Ám ảnh nước mắt người cha
Những giọt nước mắt này không nhỏ thành dòng trong nỗi đau quằn quại như những người mẹ, mà đặc quánh như cố nén lại nhưng vẫn cứ rịn ra.
Mới đây, ông Tu Ngọc Hoài (xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) cho biết ông đã quá mệt mỏi, không muốn ra tòa nữa. Dù vụ án công an xã đánh chết con trai ông là Tu Ngọc Thạch vẫn chưa đến hồi kết.
"Mỗi lần nhắc, một lần đau"
Ông Hoài đã nói với tôi như vậy sau phiên tòa phúc thẩm lần ba, vào ngày 30-8-2017. Phiên tòa ấy đã tuyên hủy án trả hồ sơ để điều tra lại, làm rõ hành vi có phạm tội hay không đối với Lê Tấn Khỏe (SN 1999; ngụ xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh). Cũng lần ấy, ông Hoài bảo đã có ý không muốn ra tòa nữa vì không thể chịu được khi nghe các bị cáo kể về chuyện đánh con ông đến chết thế nào. Đầu lạnh nhưng trái tim ông thì rướm máu. Ông sợ mình không thể chịu nổi.
Phiên tòa sơ thẩm đầu tiên xét xử tại TAND huyện Vạn Ninh, vào ngày 12-11-2014. Khi đó, ông Hoài cùng vợ và các con ra tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Ngày ấy, nỗi đau mất con vẫn không làm nhòa đi cái dáng vẻ rắn rỏi của người nông dân 50 tuổi, một nắng hai sương. Thế nhưng, khi lần lượt các bị cáo Lê Tấn Khỏe, Lê Minh Phát (SN 1990, nguyên công an viên xã Vạn Long) và Lê Ngọc Tâm (SN 1983, nguyên công an viên xã Vạn Long) kể về việc rượt đuổi, ném chai, bắt giữ rồi đánh đứa con là học sinh lớp 9 của ông, đặc biệt là những đòn đánh hiểm đến mức chấn thương sọ não và tử vong sau đó của người từng là võ sĩ quyền Anh Lê Minh Phát, tay ông Hoài bỗng run lên. Ông cố tì tay vào thành ghế của người ngồi trước đến nỗi gân nổi lên cuồn cuộn. Rồi đến lúc dường như không thể kìm nén nổi nỗi đau, ông thốt lên rất nhỏ: "Trời ơi!". Những giọt nước mắt đặc quánh rịn ra từ đôi mắt đỏ hoe. Những giọt nước mắt như bị níu giữ bởi lòng tự trọng của người đàn ông nơi chốn công đường nên không thể lăn dài.
Đôi mắt đỏ hoe của ông Tu Ngọc Hoài tại tòa trước nỗi đau mất con
Những phiên tòa lần sau, cứ mỗi lần đến đoạn bị cáo kể về việc rượt đuổi, bắt giữ, đánh đạp Tu Ngọc Thạch, không hiểu sao tôi lại đưa mắt nhìn sang ông. Và lần nào tôi cũng bắt gặp đôi mắt đỏ hoe với những giọt nước mắt như keo lại trên khóe mắt của người cha này. Cứ vậy nó gây ám ảnh cho tôi và bao người dự tòa.
Qua 6 phiên tòa và cho đến lúc này, chỉ 1 lần ông phải bước ra khỏi tòa giữa lúc Lê Minh Phát kể lại việc đánh con ông. Đợi một hồi lâu ông mới ngẩng mặt lên sau khi gục đầu trên ghế đá. Nghĩ rằng ông đã khóc đến trôi cả lớp bụi trên tay áo nhưng vẫn là đôi mắt ấy, vẫn là những giọt nước mắt như keo ấy. Ông bảo muốn khóc lắm, trước nỗi đau mất con đến xé lòng nhưng còn vợ, còn những đứa con khác nữa. Ông không muốn họ thấy ông ngã khụy để rồi phải ngã theo.
Nỗi sầu không giải tỏa
Một vụ án khác cũng gây ám ảnh tôi rất nhiều bởi đôi mắt người cha tại tòa là vụ án dùng nhục hình xảy ra tại Công an TP Tuy Hòa (Phú Yên) mà bị hại là Ngô Thanh Kiều (ngụ xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên). Đây cũng là vụ án kéo dài, xử đi xử lại. Hơn 3 năm trời, mặc dù đại diện cho gia đình bị hại đã có con dâu và con gái đứng ra lo liệu nhưng dường như phiên tòa nào ông Ngô Văn Cộ (cha Ngô Thanh Kiều) cũng đến. Mái tóc bạc, dáng vẻ tiều tụy, phiên tòa nào ông cũng lặng lẽ vào ngồi ở vị trí HĐXX dành cho mình. Ông không nói gì nhiều, chỉ lặng lẽ ngồi, lặng lẽ nghe đến suốt buổi. Chỉ đến khi các bị cáo nguyên là cán bộ Công an TP Tuy Hòa kể lại việc dùng nhục hình, còng tay, đánh đập con ông, nét mặt ông mới có sự biến chuyển. Người cha này tái đi và chau mày như cố gánh chịu nỗi đau đang xé lòng. Đôi lần ông gục mặt như cố nén lại nỗi đau mất con. Dường như không một phiên tòa nào người ta thấy ông khóc. Cũng có thể ông không còn đủ sức khóc. Nỗi vất vả của một người cha thôn quê bươn chải nuôi con đủ lớn, giờ lại cộng với nỗi lo cho 2 đứa cháu từ nay mất cha đã khiến ông không thể khóc. Nhưng thà ông khóc, thà ông quằn quại trong nỗi đau mất con, người ta vẫn cảm thấy ít bị ám ảnh hơn là đôi mắt hoen đỏ của ông. Nó như muốn nuốt trọn nỗi đau, như không muốn san sẻ cho ai.
Tại một phiên tòa phúc thẩm vụ án này, cũng có một ánh mắt hoe đỏ khác của một người cha mất con vì lao lý. Ông là Trần Ngọc Long, cha của Trần Thị Hải Yến - một bị can chết trong nhà tạm giữ của Công an huyện Tuy An (Phú Yên). Con ông chết với kết luận của cơ quan điều tra là treo cổ tự tử. Ông đến tòa không chỉ như người dự khán, mà đến như để hiểu hơn nỗi đau mất con mà chính ông cũng đang trải qua. Và khi nghe các bị cáo kể lại việc dùng nhục hình, nhìn sang người cha đau khổ của Ngô Thanh Kiều, đôi mắt ông Long lại hoe đỏ, như cảm thông đến tận cùng nỗi đau mất con của một người cha.
Dự bao nhiêu phiên tòa, chứng kiến bao cảnh đau khổ lẫn hoan hỉ nhưng tất cả vẫn không gì ám ảnh tôi bằng đôi mắt của những người cha tại tòa. Đôi mắt của những người cha mất con đau đến xé lòng nhưng phải cố nén nỗi đau ấy. Trong một bài thơ, người bạn tôi viết rằng "Nước mắt cứ nuốt ngược vào lòng nên nỗi sầu không giải tỏa". Có lẽ đấy là nước mắt tại tòa của những người cha mất con.
Cuộc đời người đàn bà ấy dường như chưa được hưởng một ngày sung sướng. Khi các con còn nhỏ thì bươn chải mưu...