Ám ảnh của người dùng xăng đốt chết vợ

Sự kiện: Đằng sau song sắt

Sau những ám ảnh, giày vò của tội lỗi, giờ đây tôi bước qua được những tháng ngày tuyệt vọng và mơ về một ngày được đoàn tụ với 2 con. Khi ngày đó đến, tôi nhất định sẽ dắt 2 đứa con ra mộ vợ, thắp lên mộ một nén nhang...

 LTS: Năm 2002, Nguyễn Văn Cảnh đã khiến cả vùng quê nghèo nơi gia đình anh đang sinh sống xôn xao khi gây ra vụ án dùng xăng đốt vợ, chỉ vì những mâu thuẫn vụn vặt, những ghen tuông vô lý, nhỏ nhen của mình. Vợ chết, chồng vào tù, 2 đứa con thơ nhỏ dại bơ vơ không nơi nương tựa, phải gửi về gia đình bên ngoại nuôi. Những ngày tháng ở trong tù, đối diện với án tù 15 năm dài đến mòn mỏi, nếu không có sự tha thứ của người vợ trước lúc chết, Nguyễn Văn Cảnh nói rằng hẳn anh sẽ không thể tồn tại cho đến bây giờ. Tồn tại để tiếp tục nuôi hi vọng về ngày trở về, thắp nén hương tạ lỗi lên mộ vợ và tiếp tục gánh vác trách nhiệm nuôi dưỡng 2 đứa con, như một cách để sám hối với vong linh người vợ nơi chín suối.

Buổi chiều định mệnh của người chồng mang tội thiêu sống vợ

Cho đến bây giờ, hơn 10 năm sau khi xảy ra bi kịch của cuộc đời mình, tôi vẫn nhớ như in về cái buổi chiều tháng 9 đó, đó là những ký ức mà tôi vô cùng muốn xóa đi nhưng không thể. Tôi biết mình sẽ phải nhớ cái buổi chiều đó cho đến tận lúc chết, như một sự trừng phạt cho tội ác tày trời mà tôi đã gây ra với người vợ hiền của mình.

Chiều tối hôm đó, sau một ngày lao động mệt nhọc, tôi trở về nhà, không quên kéo theo mấy người bạn với ý định ngồi nhậu lai rai cho qua buổi tối. Đó là thói quen xưa nay của tôi trong suốt mấy năm chung sống vợ chồng. Nhưng chiều hôm đó khác thường hơn, bởi buổi sáng, chúng tôi vừa nặng nhẹ với nhau về chuyện năm nay hoa mầu kém, thu hoạch không được như mọi năm nên kinh tế khó khăn. Nghĩ đó là chuyện nhỏ, nên khi mời bạn bè về và yêu cầu vợ chuẩn bị vài món để nhậu, tôi không nghĩ điều đó sẽ khiến vợ tôi hậm hực, khó chịu. Cô ấy vừa làm, vừa đá thúng đụng nia, hết mặt nặng mày nhẹ lại đi ra, đi vào nhăn nhó, bày tỏ thái độ khó chịu với bạn bè của chồng.

Bình thường vợ tôi là người phụ nữ rất tế nhị, khéo léo và vồn vã với mọi người, đặc biệt là khách khứa đến nhà. Tôi vẫn thường tự hào khoe với bạn bè về sự chu đáo và nhiệt tình của vợ. Chính vì thế, thái độ hôm đó của vợ khiến tôi vô cùng bẽ mặt. Tôi ngồi uống rượu mà trong lòng vô cùng khó chịu, tuy cũng đoán biết được một phần nguyên nhân khiến vợ trái tính trái nết thế, nhưng tôi vẫn cảm thấy vô cùng tức giận khi vợ mình không biết giữ thể diện cho chồng trước mặt khách khứa. Định bụng khi khách khứa về hết sẽ góp ý, nhắc nhở vợ lần sau rút kinh nghiệm, nhưng tôi giống như một kẻ bị thêm dầu vào lửa khi đến cuối bữa ăn, vợ tôi lại nói cười lúng liếng một người bạn của tôi, trong khi vẫn tỏ ra khó chịu với mấy người còn lại. Vốn sẵn máu ghen tuông, chứng kiến bạn và vợ buông lời trêu ghẹo nhau trước mặt mình, nên dù biết đó có thể chỉ là trêu đùa, tôi vẫn cảm thấy máu nóng bốc lên ngùn ngụt, cơn giận dữ vì thế càng có cơ hội bùng phát, không sao kiểm soát được. Tôi uống nhiều rượu hơn bình thường, càng uống càng thấy giận vợ ghê gớm.

