“Bà trùm” ma túy xúc động ngày đặc xá nghe tin con đậu ĐH
Niềm vui như được nhân đôi với người phụ nữ từng lầm lỡ vì buôn bán ma túy vào ngày đặc xá khi chị nhận được thêm thông tin, con trai út vừa đậu ngành công nghệ thông tin tại một trường đại học...
Từ cuộc sống khó khăn...
Trong ngày đặc xá, chờ đến lượt được ký vào giấy cởi bỏ áo tù, chị Nguyễn Thị Kim Nguyệt (51 tuổi, phường 8, quận 4, TP.HCM) cho biết: “Tôi rất mừng. Tôi không thể ngờ mình lại nằm trong danh sách được ân xá dịp 2/9. Đây là niềm mơ ước của tất cả những người ngồi tù. Tôi rất cảm ơn Đảng, cảm ơn chính quyền, các cán bộ vì đã thấy được sự ăn năn, hối cải của tôi”.
Chị Nguyệt chia sẻ niềm vui được đặc xá.
Nói về cuộc đời truân chuyên của mình, chị Nguyệt kể, dù mang hộ khẩu TP.HCM nhưng cuộc sống gia đình chị vô cùng khó khăn. Cả cha lẫn mẹ đều làm thuê. Số tiền kiếm được ít ỏi, không đủ nuôi đàn con thơ. Ngay từ khi còn nhỏ, chị đã quen với những buổi thiếu đói. Chị đến trường, chỉ vừa biết mặt chữ thì đành phải nghỉ vì không có tiền đóng học phí.
Lớn lên, dù không sắc nước hương trời nhưng chị cũng được khá nhiều thanh niên tán tỉnh. Chị chỉ mong, phận nữ nhi, kiếm được tấm chồng yêu thương mình là một sự may mắn lớn. Chị sàng qua, lọc lại, cân đo đong đếm tình cảm và nhận ra, trái tim mình rung rinh trước một người đàn ông hơn vài tuổi. “Anh không đẹp trai, không giàu có nhưng qua cách xử sự, quan tâm, tôi cảm nhận được sự chân thành”, chị nói. Hơn một năm cưới nhau, chị sinh hạ một đứa con trai. Sau đó, hai đứa con nữa lần lượt ra đời. Để có tiền nuôi con, chị buôn thúng bán bưng. Riêng chồng chị, làm thuê cho một cửa hàng sửa chữa điện lạnh. Dù tích cóp, chi tiêu dè dặt nhưng cái nghèo, cái khó cứ đeo đẳng mãi.
Thời gian trôi, các con lớn dần, cuộc sống có rất nhiều chi phí phải tiêu dùng. Trong khi đó, thu nhập của hai vợ chồng vẫn không thay đổi. Chị hoảng sợ bởi sự túng bấn. Nhiều đêm, chị ôm gối nghĩ, là bậc cha mẹ, không mang lại sự đủ đầy cho con là một sự bất lực lớn.
Đến vết trượt của người đàn bà khốn khó
“Không phải tôi lấy nghèo khó để bào chữa cho hành động sai trái của mình. Nhưng, đây là sự thật. Phải chi, ngày ấy, tôi suy nghĩ, suy xét chín chắn hơn, thì có lẽ đã không đánh đổi chín năm ngồi trong trại giam, gặm nhấm buồn bã, nhớ thương chồng con, tiếc nuối tháng ngày được tại ngoại”, chị Nguyệt chia sẻ.
Nói về lần đầu tiên dính chàm, chị kể: Khoảng tháng 6/2006, một lần sang nhà em gái ruột chơi thì biết cô này là đầu nậu ma túy. Trong lúc ngồi trò chuyện, cô em cho hay, buôn bán “cái chết trắng” có thu nhập “khủng”. “Ngày ấy, ở phường 8, quận 4, số người buôn bán ma túy nhiều lắm! Tôi chỉ nghĩ, họ làm được, mình cũng làm được. Tôi chỉ kiếm đủ số tiền để lo cho các con thì sẽ ngừng”, chị nói.
Với ý nghĩ ấy, chị lao vào buôn bán “bột trắng”. Chị lấy “hàng” của em gái rồi tự tìm mối để phân phối. Lần đầu tiên, bỏ ra 16 triệu đồng, mua 5 cục ma túy, sau khi bán kiếm lời được 500 nghìn đồng, chị lấy tiền lời, mua thức ăn ngon, về nấu cho các con một bữa thật no. Dù sợ hãi với việc làm phi pháp nhưng khi thấy các con no nê, cười tươi, chị lại tự động viên: “Không sao”.
Không lâu sau, chị gây dựng được hai “cấp dưới” là Lê Thị Hồng Nhung (46 tuổi) và Nguyễn Thị Hồng Vân (40 tuổi) để thu mua và phân phối ma túy. Đến tháng 7/2006, Nhung và Vân tìm được nguồn bán “thân thuộc” là Trần Thế Bạch (69 tuổi) và Đào Văn Thuận (55 tuổi).
Ngày 16/1/2007, Bạch bị Công an quận 2 bắt tại phòng trọ ở phường Bình Trưng Tây (quận 2). Hôm sau, công an tiếp tục bắt khẩn cấp Nhung tại khu phố 5, thị trấn Nhà Bè (huyện Nhà Bè) thu giữ hơn 16g heroin. Đến ngày 18/1/2007, Vân bị bắt giữ. Nhung và Vân khai, nhiều lần mua ma túy của Nguyễn Thị Kim Nguyệt. Cùng ngày, Cơ quan điều tra bắt giữ Nguyệt. Khám xét tại nhà riêng, công an thu giữ 15 cục chất bột màu trắng cân nặng hơn 20,5g và hơn 18 triệu đồng cùng nhiều tang vật khác. Sau đó, đối tượng Bạch cũng bị bắt giữ.
Chị Nguyệt nhớ như in, ra tòa vào ngày 10/4/2008. Hôm ấy, chị cũng như đồng phạm đều thừa nhận hết mọi tội lỗi và mong muốn nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Sau khi xem xét tất cả các tình tiết vụ án, TAND TP.HCM tuyên phạt Nguyệt 15 năm tù giam, Nhung 13 năm tù giam, Vân 8 năm tù giam, Thuận 8 năm tù giam và Bạch 7 năm tù giam, cùng về tội Buôn bán trái phép chất ma túy.
Gia đình là bệ đỡ hoàn lương
Chị Nguyệt kể, những ngày đầu bị bắt, cứ nghĩ, cuộc đời mình từ đây là chấm dứt. Thế nhưng, ngày ra tòa, được chồng, các con cùng người thân an ủi, động viên, chị tự hứa với lòng phải cải tạo tốt để trở về. Lúc đầu, chị được phân vào đội chăm sóc cây cảnh. Được một thời gian, chị được chuyển sang giúp việc cho cán bộ, rồi chuyển về bộ phận tự quản. Với sự thay đổi lớn trong nhận thức, chị được làm đội trưởng đội phạm nhân chuyên đan ghế ngồi.
Khi sự việc mới xảy ra, chị đã chuẩn bị đến trường hợp xấu nhất, là chồng sẽ tìm một người phụ nữ khác để “thế chỗ”. Và, nếu điều này xảy ra, chị sẽ không trách chồng một lời, vì mình chính là người đẩy cuộc sống gia đình vào bi kịch. Chị chỉ thấy buồn và lo cho cuộc sống của ba đứa con.
Thế nhưng, mọi chuyện nằm ngoài dự đoán. Dù buồn bã nhưng người chồng vẫn hết lòng nuôi ba đứa con.
Thỉnh thoảng, anh lại đưa các con lên thăm chị. Anh luôn động viên, khuyên nhủ vợ không nên có suy nghĩ tiêu cực mà phải lấy đây làm bài học, cải tạo thật tốt, sớm được ân xá trở về đoàn tụ cùng gia đình.
Chín năm trôi qua, không ít lần, chị rưng rức khóc khi nghĩ về sự chung thủy, yêu thương chồng dành cho mình. Chị cảm thấy tội lỗi, bởi, chính mình đã đẩy ba đứa con rơi vào hoàn cảnh khốn khổ. Từ đó, chị lấy gia đình làm động lực với quyết tâm cải tạo thật tốt, và nữ phạm nhân ấy luôn hoàn thành nhiệm vụ, trách nhiệm được giao.
Cách đây khoảng chừng một tháng, chị bất ngờ nhận được thông tin mình nằm trong danh sách được ân xá. Đây là điều nằm ngoài mong đợi khiến chị mất ngủ nhiều đêm vì niềm vui khôn tả. Điều đáng mừng hơn, cùng thời điểm, chị Nguyệt nhận được tin vui từ gia đình, đứa con út vừa đậu vào ngành công nghệ thông tin của một trường đại học. Trong khi đó, cậu con đầu vẫn chăm chỉ phụ cha ở tiệm sửa chữa điện lạnh. “Tôi không thể ngờ, chồng mình lại có thể gồng gánh hết mọi việc, nuôi dạy con cái nên người. Và, tôi mừng vì các con có thể vượt qua được điều tiếng của dư luận để có thể thành công như thế”.
Trong niềm vui ấy, chị Nguyệt trút bỏ chiếc áo tù, ký vào giấy được ân xá. Trước khi bước lên xe chở ra cổng, nơi người thân đang đợi, chị bảo: “Chín năm qua là một bài học lớn cho tôi và tôi hy vọng cũng là bài học cho mọi người. Lúc ở trại giam, tôi được dạy nghề may gia công và giày dép. Khi trở về, tôi sẽ kiếm sống bằng chính sức lao động của mình với nghề này. Tôi đã gây ra quá nhiều biến cố cho gia đình. Tôi phải chuộc lỗi lầm, bù đắp lại cho chồng và các con”.
Được ân xá vì cải tạo tốt Đại tá Trần Hữu Thông (Giám thị trại giam Thủ Đức- TP.HCM) cho biết, trong khoảng thời gian chấp hành án tại trại giam, chị Nguyệt có quá trình phấn đấu học tập, lao động, cải tạo tiến bộ. Chị được xếp loại cải tạo tốt và đã chấp hành xong các hình phạt bổ sung. Đại tá Thông hy vọng, chị Nguyệt cũng như những người được ân xá hòa nhập cộng đồng, trở thành người tốt. |