Ân hận muộn màng của bà mẹ tự tử cùng con

Tỉnh dậy sau khi được cứu sống, chị hoảng hốt hỏi: “Con đâu?” nhưng đứa trẻ đã ra đi, để lại nỗi ray rứt, đau đớn không nguôi…

Năm 2001, vượt qua sự phản đối của gia đình, N.T.M.L (SN 1974, ngụ quận Bình Tân - TPHCM) kiên quyết yêu và về làm vợ người đàn ông từng một thời nghiện ngập, anh N.T.Tr.

Hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, khi đứa con trai đầu lòng (SN 2002) chào đời, người chồng quay về con đường cũ.

Tự tử cùng con

Trước vành móng ngựa, chị tức tưởi: “Anh ấy chưa cai nghiện hẳn, bỏ 2 mẹ con đi miết. Không chỉ vậy, ảnh còn nhậu nhẹt, rượu bia, ngày nào cũng say xỉn. Buồn quá, bị cáo bỏ về nhà cha mẹ…”.

L. định buông tay với cuộc hôn nhân có quá nhiều nước mắt nhưng rồi khi mẹ chồng mang chứng bệnh tâm thần bỏ nhà đi, thương chồng, chị lại quay về. Năm 2009, chị sinh bé N.H.X.M, anh vẫn chứng nào tật nấy và còn lén lút ngoại tình. Nhiều lần bắt gặp tin nhắn giữa chồng với người phụ nữ khác, chị chỉ im lặng chịu đựng. “Cuộc hôn nhân này do bị cáo lựa chọn. Bị cáo không muốn cha mẹ buồn nên không dám chia sẻ...” - chị lại khóc.

Nước mắt, đau khổ kéo dài khiến L. nghĩ quẩn... Cho đến ngày 5-6-2012, khuya vẫn chưa thấy chồng trở về, chị liên tục gọi điện nhưng anh không nghe máy. Đến khi về nhà, thấy con uống sữa nôn ọe, anh lớn tiếng: “Về nhà thấy cái mặt bắt chán, đi đâu thì đi hết đi” rồi bỏ khỏi phòng.

Giọt nước tràn ly, L. quyết định uống thuốc quyên sinh. Nghĩ mình chết sẽ không ai chăm sóc cho M. vì bé hay đau bệnh, chị nảy sinh ý định để con chết cùng. Trong lúc tinh thần thiếu tỉnh táo vì thuốc, chị dùng 2 tay bóp cổ con... Khi gia đình phát hiện, bé M. đã tử vong.

Đau đến suốt đời

“Bị cáo thấy cuộc sống sao mà khổ quá nên muốn giải thoát cho mình…” - L. nghẹn ngào. Lặng người một lúc, vị thẩm phán chua xót: “Chồng từng đi cai nghiện, bị cáo vẫn đấu tranh với gia đình để yêu thương. Chuyện như vậy bị cáo còn vượt qua được, sao những khó khăn trong đời sống hôn nhân lại không thể chia sẻ với chồng để cùng nhau vượt qua? Lỗi lầm là ở chồng bị cáo. Đứa bé không có tội…”. Nước mắt lăn dài trên gương mặt đau đớn của người mẹ.

Có mặt tại phiên tòa, chồng L. cũng là đại diện của người bị hại xin HĐXX xem xét giảm án cho vợ, đồng thời cúi đầu thừa nhận phần lỗi của mình. “Có khi nào anh hỏi vợ tiền đưa về có đủ chăm lo cho gia đình không?” - vị đại diện VKSND TPHCM chất vấn. “Dạ không” - người chồng lí nhí trả lời. “Anh có từng quan tâm, chăm sóc các con không?”. “Dạ không”. “Anh có đưa đón con đi học không?”. “Dạ không”... Thở dài, đại diện VKSND TPHCM nói: “Trách nhiệm làm cha, làm chồng của anh ở đâu? Đâu phải ở với ngoại là anh đẩy hết trách nhiệm cho vợ, cho bên đó? Anh ngoại tình, vợ đã tha thứ mà anh còn mắng chửi vợ con. Hành vi của anh chính là bạo hành tinh thần, điều này đã thúc đẩy vợ anh gây nên lỗi lầm”. Người chồng cúi đầu im lặng.

Lời nói sau cùng, L. run run: “Bị cáo xin cha mẹ, anh chị gia đình hai bên tha lỗi. Mất con, bị cáo đau khổ lắm, không thiết sống nữa nhưng mà đứa con lớn cứ ôm bị cáo khóc: “Mẹ ơi, đừng chết, đừng bỏ con mẹ ơi…”. Chị nghẹn lời. Tám năm tù rồi cũng sẽ qua nhưng nỗi đau mất con len sâu vào tận tâm can người mẹ, đến suốt đời…

CHUYÊN VIÊN TƯ VẤN TÂM LÝ BÙI NHÀI:

Cần bình tĩnh

Kinh tế khó khăn là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Ngoài ra, nhận thức hạn chế, không có nhiều mối quan hệ xã hội, thiếu kỹ năng xử lý tình huống, bị ảnh hưởng bởi các luồng tư tưởng bên ngoài, bão hòa trước thông tin các vụ án… khiến nhiều bậc cha mẹ không còn cảm thấy sợ sệt, chọn tự tử là giải pháp tối ưu để giải thoát bản thân và con cái khỏi cuộc sống khó khăn. Bên cạnh đó, tình trạng trọng nam khinh nữ, ly hôn, bạo lực gia đình… gia tăng cũng ảnh hưởng lớn đến tư tưởng của cá nhân trong cả suy nghĩ và hành động…

Để vượt qua những bế tắc trong cuộc sống, cá nhân phải trang bị cho mình những kỹ năng sống, mở rộng các mối quan hệ xã hội, bình tĩnh nhìn nhận đúng vấn đề, không nên nghĩ quá nhiều đến hậu quả khi chưa tìm ra được phương hướng. Đồng thời, nên chia sẻ những khó khăn đang gặp phải với người thân, bạn bè, đồng nghiệp, tổ chức, chính quyền địa phương… để tìm sự đồng cảm, giúp đỡ.

TH.S NGUYỄN THỊ TÂM, GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM ĐÀO TẠO VÀ ỨNG DỤNG KHOA HỌC TÂM LÝ HỒN VIỆT:

Phải nhẫn nại

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi tự tử cùng con, một trong số đó là việc cá nhân không nhận thức cuộc sống đúng đắn, có cái nhìn lệch lạc về hôn nhân-gia đình. Từ cách nhìn nhận vấn đề lệch lạc, người ta sẽ có hành động tiêu cực. Một nguyên nhân nữa là nhiều người sống mà không có một hệ giá trị chuẩn mực nào, cứ trôi nổi, buông thả theo những giá trị vật chất, danh lợi phù phiếm, hào hoa bên ngoài nên dễ dàng rơi vào trạng thái sốc, nghĩ quẩn.

Đời sống hôn nhân đòi hỏi mỗi người phải có sự nhẫn nại bởi giữa 2 người luôn tồn tại sự va chạm về tính cách, lối sống. Cho nên, khi nhận thấy sự khác biệt, vợ chồng phải bình tĩnh, suy nghĩ cách giải quyết bằng tình yêu thương. Nếu không còn tình cảm với nhau, có thể chia tay thay vì tìm đến cách ứng xử tiêu cực.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kha Miên (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN