Án oan sai ngày càng gia tăng và phức tạp

Theo đánh giá của Đoàn Luật sư TP Hà Nội, oan sai chủ yếu xuất phát từ giai đoạn điều tra.

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, mới đây Đoàn Luật sư (LS) TP Hà Nội đã có văn bản gửi Liên đoàn LS Việt Nam để cung cấp thông tin cho Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về tình hình oan sai và bồi thường thiệt hại cho người bị oan. Trong văn bản, Đoàn LS TP Hà Nội đã thống kê 47 vụ án có dấu hiệu oan sai mà LS của đoàn từng trợ giúp pháp lý từ 1.10.2011 đến 30.9.2014.

LS Lê Đức Bình (Phó Chủ nhiệm Đoàn LS TP Hà Nội) cho biết: “47 vụ án có dấu hiệu oan sai mà Đoàn LS TP Hà Nội thống kê chỉ mang tính ước lệ, chưa đầy đủ. Nếu thật đầy đủ thì chắc chắn các vụ án có dấu hiệu hoặc về bản chất là oan sai sẽ nhiều hơn! Việc nắm các vụ án có dấu hiệu oan sai chủ yếu là qua các báo cáo cụ thể của các tổ chức hành nghề LS và các LS thành viên. Phản ánh án oan sai từ các thành viên của đoàn, từ khách hàng, công luận cho thấy tình hình oan sai ngày càng gia tăng và phức tạp hơn”.

Thu thập chứng cứ còn khó khăn

. Có vụ việc oan sai nổi cộm nào mà LS của Đoàn LS TP Hà Nội đi đến cùng chưa, thưa ông?

+ Năm 2014, Đoàn LS TP Hà Nội có điểm mới là phản ánh oan sai theo cả kênh lãnh đạo đảng trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4. Nhờ vậy, chúng tôi tiếp thu được nhiều phản ánh của các LS là đảng viên về các vụ án có dấu hiệu oan sai. Và sau đó chúng tôi gửi văn bản phản ánh đến các cơ quan tố tụng. Nghị quyết Trung ương 4 yêu cầu chúng tôi phải giám sát quá trình truy tố và xét xử. Tuy chưa có vụ án nào chúng tôi làm được cho đến cùng, tức là trả lại công bằng cho đương sự nhưng cũng đã có những trả lời xác đáng, những cách giải quyết hợp lý, thay đổi nhận thức của các cơ quan tố tụng.

. Thưa ông, Đoàn LS TP Hà Nội dựa trên cơ sở nào để kết luận các vụ án có dấu hiệu oan sai?

+ Chúng tôi dựa vào chứng cứ ở tất cả khâu là điều tra, truy tố và xét xử nhưng oan sai chủ yếu xuất phát từ giai đoạn điều tra. Trong truy tố, dù theo luật, VKS ngoài chức năng buộc tội còn có một chức năng nữa là gỡ tội nhưng thực tế cho thấy xu hướng buộc tội vẫn là chủ yếu. Điều này khác với thực tế tố tụng ở các nước khác.

Án oan sai ngày càng gia tăng và phức tạp - 1

Ông Nguyễn Thanh Chấn - một người bị oan nổi tiếng - trong ngày được trả tự do.
Ảnh: VIẾT THỊNH

Do ảnh hưởng của tham nhũng

. Hiện LS còn gặp khó khăn gì trong việc tham gia tố tụng để hạn chế oan sai, thưa ông?

+ Thực tế ở Việt Nam, LS rất khó khăn trong thu thập chứng cứ. Các LS, với kinh nghiệm của mình, hoàn toàn có khả năng xác lập chứng cứ. Nhưng công tác xác lập chứng cứ đang gặp nhiều rào cản. Chính vì vậy, trong hoạt động bào chữa và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho khách hàng cũng còn có những hạn chế. Mặt khác, ở nước ta cơ quan tố tụng thường dựa vào bản cung để xét xử là chính, trong khi ở các nước khác người ta trọng chứng hơn trọng cung.

Chúng tôi đang kiến nghị với các cơ quan chức năng phải bãi bỏ việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa vì đây là “giấy phép con” trong khi quyền bào chữa của LS đã được luật quy định. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xác lập chứng cứ của LS để việc xem xét các vụ án đi theo hướng trọng chứng hơn trọng cung. Nếu thực hiện được những điều này, việc phát hiện ra các vụ án oan sai sẽ sớm hơn, có tính chất phòng ngừa hơn và tỉ lệ án oan sai trong tương lai sẽ giảm đi.

. Ông nghĩ thế nào về hiệu quả cụ thể của việc thống kê án oan sai, thưa ông?

+ Hoạt động này sẽ giúp các cơ quan chức năng nhận thức rõ được tình trạng oan sai. Các cơ quan tố tụng sẽ phải tự đánh giá, phát hiện ra quá trình điều tra của mình đã khách quan chưa, quá trình truy tố đã đúng chưa và việc xét xử đã công bằng chưa. Các hoạt động tổng thể này sẽ bổ trợ cho nhau bởi thật ra oan sai mấu chốt là “tại nhân”. Một mặt, một số cá nhân trong các cơ quan tố tụng không tự bồi dưỡng đạo đức, đào sâu nghiệp vụ. Mặt khác, họ chưa thắng được những cám dỗ do tiêu cực xã hội. Tôi cho rằng oan sai bắt nguồn từ tiêu cực xã hội và nhất là do ảnh hưởng của tham nhũng. Nếu mỗi cá nhân biết tự nâng cao trình độ, có lòng tự trọng, có phẩm chất tốt, chống lại được cám dỗ thì tình trạng oan sai chắc chắn không đến mức như chúng ta đang thấy.

. Xin cám ơn ông.

Cán bộ làm oan chưa bị xử lý nghiêm minh

Theo LS Nguyễn Hoàng Tiến (Đoàn LS TP Hà Nội), có ba điều kiện để ngăn chặn oan sai: Thứ nhất là đạo đức của người có thẩm quyền, thứ hai là trình độ của người có thẩm quyền, thứ ba là tinh thần trách nhiệm, mẫn cán với công việc.

Bên cạnh đó, LS Tiến cũng cho rằng tuy BLHS hiện hành có hẳn một chương quy định về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp nhưng trên thực tế, những người tiến hành tố tụng có sai phạm mà bị xử lý nghiêm minh là rất ít. Chính vì thế, những người thực thi pháp luật lại càng coi thường pháp luật, làm gương xấu cho những cán bộ khác.

LS Tiến cũng nhận định vai trò của các cơ quan giám sát ở tầm vĩ mô như Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội cần phải được đẩy mạnh. Ngoài ra một lực lượng giám sát quan trọng khác nữa là LS. “Nếu LS được tôn trọng, được tạo điều kiện theo đúng quy định của pháp luật thì các vụ oan sai sẽ giảm đi rất nhiều” - LS Tiến khẳng định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đặng Trung - Chân Luận (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN