Ba "nữ quái" ở phố Tây Bùi Viện

Sự kiện: Tin pháp luật

Dù trẻ tuổi và ít học nhưng hành vi phạm tội của 3 bị cáo thể hiện sự mưu mô, có tổ chức trong việc lên kế hoạch và thực hiện. Các bị cáo dàn cảnh gây án để rồi nhận bản án nghiêm khắc

TAND TP HCM vừa đưa ra xét xử vụ án dàn cảnh trộm tài sản của một du khách nước ngoài tại phố Tây Bùi Viện (quận 1, TP HCM) xảy ra vào đêm 21-9-2023. Phiên tòa thu hút sự quan tâm của dư luận bởi đây là vấn đề gây bức xúc và lo ngại trong cộng đồng.

Thay đổi thái độ

Cả 3 người bị đưa ra xét xử đều là những phụ nữ chưa đến 30 tuổi. Họ đứng lọt thỏm sau bục xét hỏi của tòa án bởi vóc dáng nhỏ bé, còm cõi. Thông thường, những kẻ trộm cắp ít khi tìm được sự thương cảm từ HĐXX hoặc công chúng, cho dù họ có đổ thừa hoàn cảnh thế nào đi nữa. Với vụ án này, điều này càng khó xảy ra khi nghe đại diện VKSND TP HCM đọc cáo trạng buộc tội 3 "nữ quái" này.

Mặc dù trẻ tuổi và ít học (cả 3 đều chưa học hết tiểu học) nhưng hành vi phạm tội của 3 bị cáo T.T.K.L, N.T.T.V và M.T.T.H (cùng ngụ TP HCM) thể hiện sự mưu mô, có tổ chức trong việc lên kế hoạch và thực hiện. Các bị cáo dàn cảnh gây án rồi phối hợp hành động và phân chia số tiền trộm được một cách khôn lanh.

Khoảng 23 giờ, khi L., V. và H. đang đứng bán kẹo ở phố Tây Bùi Viện thì thấy anh Xie Yuwei (SN 1992, quốc tịch Trung Quốc) đeo túi sau lưng mà không khóa dây kéo. Rất nhanh, H. chạy đến mời anh Xie Yuwei mua kẹo để anh này mất cảnh giác. Trong khi đó, V. tiến tới che chắn để L. áp sát "con mồi" từ phía sau rồi móc trong túi nạn nhân lấy 17,4 triệu đồng. Sau khi tẩu thoát, L. lấy 400.000 đồng trộm được mua đồ ăn cho cả nhóm và chia cho V. 5,7 triệu đồng, cho H. 5 triệu đồng.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, nạn nhân đã trình báo công an và 3 "nữ quái" nhanh chóng bị triệu tập. Sau hơn nửa năm, vụ án được đưa ra xét xử. Không còn vẻ tinh quái, sau thời gian bị tạm giam (riêng bị cáo H. được tại ngoại do nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi), các bị cáo ra tòa với vẻ sợ sệt, rụt rè. Các bị cáo đã ít nhiều nhận thức được sự nghiêm trọng và hậu quả mà hành vi phạm tội của mình gây ra.

Ba bị cáo tại phiên xét xử

Ba bị cáo tại phiên xét xử

Hứa sửa đổi

Trả lời thẩm vấn, 3 bị cáo lần lượt thừa nhận hành vi phạm tội đúng như cáo trạng thể hiện. Cùng với nội dung tố giác trước đó, bị hại yêu cầu các bị cáo phải bồi thường 17,4 triệu đồng. Chủ tọa hỏi các bị cáo đã bồi thường cho bị hại chưa vì đây sẽ là tình tiết để hội đồng xem xét nhằm giảm trách nhiệm hình sự cho các bị cáo. Cả 3 đều lần lượt thưa chưa bồi thường, dù vụ án đã xảy ra khá lâu.

HĐXX nói sẽ tạo điều kiện cho các bị cáo vận động gia đình nộp lại số tiền trên ngay tại tòa. Thế nhưng, cả 3 đều "từ chối" cơ hội cuối cùng này.

Bị cáo L. và V. nói rằng gia đình họ cũng không có tiền. Còn bị cáo H. thì hứa với tòa án rằng sau khi chấp hành xong hình phạt, bị cáo sẽ ráng kiếm tiền để trả cho bị hại. Tòa hỏi tiếp: "Vậy sau khi chấp hành án xong, bị cáo sẽ làm gì để kiếm tiền?". Bị cáo H. thưa, bị cáo thường buôn bán hàng rong ở phố Tây Bùi Viện vào ban đêm, còn ban ngày sẽ đi phụ hồ. Mỗi ngày phụ hồ, bị cáo được trả công 200.000 đồng.

HĐXX ghi nhận các bị cáo thành khẩn trong việc thú nhận và đối diện với trách nhiệm mà hành vi của mình gây ra. Tuy nhiên, dù các bị cáo có những biểu hiện như trên nhưng tòa án vẫn nghiêm khắc đánh giá các bị cáo là những người lười lao động nhưng ham muốn tiêu xài. Theo hội đồng, quan điểm này càng được củng cố khi đây không phải là lần đầu L. và V. gây ra các hành vi phạm tội tương tự. Do đó, HĐXX đã áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự này đối với 2 bị cáo khi lượng hình. Sau nửa ngày xét xử, TAND TP HCM tuyên phạt các bị cáo từ 9-15 tháng tù giam cùng về tội "Trộm cắp tài sản".

Song, trước khi đưa ra phán quyết, HĐXX đã hỏi các bị cáo với cùng một câu hỏi: "Sau khi ra tù, bị cáo có tiếp tục đi trộm cắp không? Nếu con của bị cáo biết mẹ mình là kẻ trộm, chúng sẽ cảm thấy như thế nào?". Đối diện với lời thẩm vấn này, bị cáo L. cúi gằm mặt, khá lâu sau đó mới lí nhí đáp: "Bị cáo không dám tái phạm nữa". Không dám tái phạm nữa cũng là lời hứa của bị cáo V. và H. trước HĐXX và những người thân có mặt tại phiên tòa. 

Sự chung tay của cộng đồng

Theo chuyên gia tâm lý Trần Ngọc Lý, thái độ và lời hứa của các bị cáo tại tòa có thể xem là tín hiệu tích cực. Song, việc thực hiện lời hứa không tái phạm còn đòi hỏi sự hỗ trợ toàn diện từ cá nhân các bị cáo và cộng đồng xung quanh. Chỉ khi có sự hỗ trợ đủ đầy và hiệu quả, các bị cáo mới có thể thay đổi và tái hòa nhập vào xã hội một cách tích cực.

Các biện pháp hỗ trợ có thể bao gồm việc cung cấp các khoản vay để khởi nghiệp, đào tạo nghề nghiệp và tạo điều kiện tìm kiếm việc làm. Ngoài ra, gia đình và cộng đồng cần có vai trò tích cực trong việc giúp đỡ và khuyến khích các bị cáo xây dựng cuộc sống mới sau khi ra khỏi tù.

Từng có tiền án về tội trộm cắp, nhưng Hiền không lấy đó làm bài học và vẫn tiếp tục gây ra hàng loạt vụ án nghiêm trọng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Thái ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN