Âm mưu báo thù của người đàn bà bất chấp thủ đoạn
Trung Quốc - Cho rằng mình phải ngồi tù vì gia đình Trịnh Hòa Lương, Chu Phương chấp nhận làm nhân tình cho kẻ giỏi nổ mìn để được giúp trả thù, khiến 9 người tử vong, năm 1993.
Khoảng 1h ngày 9/5/1993, nhà Trịnh Hòa Lương ở thôn Sơn Bối, huyện Vĩnh Gia, thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, đột ngột phát ra tiếng nổ lớn, chấn động cả thôn, đánh thức những người đang say giấc.
Dân làng nhanh chóng đổ xô đến hiện trường và chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng. Tòa nhà hai tầng tám gian đã biến thành đống đổ nát, khắp nơi là gỗ vụn, ngói vỡ, gạch đá vỡ. Thi thể của 9 nạn nhân gồm năm người trong gia đình Lương, bố mẹ Lương và hai cháu họ nằm rải rác trong đống đổ nát.
Vụ nổ tạo ra hố rộng khoảng 4 m2, sóng nổ lan ra tới hơn 100 m xung quanh, ba ngôi nhà tường gạch cách nhà Lương 50 m cũng đổ nát. Mùi thuốc nổ nồng nặc lan tỏa trong không khí khiến người ta nghẹt thở.
Điều tra sơ bộ hiện trường, cảnh sát nhận thấy tầng hai nơi gia đình Lương ở cất hàng chục hộp thuốc nổ để phục vụ cho việc phá đá làm đường, nhưng trong nhà không có ngòi nổ nên có thể loại trừ khả năng vô tình kích nổ; tivi và các thiết bị điện khác được đặt ở tầng dưới nên cũng có thể loại trừ khả năng kích nổ bằng điện.
Dựa trên cách lựa chọn thời gian gây án vào lúc quá nửa đêm, đường vắng, trời mưa lớn, thủ đoạn phạm tội là dẫn nổ khối thuốc nổ được Lương cất giữ trên tầng hai, cảnh sát suy đoán hung thủ rất quen thuộc với hoàn cảnh sống của gia đình Lương.
Sau khi phân tích, đội điều tra nhận định hung thủ có những đặc điểm như hung ác, táo bạo, rất thông thạo địa hình quanh gia đình nạn nhân, am hiểu về nổ mìn, có mâu thuẫn gay gắt với nạn nhân. Mục tiêu hung thủ nhắm đến được cho là Lương vì theo dân làng, anh ta từng xảy ra tranh chấp với một số người khi nhận thầu làm đường trong thôn.
Qua thẩm vấn người dân, đội điều tra xác định được nghi phạm thứ nhất là Chu Phương, 37 tuổi, sống cách thôn Sơn Bối bốn km. Phương bị nhận xét có tính cách hung hãn và ôm tâm lý thù địch nặng nề với bất cứ ai có hiềm khích với cô ta.
Tháng 9/1992, trong lúc mâu thuẫn với Lương về vấn đề nền đường, Phương dùng dao quắm chém em trai Lương, bị bắt vì tội cố ý gây thương tích. Sau hai tháng rưỡi ngồi tù, Phương được miễn truy tố và được thả, nhưng phải bồi thường 1.400 nhân dân tệ chi phí y tế cho nạn nhân.
Trước cảnh sát, Phương khai rằng sau khi ăn cơm tối 8/5, cô ta ôm con đi ngủ đến lúc vụ nổ xảy ra, sau đó một mình lên núi chăn gia súc vào sáng 9/5, không đến hiện trường xem như hầu hết dân làng.
Nghi phạm thứ hai là Tạ Văn Long, 26 tuổi, ở thôn lân cận. Anh ta từng bị kết tội trộm cắp, vừa mãn hạn tù. Năm 1989, vì những va chạm nhỏ trong cuộc sống, mẹ Long tranh cãi gay gắt với vợ Lương, sau đó uống thuốc độc tự tử, tiêu tốn hơn 1.000 nhân dân tệ để cứu chữa. Khi đó Long lớn tiếng uy hiếp: "Rồi có ngày tôi cho cả nhà họ Trịnh biết mặt".
Qua điều tra, cảnh sát xác nhận Long chơi mạt chược cùng vài người khác từ tối 8/5 đến sáng sớm 9/5, không có thời gian phạm tội.
Khi mở rộng điều tra tại các thôn xung quanh, cảnh sát phát hiện nghi phạm thứ ba là Chu Quốc Khải. Gia đình Khải từng xung đột với Lương về việc làm đường, nhưng khi cảnh sát hỏi, anh ta một mực chối bỏ mâu thuẫn. Tuy nhiên, qua xác minh, đội điều tra phát hiện Khải qua đêm ở nhà bạn gái vào tối 8/5, được loại trừ nghi vấn phạm tội.
