Án mạng vì bẫy điện: Từ "khổ chủ" thành sát nhân
Từ việc sử dụng điện bừa bãi vô ý thức mà một số người dân đã phải giã từ đồng ruộng, gia đình vào ngồi gỡ lịch ở trại giam vì cái tội nhờ “thần chết” làm bảo vệ, diệt chuột giùm.
Để chống trộm cũng như để bảo vệ hoa màu khỏi bị lũ chuột cắn phá, do cách nghĩ đơn giản, một số bà con ở vùng nông thôn đã đem “thần chết” ra treo lên cây nhờ trông hộ… giùm trộm và chuột. Và cũng từ việc sử dụng điện bừa bãi vô ý thức đó mà một số người dân đã phải giã từ đồng ruộng, gia đình vào ngồi gỡ lịch ở trại giam vì cái tội nhờ “thần chết” làm bảo vệ, diệt chuột giùm.
Vào vòng lao lý vì mất chim quý
Nguyễn Khoa Nam sinh ra trong một gia đình có ba anh chị em, Nam là con trai độc nhất trong gia đình, được gia đình cho ăn học đến hết lớp 12 thì nghỉ, sống với nghề lao động tự do, nhưng có một cái thú là chơi chim cảnh, mỗi con chim của Nam chơi có giá từ vài trăm đến vài triệu đồng. Ngặt nỗi, con chim nào có giá để trong nhà là bị trộm “cuỗm” mất, làm mất cả vốn lẫn lãi nên Nam rất bức xúc.
Nhiều lần Nam đã phục cả ngày lẫn đêm ở nhà để chờ bắt cho được kẻ trộm, nhưng lại không thấy kẻ trộm đâu, khi Nam vừa chợp mắt thì con chim quý và cái lồng không cánh đã bay theo kẻ trộm. Không những chỉ trộm chim mà tên trộm liều lĩnh nào đó còn “khoắng” luôn cả tài sản trong nhà. Cay cú, Nam nghĩ tới cách bẫy trộm bằng điện để trị trộm mà không ngờ đến cái giá phải trả cho hành vi thiếu hiểu biết này.
Theo cáo trạng, do bực tức vì bị mất trộm chim, vật dụng trong gia đình nhiều lần, đầu tháng 8/2013, Nam tự làm một hệ thống điện chống trộm bằng cách sử dụng hai dây cáp điện thoại (đã lột trần) mắc song song nhau, dây trên cách mặt đất khoảng 1m, dây dưới cách mặt đất khoảng 0,5m giăng ngang khu vườn hướng từ cây mãng cầu (phía bắc) sang cây cột gỗ (phía nam). Đồng thời dùng một dây cáp khác nối 2 sợi dây này lại với nhau.
Nam kéo từ trong phòng ngủ của Nam ra một sợi dây điện đến chỗ công tắc, từ công tắc Nam kéo ra một sợi dây nóng nối vào sợi dây cáp đã cột ở cây mãng cầu. Sau công tắc, Nam mắc nối tiếp một sợi dây điện kéo ra trước nhà, mắc vào một bóng đèn nhỏ. Khi cần chống trộm, Nam cắm phích cắm vào ổ điện 220V thì các dây cáp phía sau nhà đều là dây nóng, còn bóng đèn trước nhà thì sáng để biết rằng hệ thống điện đã có.
Khoảng 17 giờ ngày 13.8.2013 (lúc này trời đang mưa), Nam cắm phích điện của hệ thống điện chống trộm vào ổ điện rồi bỏ đi ra khu vực bến xe cũ thị trấn Vạn Giã, Vạn Ninh ngồi nhậu đến khoảng 21 giờ thì về. Khi về đến nhà, Nam nghe tiếng chó sủa sau vườn nên đi ra xem thì thấy Phan Thành Nhân nằm bất động tại vị trí dây cáp mà Nam giăng để chống trộm ở phía nam khu vườn.
Nam vào nhà rút phích cắm điện ra rồi ra vườn kiểm tra thì phát hiện Nhân đã chết. Nam liền bế xác Nhân sang bên kia hàng rào phía sau nhà rồi kéo đi một đoạn khoảng 7m tới bãi đất trống trước ngôi trường bỏ hoang để giấu xác Nhân. Lúc này, chị Nguyễn Hồng Nhật phát hiện thấy bóng người, nghĩ là ăn trộm nên ra xem và truy hô, Nam sợ bỏ chạy về nhà (chị Nhật không phát hiện ra Nam).
Nam về nhà quấn dây điện và dây cáp vào thanh gỗ vuông rồi đi bộ đến cầu Chà Là thuộc xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh ném thanh gỗ vuông có quấn dây điện và dây cáp xuống sông rồi đón xe vào TP.HCM trốn. Ngay sau đó, xác anh Nhân được người dân phát hiện, báo công an. Còn Nam sau khi được gia đình động viên, ngày 16.8 đã ra đầu thú và khai nhận toàn bộ việc phạm tội của mình.
Trong vụ án này, không nói đến hành vi của Phan Thành Nhân đột nhập vườn nhà Nam nhằm mục đích gì (vì Nhân đã chết; bản thân Nhân là bị can trong vụ án trộm cắp, đang chấp hành quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú). Nhưng hành vi bẫy điện của Nam dẫn đến chết người, khiến Nam đã phạm tội giết người. Nam bị VKS truy tố tội có khung hình phạt tù từ 7 - 15 năm. Một ngày gần đây Nam sẽ phải ra tòa để trả giá cho hành vi của mình. Bởi theo quy định, các hành vi sử dụng điện để bẫy, bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ đều bị pháp luật nghiêm cấm.
Những bản án và cái giá phải trả cho sự thiếu hiểu biết
Chuyện thứ nhất, ông Võ Khắc Nguyên (trú thôn Xuân Tự, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) tích góp được vài đồng mua mấy con gà về nuôi để kiếm đồng ra đồng vào. Vậy mà kẻ bất nhân nào đó cứ liên tục đêm đến là lẻn vào bắt trộm gà của ông. Quá tức giận, nhưng làm sao để tóm được tên trộm ma mãnh này cũng như để gà khỏi bị mất. Thế là, ông nghĩ ra một kế để chống trộm bằng cách nhờ “ông điện” trông hộ giùm cái chuồng gà cho ông.
Cái “bẫy” đó đã khiến ông Nguyên phải khăn gói vào tù gỡ 6 cuốn lịch. Vì cái “bẫy” oan nghiệt của ông đã làm cho anh Nguyễn Thành Bộ (SN 1970, trú khóm Lương Hải, thị trấn Vạn Giã) ra người thiên cổ. Đó là chưa nói đến khoản bồi thường cho gia đình người bị hại.
Chuyện thứ hai dùng điện bẫy chuột phá hoại mùa màng, bảo vệ ruộng lúa dẫn đến chết người xảy ra tại thị xã Cam Ranh (Khánh Hòa). Số là ông Nguyễn Văn Dữ (SN 1962, trú thôn Yên Hòa, phường Cam Đức, thuộc huyện Cam Lâm) có một thửa ruộng 1.200m2. Nhà ông có 7 người, tất cả đều trông mong vào đám ruộng, nên vợ chồng con cái ông đã bỏ ra khá nhiều công sức chăm bón vun trồng, hy vọng sẽ được mùa bội thu, ai dè khi lúa trên ruộng sắp trổ bông thì bị chuột cắn phá.
Thấy nguồn sống của gia đình sắp rơi vào bụng chuột, ông không đành lòng ngồi bó tay mà triển khai ngay phương án chống chuột bằng “bẫy điện” như một số nông dân ở địa phương vẫn thường làm. Nghĩ xong, không một chút đắn đo, ông vác “đồ nghề” ra đám ruộng dàn trận chống chuột bằng cách dùng cọc gỗ đóng xung quanh ruộng, chiều cao mỗi cọc từ 30 - 40cm, tiếp đó ông lấy dây kẽm trần kéo từ cọc này sang cọc khác bao xung quanh khu ruộng rồi nối với dây điện đôi kéo về nhà mình. Đến tối ông lấy đầu dây đã mắc sẵn trước đó cắm vào ổ điện rồi đi ăn cơm, sau đó đến nhà người em rể chơi chờ… kết quả.
Ai ngờ, cũng vào tối hôm đó, tại khóm Yên Hòa xảy ra một trận ẩu đả, Võ Văn Hòa, Nguyễn Chánh Thành, Nguyễn Tấn Công… trú tại khóm 2 phường Cam Hiệp Bắc đến nhà ông Trần Văn Vân chơi bi-da. Trong lúc đang chơi thì có Lê Thục Nghi, Trần Thanh Tiến, Lê Quang Bình và Huỳnh Thanh Dũng (trú khóm 1 phường Cam Hiệp Bắc) đến tìm Hòa để đánh. Tại đây đã xảy ra một cuộc rượt đuổi nhau, Hòa chạy ra sau nhà ông Vân, băng qua ruộng lúa của ông Dữ đi vào “cửa tử” đụng phải dây điện và bị giật chết tại chỗ.
Thế là từ một nông dân chân chất, hiền lành bỗng chốc ông Dữ trở thành kẻ sát nhân để nhận lấy mức án 4 năm tù. Đó là cái giá của sự thiếu hiểu biết, không ý thức được tác hại của việc mình làm.
Chuyện thứ ba tương tự chuyện thứ hai cũng xảy ra tại thành phố Cam Ranh. Đó là trường hợp ông Ngô Mạnh Hùng (SN 1962, trú khóm Văn Thủy 1, phường Cam Phước Tây). Ông Hùng có một thửa ruộng không quá 700m2, tại khu vực Đầm Giếng cũng bị chuột cắn phá khi lúa đang trổ bông vào kỳ ngậm hạt, ông cũng nghĩ ra kế diệt chuột bằng cách… nhờ “ông điện” bắt chuột. Sau khi được ông Lê Hữu Ba nhà gần đám ruộng cho câu nhờ điện, Hùng liền kéo đường dây trần chạy là là sát bờ ruộng rồi nối vào ổ cắm. Bằng cách làm này sau 2 ngày, chuột cũng diệt được một số đáng kể nhưng đó cũng là lúc tai họa giáng xuống đầu Hùng.