Mang trong lòng sự ức chế, khó chịu đó, nên trong trận cãi vã sau bữa cơm chiều, khi khách khứa đã về hết, vợ chồng tôi đã căng thẳng hơn bao giờ hết. Sẵn bực bội chồng từ sáng, nên khi bị tôi tra vấn về việc "đong đưa" với bạn của chồng, vợ tôi đã nói vài câu mát mẻ, tỏ ý xúc phạm sự bất tài của tôi và mơ ước kiếm được một người đàn ông giàu có như người bạn kia, kèm theo một câu nói phũ phàng: "Bất tài thì có mất vợ cũng ráng chịu".

Bình thường, tôi vốn là một người chồng tốt, cả đời chưa bao giờ chửi vợ, đánh con nhưng hôm đó, không hiểu do có một chút hơi men trong người hay do câu nói của vợ, tôi đã đánh mất sự bình tĩnh, điềm đạm thường ngày của mình. Khi bị vợ tôi nói những câu xúc phạm đến danh dự, lòng tự trọng của tôi đã bị tổn thương, sẵn thấy chai dầu nhỏ ở trong góc nhà, tôi đã vồ lấy và rưới dầu lên người cô ấy, kèm theo lời đe dọa: "Còn ăn nói láo lếu như thế, tôi sẽ thiêu sống cô". Không tin là tôi dám làm thật, nên lúc đó, vợ tôi đã "vênh mặt" lên thách thức: "Có giỏi thì làm đi". Sau câu nói đó, điều tồi tệ nhất đã xảy ra.

Tôi đã sống lại sau lá thư yêu thương của con trẻ

Cơn nóng giận của tôi và sự thách thức và không chịu nhượng bộ của cô ấy đã khiến vợ chồng tôi có một cái kết đáng buồn. Sau khi bị cô ấy khiêu khích, tôi đã dùng bật lửa ném vào người vợ, khiến ngọn lửa nhanh chóng bùng lên. Khi đó, nhìn thấy người vợ tôi cháy như một ngọn đuốc, tôi mới bừng tỉnh. Tôi cuống quýt tìm cái chăn để dập lửa rồi hô hào hàng xóm đưa vợ đi cấp cứu bệnh viện. Mấy ngày đầu, vợ tôi vẫn còn tỉnh táo. Dù đau đớn vì bị bỏng nặng, nhưng cô ấy vẫn nghe được tôi nói chuyện và nói với tôi đôi câu, ba điều. Vợ tôi ứa nước mắt nhìn tôi và hỏi: "Tại sao anh làm thế? Anh ghét em lắm à?". Lúc đó, nhìn vợ đau đớn trên giường bệnh, tôi chỉ biết khóc òa, luôn miệng nói xin lỗi và vô cùng ân hân về hành động dại dột của mình.

Vợ chồng sống với nhau ngần đấy năm, tôi hiểu tính cô ấy hơn ai hết. Tôi biết cô ấy không phải kiểu phụ nữ sẵn sàng bỏ chồng đi theo một người đàn ông khác giàu có hơn, tôi cũng biết vợ tôi không phải loại đàn bà lăng nhăng, đa tình. Thế nhưng, trong lúc bị ma men xui khiến, nghe những lời vợ nói trong lúc nóng giận, tôi đã không làm chủ mình, để đến nông nỗi đó. Điều an ủi duy nhất với tôi khi ấy là thấy vợ vẫn còn tỉnh táo. Tôi cứ ngồi bên cạnh cô ấy, động viên cô ấy, lòng thầm hứa khi vợ xuất viện, tôi sẽ làm mọi điều để chuộc lại lỗi lầm, sẽ là một người chồng tốt với vợ. Điều khiến tôi vừa cảm kích, vừa ân hận là suốt mấy ngày đó, vợ tôi không hề oán giận tôi.

Công an đến lập biên bản, gia đình hai bên nội ngoại đến thăm, vợ tôi đều nói đỡ cho tôi, đề nghị không truy cứu trách nhiệm của tôi và mong mọi người dành cho tôi sự tha thứ. Đến hết ngày thứ 4 thì vợ tôi đi. Trước lúc đi, cô ấy khẽ gọi tôi, nói với tôi vài lời trăn trối cuối cùng. Tôi sẽ nhớ khoảnh khắc đó mãi mãi, khi vợ tôi nhìn tôi, ứa nước mắt và nói: "Em tha thứ cho anh", rồi nhắm mắt xuôi tay.