Cảnh sát Trung Quốc lấy lời khai của người dân vào những năm 1990. Ảnh: Sina
Lúc này, một người dân trình báo nhìn thấy Phương ở thôn Sơn Bối vào tối 8/5, điều này mâu thuẫn với lời khai "đi ngủ sớm" của cô ta. Sáng sớm 9/5, dân làng phát hiện nhiều dấu dép còn mới đi qua nhà Phương thì biến mất.
Cảnh sát trích xuất dấu dép đáng ngờ từ hiện trường đến nhà Phương, qua nhiều lần đối chiếu, xác định dấu dép trùng khớp với dép lê của Phương. Nhưng điều này chưa đủ để chứng minh Phương có liên quan đến vụ án.
Đội điều tra triệu tập Phương, để cô ta một mình trong phòng thẩm vấn. Dưới sự giám sát, Phương trở nên hiền lành, điềm tĩnh, không phù hợp với tính cách thường ngày. Tuy nhiên, Phương liên tục lẩm bẩm, tự nhủ "không sao hết".
Khi bị thẩm vấn, Phương không thừa nhận ra khỏi nhà vào tối 8/5, nói bận nên không đến xem hiện trường vụ nổ, nhưng không thể giải thích được dấu dép để lại trên đường gần hiện trường.
Tối 14/5, sau khi xem xét lại toàn bộ vụ án, đội điều tra loại bỏ nhận định ban đầu rằng ít có khả năng hung thủ gây ra vụ nổ là phụ nữ. Họ xác định Phương là nghi phạm chính trong vụ án, và nhiều khả năng có đồng phạm. Cảnh sát tạm giữ chồng Phương, Trịnh Bằng, để điều tra.
Từng ngồi tù nên Phương gây nhiều khó khăn cho điều tra viên khi tái thẩm vấn. Cô ta trả lời đầy đủ câu hỏi nhưng luôn cảnh giác và kín kẽ. Tuy nhiên, với tính cách của Phương, nếu thực sự không liên quan đến vụ án, có thể cô ta đã mắng chửi cả cảnh sát.
Trong cuộc thẩm vấn kéo dài, điều tra viên liên tục hỏi xoáy vào dấu dép và việc Phương bị phát hiện ở thôn Sơn Bối vào tối 8/5. Cô ta lộ vẻ giật mình, sau đó giữ im lặng khi bị hỏi "đi cùng ai". Đến 23h ngày 18/5, Phương thú nhận tội lỗi. Theo lời khai, sau khi ra tù vào tháng 11/1992, Phương nung nấu ý định trả thù Lương bằng mọi giá. Cô ta căm ghét chồng vì tính cách thành thật, nhát gan, không thể giúp mình báo thù. Để đạt được mục đích, Phương làm nhân tình của Trịnh Ứng Huy, một gã am hiểu nổ mìn, sống ở thôn Sơn Bối.
Khi quan hệ thân mật, cô ta nói về mối thù với Lương và yêu cầu Huy giúp đỡ. Huy nói: "Thù này dễ báo, nhà Trịnh Hòa Lương có rất nhiều chất nổ trên lầu, ném một ngòi nổ không phải xong ngay à?". Phương cố thuyết phục Huy: "Anh với nhà hắn không có mâu thuẫn gì, dù cho nổ tung đồn cảnh sát cũng không ai tra ra. Anh làm giúp em việc này, còn trách nhiệm em chịu hết".
Sau đó, Phương kéo cả chồng vào âm mưu. Ba người nhiều lần lên kế hoạch cho vụ nổ, chờ đợi thời cơ.
Ngày 8/5, Bằng đến thôn khác làm thuê để tạo bằng chứng ngoại phạm. Khoảng 21h hôm đó, Phương đến nhà Huy, chuẩn bị sẵn gói thuốc nổ. Sau khi quan hệ, cả hai đợi đến nửa đêm rồi đi đến nhà Lương giữa trời mưa. Cả hai đứng trong góc tường bên ngoài ngôi nhà, âu yếm một hồi rồi Phương về nhà trước.
Đợi khoảng nửa tiếng, Huy trèo lên ban công, dùng gậy tre móc túi nylon chứa những gói thuốc nổ đưa vào căn phòng trên tầng hai, nơi cất giữ hàng chục hộp thuốc nổ. Huy châm ngòi nổ rồi bỏ trốn khỏi hiện trường.
Vào 5h ngày 19/5, cảnh sát bắt Huy khi đang ăn sáng.
Cuối tháng 5/1993, Phương và Huy bị kết án tử hình. Bằng cũng bị pháp luật trừng phạt nghiêm khắc.
Ngay khi đến khách sạn, việc đầu tiên của người phụ nữ này là khám xét cơ thể của nhân tình.
Nguồn: [Link nguồn]