Ám ảnh tai nạn giao thông

Dịp Tết, tai nạn giao thông luôn tăng vọt. Những ngày cuối năm, nhiều khoa cấp cứu ở các bệnh viện dù vẫn tất bật chuẩn bị để ứng phó tốt nhất nhưng luôn mong mỏi có một cái Tết thảnh thơi.

Cứ vào dịp nghỉ lễ kéo dài hay Tết Nguyên đán, các bác sĩ (BS) Khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) Việt Đức (Hà Nội) lại gồng mình với những ca tai nạn giao thông (TNGT). PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức, cho biết thông thường trong những ngày lễ, Tết, số nạn nhân cấp cứu TNGT liên quan đến rượu bia tăng vọt so với ngày thường. Trung bình mỗi ngày, BV tiếp nhận khoảng 150 ca cấp cứu thì đến 60%-70% là do TNGT.

Phần lớn nạn nhân là thanh niên

Theo PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, phần lớn nạn nhân TNGT là thanh niên, lái xe trong tình trạng say rượu, không làm chủ được tốc độ nên tông người khác hoặc tự gây tai nạn. Nhiều trường hợp dù được cấp cứu kịp thời, thoát khỏi tử vong nhưng lại bị di chứng suốt đời như mất khả năng nhận thức, diễn đạt, lao động, cụt tay, cụt chân…

Ám ảnh tai nạn giao thông - 1

Nạn nhân tai nạn giao thông cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) những ngày cận Tết. Ảnh: Ngọc Dung

Điều dưỡng Nguyễn Văn Uy, Khoa Cấp cứu BV Việt Đức, cho biết những ngày cận Tết này, số ca cấp cứu do TNGT đã tăng nhẹ. Vào thời điểm Tết Nguyên đán, nhất là các ngày mùng 2, 3, 4, số nạn nhân nhập viện do TNGT thường tăng vọt, có thời điểm gấp 2-3 lần ngày thường.

“Hầu hết nạn nhân TNGT cấp cứu đều có hơi men trong người. Điều này cũng dễ hiểu bởi dịp Tết, mọi người thường đi chúc nhau, nhiều khi uống quá chén nên tham gia giao thông rất dễ xảy ra tai nạn. Nhất là thanh niên, có lúc hứng lên chở 3-4 rồi lạng lách, đánh võng, trong khi không đội mũ bảo hiểm nên nếu xảy ra va chạm thường bị chấn thương rất nặng, nguy hiểm đến tính mạng. Phần lớn những trường hợp TNGT là thanh niên còn rất trẻ, từ 25-35 tuổi. Rất nhiều nạn nhân đã sử dụng rượu bia, không làm chủ được tốc độ nên tự gây tai nạn hoặc tông vào người khác” - ông Uy lo ngại.

Các BS cho biết hình ảnh người thân khóc ngất, nức nở gọi tên chồng, con là chuyện thường gặp ở Khoa Cấp cứu BV Việt Đức ngày Tết. “Có những ông bố bàng hoàng trước tin con mình hôn mê, đa chấn thương vì TNGT chỉ sau chưa đầy 10 phút rời khỏi nhà. Những hình ảnh đôi chân giập nát, gương mặt biến dạng, máu nhuộm đỏ quần áo… không còn là hiếm gặp ở BV Việt Đức. Thậm chí, nhiều nạn nhân bị gãy tay, gãy chân vẫn còn được cho là nhẹ”- một BS ưu tư.

Theo ThS-BS Võ Quang Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM, số ca cấp cứu TNGT do rượu bia tăng dần những ngày trước, trong và cuối của dịp nghỉ Tết. “Thông thường, số người nhập viện cấp cứu tại trung tâm vào dịp Tết tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường” - BS Huy cho biết.

Tại BV Chợ Rẫy (TP HCM), Tết hằng năm, số ca TNGT do rượu bia cũng tăng đột biến. Chưa kể hàng trăm trường hợp bị chấn thương sọ não từ các tỉnh chuyển về nên BV đã có kế hoạch cụ thể, rõ ràng để ứng trực, tiếp nhận bệnh nhân.

“Trong dịp Tết Ất Mùi này, BV Chợ Rẫy có 37 BS trực khoa cấp cứu, chia làm 2 ca mỗi ngày, bảo đảm trực 24/24 giờ. Mỗi ca thường trực có 2 đội cấp cứu ngoại viện, bảo đảm thực hiện công tác cấp cứu ngoại viện khi có yêu cầu hoặc điều động của lãnh đạo khoa, lãnh đạo BV. Nguyên tắc là tua sau ứng trực tua trước và sẵn sàng hỗ trợ khi có lệnh điều động trong các tình huống khẩn cấp, kết hợp các đội cấp cứu chuyên khoa khi có tai nạn hàng loạt, thảm họa…” - TS-BS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy, khẳng định.

Chớ nên quá chén

PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết cảnh báo đợt nghỉ Tết Ất Mùi kéo dài tận 9 ngày, do đó TNGT nhiều khả năng sẽ xảy ra nhiều hơn. “BV sẽ cắt cử mỗi ngày khoảng 50 BS và gần 100 điều dưỡng để trực cấp cứu. Dự đoán số ca cấp cứu do TNGT sẽ tăng cao trong những ngày đầu năm mới nên các nhân viên y tế đã sẵn sàng “chạy đua” với thần chết để giành giật mạng sống cho bệnh nhân” - ông cho hay.

Theo PGS-TS Quyết, do đặc thù là BV tuyến cuối nên BV Việt Đức thường tiếp nhận những ca TNGT rất nặng từ các địa phương chuyển lên. Do di chuyển trên các quốc lộ với tốc độ nhanh nên những vụ TNGT này gây chấn thương nặng nề hơn các va chạm ở đường nội đô.

Để phòng nguy cơ TNGT, ông Quyết lưu ý mọi người cần đi với tốc độ vừa phải, đội mũ bảo hiểm và tuyệt đối không lái xe khi đã uống rượu bia. “Thực tế, trong số ca TNGT nhập viện, nhiều trường hợp đã sử dụng bia rượu. Trong khi đó, uống bia rượu dù một chút cũng có thể khiến người cầm lái không tỉnh táo và gây TNGT” - ông cảnh báo.

Gần 20 năm đón Tết trong BV, chứng kiến hàng trăm, hàng ngàn bệnh nhân phải vật lộn với từng cơn đau, đấu tranh với thần chết, BS Dương Trọng Hiền, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật cấp cứu tiêu hóa BV Việt Đức, cho rằng có vào BV mới thấm thía sự quý giá của sức khỏe, của cuộc sống. “Rất nhiều bệnh nhân sau khi bị TNGT đều cảm thấy hối tiếc vì đã không biết trân trọng sức khỏe của mình. Lúc gặp nạn rồi, họ mới tự nhủ “nếu biết thế đã không phóng nhanh” hay “giá như không uống rượu bia”… Nếu mỗi người khi tham gia giao thông cẩn trọng hơn thì sẽ hạn chế được nỗi đau cho mình và người khác” - BS Hiền nhìn nhận.

Dịp Tết này, nhân viên Khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy không nghỉ phép trong thời gian trực. Để ứng phó tình hình bệnh nhân TNGT có thể tăng đột biến dịp Tết, Trung tâm Truyền máu BV Chợ Rẫy bảo đảm đủ cơ số dự trữ các loại máu và chế phẩm cung cấp cho BV này và các BV khác khi cần. Khoa Dược cũng có phương án đề phòng lượng bệnh nhân tăng cao trong dịp Tết và chuẩn bị đủ thuốc, cơ số thuốc cấp cứu; có kế hoạch cung cấp thuốc cũng như y cụ,  dụng cụ nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời hỗ trợ điều trị cấp cứu hàng loạt, cấp cứu thảm họa.

“Hằng năm, do bà con vui Tết, quá chén nên số người bị TNGT vào BV Chợ Rẫy cấp cứu thường tăng rõ rệt. Trường hợp bị nhẹ như gãy tay, gãy chân thì cũng phải nằm viện trong kỳ nghỉ Tết. Như mọi năm, Khoa Chấn thương Chỉnh hình đã bố trí lịch trực cấp cứu, mổ và nếu có liên quan đến các khoa khác thì phối hợp hội chẩn” - TS-BS Lê Văn Tuấn, Trưởng Khoa Chấn thương Chỉnh hình BV Chợ Rẫy, nhấn mạnh.

Rượu bia: Thủ phạm số 1

Theo thống kê, hơn 40% số vụ TNGT và 11% số người tử vong do TNGT có liên quan đến rượu bia. Nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới khảo sát trên hơn 18.000 nạn nhân nhập viện do TNGT tại Việt Nam cho thấy có tới 36% người lái xe máy có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép, 66,8% điều khiển ô tô vi phạm quy định về nồng độ cồn.

Các chuyên gia y tế cho biết với nồng độ cồn ở mức 0,05 mg/lít khí thở, người uống đã bị giảm sút suy nghĩ và bị kích động nhẹ, nói nhiều; 0,1 mg/lít khí thở, họ gặp khó khăn trong việc cầm nắm, đi lại vụng về; 0,2 mg/lít khí thở thì dễ bị ức chế, dễ giận dữ, đi lại loạng choạng. Nếu cao hơn nữa, tùy mức độ, người uống có thể bị lú lẫn, không nhận thức được mọi việc diễn ra xung quanh…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Dung - Phạm Dũng (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN