Ba đối tượng bị bắt vụ 'bảo kê' chợ Long Biên làm theo chỉ đạo
Theo cơ quan điều tra, ba đối tượng vụ "bảo kê" chợ Long Biên bị bắt tạm giam một ngày trước đã làm theo chỉ đạo của một tổ trưởng bốc xếp hàng tại chợ Long Biên.
Chân dung đối tượng "bảo kê" chợ Long Biên
Sáng 6/12, Cơ quan CSĐT – Công an TP Hà Nội cho biết, đơn vị vẫn đang phối hợp với các đơn vị chức năng tiếp tục củng cố tài liệu, chứng cứ, hoàn thiện hồ sơ và mở rộng điều tra vai trò các bị can, đối tượng liên quan trong vụ "bảo kê" chợ Long Biên.
Trước đó, tối 5/12 Cơ quan CSĐT - Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố 3 bị can, bắt tạm giam Dương Quốc Vương (SN 1968), Lê Thanh Hải (SN 1963) cùng trú tại quận Hoàng Mai và Nguyễn Mạnh Long (SN 1962, trú quận Thanh Xuân) để điều tra về tội “Cưỡng đoạt tài sản”, liên quan tới vụ việc bảo kê chợ Long Biên.
Các quyết định khởi tố, bắt tạm giam các bị can được Viện KSND đồng cấp phê chuẩn. Cả ba bị can bị khởi tố đều là nhân viên bốc xếp tại chợ chợ này.
Trước đó, ngày ngày 30/9, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra vụ việc có dấu hiệu tội phạm “Cưỡng đoạt tài sản” sau khi tiếp nhận đơn tố giác tội phạm của tiểu thương.
Theo cơ quan điều tra, ngày 10/8, Công an TP Hà Nội nhận được đơn tố giác của chị Nghiêm Thúy N. (SN 1981) và anh Hoàng Anh H. (SN 1972), cùng trú ở quận Ba Đình, làm kinh doanh hoa quả tại chợ Long Biên.
Trong đơn, anh H. và chị N. tố giác N.K.H (SN 1963, trú ở quận Hoàn Kiếm), là tổ trưởng một tổ bốc dỡ hàng hóa ở chợ Long Biên đã có hành vi đe dọa, cản trở kinh doanh và thu tiền bến bãi trái phép.
Cảnh sát xác định, từ năm 2008 đến nay, gia đình chị N. thuê 6 địa điểm ki-ốt bán hàng tại chợ Long Biên. Giữa năm 2017, chị N. và đối tượng N.K.H xảy ra mâu thuẫn. Sau đó, đối tượng N.K.H đã chỉ đạo nhân viên bốc dỡ hàng hóa là Hải, Long, Vương cản trở việc kinh doanh của chị N.
Theo đó, Long, Hải và Vương đã cho xe khác đỗ tại vị trí đỗ xe của chị N. khi hoa quả được vận chuyển về chợ.
Khoảng thời gian từ đầu năm đến tháng 9/2018, nhóm nhân viên bốc dỡ này thường xuyên gây khó khăn cho gia đình chị N. Thậm chí nhiều lần chị N. phải nộp tiền nhưng không được bốc dỡ hàng hóa.
Hình ảnh thu tiền bến bãi tại chợ Long Biên trong phóng sự của VTV.
Hai phóng viên điều tra bị dọa giết
Liên quan vụ việc này ngày 3/12, Đài Truyền hình Việt Nam và Báo Phụ nữ TP HCM đã có công văn gửi Bộ Công an, Công an TP Hà Nội đề nghị vào cuộc điều tra việc hai phóng viên của hai cơ quan báo chí này bị kẻ lạ nhắn tin dọa giết.
Cụ thể, tối 2/12, phóng viên Nguyễn Thị Liên (bút danh Liên Liên, công tác tại Đài truyền hình Việt Nam) nhận được một tin nhắn đe dọa từ số lạ …7933.
Tin nhắn phóng viên Liên Liên nhận được có nội dung "Mày dừng lại đi, đừng cố tình quay bọn tao nữa cũng chẳng làm gì được đâu. Tao nói một lần duy nhất và nếu mày không nghe lời thì cả nhà mày sẽ phải chết vì mày". Sau đó, phóng viên của Đài truyền hình Việt Nam tiếp tục nhận được tin nhắn với nội dung “Mày nên nhớ là cả nhà mày sẽ chết nếu cố tình chọc bọn tao”.
Không chỉ phóng viên Đài truyền hình Việt Nam, phóng viên Thu Trang – Trưởng ban đại diện Báo Phụ nữ TPHCM tại Hà Nội - cũng nhận được hai tin nhắn tương tự giống phóng viên Liên Liên từ một số đuôi 7933.
Phóng viên Liên Liên và Thu Trang là tác giả loạt bài phản ánh về tình trạng "bảo kê" tại chợ Long Biên. Nhóm phóng viên đã dành nhiều thời gian nhập vai, đi thực tế tại chợ Long Biên và quay được nhiều hình ảnh về tình trạng có một nhóm người "bảo kê", thu tiền bến bãi của các tiểu thương.
Ngay sau đó, Hội Nhà báo đã có công văn đề nghị Bộ Công an, Công an TP Hà Nội vào cuộc điều tra.
Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố 3 bị can liên quan tới vụ “bảo kê” ở chợ Long Biên, Hà Nội.