Hôm đó, vào khoảng 20 giờ, anh Ngô Anh Tuấn (SN 1963, người cùng thôn) ra đồng coi lúa. Khi đi ngang qua bờ ruộng của Hùng, Tuấn bất ngờ bị điện giật bắn người nhưng may thoát hiểm. Hay tin có người bị sa bẫy điện, Hùng vội chạy đến nhà ông Ba cắt cầu dao rồi ra ruộng thu dây ngỡ thoát nạn, nào ngờ trong khi đang cuộn dây điện Hùng lại phát hiện một người đàn ông khác đã mắc bẫy trước anh Tuấn đang nằm thoi thóp bên bờ ruộng. Đó là ông Trần Đức Nở (SN 1948, trú cùng thôn). Hùng vội xốc ông lên đưa vào nhà ông Ba cấp cứu nhưng mọi việc đều đã quá muộn và phải nhận lấy mức án 5 năm tù.
Chuyện thứ tư xảy ra ở huyện miền núi Khánh Vĩnh (Khánh Hòa). Năm 2007, Hà Tân (SN 1974) và Ca Đia (người dân tộc T’rin) cưới nhau. Hà Tân về nhà Ca Đia làm rể. Hoàn cảnh của hai gia đình đều nghèo khó, người đông, nhà cửa lại chật chội. Song, được cái Tân rất thương vợ và chăm chỉ làm ăn nên được bố vợ Y Coi rất quý. Khi hai vợ chồng sắp có con thì Tân được cha vợ cho một mảnh đất ở thôn Giang Biên, xã Sơn Thái để cất nhà ở riêng.
Sau khi ra ở riêng, không chấp nhận cảnh đói nghèo, vợ chồng Tân quần quật lao động, làm rẫy trồng mía, trồng mì, nuôi heo, gà. Thời gian rảnh, Tân còn đi cuốc rẫy, chặt mía thuê, cố dành dụm ít tiền để lợp lại mái nhà trước lúc vợ sinh con. Chuyện Hà Tân thương vợ và chí thú làm ăn cả thôn Giang Biên ai cũng biết, cũng khen. Thế mà, đùng một cái, cả xã xôn xao về việc Tân bị công an bắt tạm giam vì hành vi giết người.
Số là do thường bị mất trộm gà nên Tân nảy sinh ý định câu móc điện để chống trộm khi không có ai ở nhà. Hôm đó khoảng 6 giờ 30 ngày 20.7.2008, trước khi cùng vợ đi làm, Tân dùng một sợi dây kẽm dài 2,15m quấn quanh cột gỗ cạnh cửa bếp, sau đó móc một đầu dây kẽm vào khung cánh cửa bếp làm bằng sắt, mặt cánh cửa đóng bằng tôn; đầu dây kẽm còn lại Tân móc vào ổ cắm điện 220V.
Sau khi câu móc điện xong Tân cùng vợ đi làm rẫy. Đến khoảng 7 giờ 30 cùng ngày thì Tân nhận được tin dữ từ Cà Thị Ưng báo có người bị điện giật chết ở nhà Tân. Vợ chồng Tân vội vàng bỏ cuốc chạy về nhà xem ai, nào ngờ nạn nhân bị bẫy không ai khác mà chính là đứa cháu họ của mình tên Hà Khải (SN 2003), con thứ hai của anh Hà Văng, anh họ của Tân. Sau khi sự việc đau lòng xảy ra, nhận thấy hành vi của mình vô tình đã giết chết người, Tân đến UBND xã Sơn Thái đầu thú.
Phiên tòa hôm ấy được TAND tỉnh Khánh Hòa mở vào buổi chiều, bỗng trở nên vắng lặng bởi người đến dự khán chẳng có ai ngoài mấy người ở cùng xóm và bà con họ hàng của nhau, cả Cà Đia cũng bồng đứa con 5 tháng tuổi đến tòa để an ủi chồng. Tất cả họ đều day dứt một nỗi đau, nỗi đau từ cái “bẫy điện” oan nghiệt. Cuối cùng, tòa tuyên phạt Tân 7 năm tù về tội "Giết người" và buộc bồi thường 20 triệu đồng tiền tổn thất tinh thần cho gia đình người bị hại.
Án tuyên xong chẳng ai nói với ai đều gì, vội vàng lấy xe về cho kịp tối, Cà Đia thì nước mắt lưng tròng cố đứng nhìn theo chiếc xe chở Hà Tân về trại hú còi dần khuất xa, trên tay đứa trẻ bỗng òa khóc theo, dường như nó cảm nhận được điều gì đó từ người mẹ.
Qua 4 vụ án cho thấy, bốn cái chết đều bắt nguồn từ điện. Tuy nhiên, đây là hành vi không cố ý, chỉ vì thiếu hiểu biết về điện cho nên hậu quả đáng tiếc đã xảy ra. Và cũng từ sự thiếu hiểu biết đó đã biến người nông dân chân chất, chân lắm tay bùn bỗng chốc mang trọng tội.