Bất kể có được sự vị tha đó, nhưng sau cái chết đau đớn của cô ấy, tôi vẫn bị khởi tố với tội danh giết người, và bị tòa tuyên phạt mức án 15 năm tù giam. Ngay cả lúc tòa tuyên án, tôi vẫn như một cái xác không hồn, lòng không khỏi ám ảnh bởi người vợ đầu gối tay ấp đã vì tôi mà chết đau đớn. Lúc đó, có tuyên phạt tôi mức án tử hình, tôi cũng thản nhiên đón nhận.

Những ngày đầu vào trại giam, tôi như một cái xác không hồn. Ánh mắt đau đớn, khắc khoải của vợ tôi, gương mặt đẫm nước mắt và thân hình băng trắng kín mít của cô ấy trước khi chết thường trở về giày vò tôi mỗi đêm. 2 năm đầu cứ thế trôi qua như một cơn ác mộng. Tôi sống ngây dại và hoàn toàn không hi vọng vào ngày mai. Luôn tự nhủ sẽ suốt đời chẳng thể tha thứ cho lỗi lầm của mình nên mỗi lần gia đình nội ngoại đưa 2 đứa con nhỏ lên thăm, tôi đều từ chối gặp mặt, bất chấp cán bộ quản giáo khuyên nhủ thế nào, tôi cũng không nghe.

Mỗi lần nghe cán bộ quản giáo nói 2 đứa con nhỏ lên thăm tôi, tim tôi muốn nhảy ra ngoài lồng ngực, cảm giác như mọi thứ sắp vỡ òa. Tôi khao khát được gặp con, khao khát được hôn hít bọn trẻ, được ôm các con vào lòng và nói với chúng là ba yêu các con, ba nhớ các con. Nhưng chỉ cần nghĩ đến việc tôi đã khiến các con tôi mất mẹ, là tôi lại không sao đủ can đảm để ra gặp chúng. Tôi rất sợ, bây giờ còn bé, chưa biết gì, chúng sẽ không trách tôi. Nhưng sau này khi lớn lên, biết tội ác tôi gây ra với mẹ chúng, chúng sẽ hận tôi suốt đời. Tôi coi việc từ chối gặp mặt các con, từ chối sự chu cấp của gia đình như một cách đày ải, tự trừng phạt cho những lỗi lầm đã gây ra.

Tôi sẽ vẫn còn tự dằn vặt mình trong ân hận và đau đớn, nếu như không có một ngày, 3 năm sau đó, đứa con nhỏ 7 tuổi viết thư lên cho tôi với những dòng chữ non nớt, khiến trái tim đau đớn của người cha tội lỗi trong tôi náo động: "Ba ơi, con chỉ mới học viết chữ, nên anh hai chỉ dạy con viết được vài câu thôi. Con muốn nói với ba rằng, con và anh hai thương ba lắm. Ba cho tụi con gặp mặt ba và sớm trở về với tụi con nghen ba". Những dòng chữ non nớt, nguệch ngoạc đó như một liều thuốc thần kỳ xoa dịu những vết thương trong lòng tôi. Lần đầu tiên, kể từ sau khi vợ mất, tôi mới thấy khát khao được sống trỗi dậy trong con người mình, mãnh liệt hơn bao giờ hết. Lúc đó tôi chỉ ước giá có một phép màu nào đó cho tôi ngay lập tức được gặp 2 đứa con thơ nhỏ dại, được ôm chúng và nói với chúng những lời yêu thương và xin lỗi. Chỉ cần có thế thôi, dù có phải trả giá bằng cả mạng sống, tôi cũng vui lòng chấp nhận.

Sau những ám ảnh, giày vò của tội lỗi, giờ đây tôi bước qua được những tháng ngày tuyệt vọng và mơ về một ngày được đoàn tụ với 2 con. Khi ngày đó đến, tôi nhất định sẽ dắt 2 đứa con ra mộ vợ, thắp lên mộ một nén nhang và khấn nguyện sẽ nuôi nấng các con thành người. Tôi tin linh hồn vợ tôi nơi chín suối đã thực sự tha thứ cho tôi và chính cô ấy là người đã đưa đường dẫn lối giúp tôi thoát dần ra khỏi những ngày đen tối trong đời mình.

Ghi theo lời kể của phạm nhân Nguyễn Văn Cảnh - trại giam Phước Hòa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đang yêu
Đằng sau song sắt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN