Phạm Tấn Lộc (1989), Võ Văn Trung (1980), Mai Thị Ngọc Phấn (1979), Nguyễn Văn Lê (1984), Phạm Thanh Sang (1982) đã ra đầu thú.
“Bà trùm” Mười Tường (bìa trái) bị bắt giữ và dẫn giải về nơi ở để phục vụ công tác khám xét, thu thập chứng cứ.
3 ngày sau khi bắt giữ Mười Tường, ngày 9-7, “bà trùm” buôn lậu được dẫn giải về nhà ở ấp Phước Thọ (xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang) để tống đạt lệnh khám xét nơi ở. Cùng thời điểm, hơn 150 CBCS chia làm nhiều tổ công tác đồng loạt tiến hành khám xét 15 địa điểm là cửa hàng kinh doanh vàng và nhà ở của một số đối tượng trong đường dây buôn lậu vàng, trên địa bàn TP Châu Đốc và huyện An Phú.
Tại các địa điểm khám xét, Cơ quan điều tra thu giữ được khoảng 36 kg vàng, 1,27 triệu USD, hơn 1,7 tỷ đồng, nhiều thiết bị điện tử (điện thoại, máy tính, đầu thu camera...) và tài liệu, chứng cứ có liên quan đến hành vi giao dịch tiền, vàng qua biên giới của các tiệm kinh doanh vàng và của Mười Tường cùng các đối tượng có liên quan đến vụ án. Đặc biệt, sau khi kết thúc khám xét, đã có thêm 3 đối tượng liên quan đầu thú.
Vậy Mười Tường là ai, vì sao bị truy nã và bắt giữ? Để tìm câu trả lời, phải lật lại vụ án vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới do Công an tỉnh An Giang phát hiện, bắt giữ vào năm 2020. Thời điểm ấy, do giá vàng chênh lệnh khá cao giữa Campuchia và Việt Nam nên các đối tượng buôn lậu bất chấp sự mạo hiểm và vi phạm pháp luật để tìm mọi cách tuồn vàng lậu vào nội địa. Ban Giám đốc Công an tỉnh An Giang chỉ đạo lực lượng trinh sát bám sát biên giới, nắm chặt tình hình, tổ chức nguồn tin chính xác, phục vụ tốt nhất cho công tác đấu tranh, bắt giữ.
Trưa 30-10-2020, tại khu vực thuộc ấp Vĩnh Chánh 1 (phường Vĩnh Ngươn, TP Châu Đốc), các đơn vị nghiệp vụ Công an An Giang phối hợp cùng Tiểu đoàn 3 Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nam Bộ đã phát hiện, bắt giữ một nhóm đối tượng vận chuyển trái phép 51 kg vàng 4 số 9 qua biên giới.
Quá trình mở rộng điều tra, Cơ quan công an đã thu thập đủ chứng cứ xác định Mười Tường là kẻ cầm đầu, tổ chức đường dây buôn lậu nên ra quyết định khởi tố đối tượng để điều tra về hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Tuy nhiên, Mười Tường đã trốn khỏi nơi cư trú. Ngày 8-11-2020, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang ra quyết định truy nã đặc biệt đối tượng Mười Tường và các đối tượng liên quan.
Giới buôn vàng cho biết, với trọng lượng 51 kg vàng 4 số 9, ước tính trị giá thị trường trên 71 tỷ đồng. Nếu số vàng này được vận chuyển trót lọt vào Việt Nam, các đối tượng buôn lậu sẽ thu lợi bất chính hàng tỷ đồng. Trong chuyên án này, Cơ quan công an phát hiện còn nhiều đối tượng liên quan, hoạt động liên tỉnh. Không chỉ riêng An Giang, các đối tượng còn nhận vàng lậu về để giao cho các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực TP Hồ Chí Minh.
Chân dung bà trùm
Hơn 15 năm trước, Mười Tường bị Công an TP Hồ Chí Minh bắt khẩn cấp khi đang lưu trú tại một khách sạn, vì liên quan đường dây vận chuyển, tàng trữ số lượng lớn điện thoại di động nhập lậu từ Campuchia. Sau đó, TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên phạt Mười Tường 6 năm tù về tội “buôn lậu”. Mãn hạn tù, Mười Tường quay về quê nhà An Giang sinh sống, làm ăn. Từ đây, người phụ nữ này tiếp tục củng cố thế lực, thu nạp đàn em, quay lại nghề xưa.
Tang vật vụ án.
Vốn đã quá am tường về tình hình buôn lậu khu vực biên giới nên chỉ một thời gian ngắn, Mười Tường được giới buôn bán, vận chuyển hàng lậu tôn là “bà trùm”. Mười Tường cùng đàn em nhanh chóng thâu tóm hoạt động vận chuyển trái phép hàng hóa ở vùng biên giới An Giang. Mười Tường có mối quan hệ với nhiều đầu nậu ở bên kia biên giới. Vàng là mặt hàng được Mười Tường chú ý, xem là chủ lực trong đường dây làm ăn, vì lợi nhuận từ buôn vàng còn cao hơn buôn ma túy.
Mười Tường thiết lập mối quan hệ mật thiết với hệ thống nhiều cửa hàng kinh doanh vàng ở các địa bàn biên giới, đặc biệt là TP Châu Đốc. Để “núp bóng” cho các hoạt động phạm pháp, Mười Tường với lớp vỏ bọc là doanh nhân thành đạt với nhiều doanh nghiệp trong tay. Mặt khác, Mười Tường thường xuyên tham gia công tác từ thiện để che giấu thân phận và tạo dựng mối quan hệ xã hội chằng chịt.
Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang khẳng định, không có vùng cấm trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh An Giang. Hiện chuyên án vẫn đang được mở rộng, điều tra.
“Ban Giám đốc luôn quán triệt đến công an các đơn vị, địa phương, nhất là địa bàn biên giới phải quyết liệt củng cố, nâng cao chất lượng công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm. Không để các đối tượng “núp bóng” hoạt động phi pháp trên khu vực biên giới”, Đại tá Đinh Văn Nơi khẳng định.
Khám xét 15 cửa hàng kinh doanh vàng và nhà ở của một số đối tượng có liên quan đến đường dây buôn lậu của bà Mười...
Nguồn: [Link nguồn]