Ai bồi thường cho ông Nén?

Sự kiện: Tin pháp luật

Ngày 3-12, các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận sẽ tổ chức xin lỗi công khai ông Huỳnh Văn Nén, sau đó tiến hành các bước bồi thường oan sai.

Chiều 30-11, phóng viên Báo Người Lao Động đã đến TAND tỉnh Bình Thuận để xin gặp đại diện cơ quan này để hỏi một số nội dung liên quan đến ông Huỳnh Văn Nén (ngụ thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) vừa được đình chỉ điều tra bị can sau hơn 17 năm thụ án chung thân vì được cho là “Giết người và cướp tài sản”.

Những cán bộ liên quan

Tuy nhiên, văn phòng của tòa án thông báo chánh án bận họp, phó chánh án đi công tác nên không thể tiếp. VKSND tỉnh Bình Thuận cũng từ chối làm việc với phóng viên vì “người phát ngôn là chánh văn phòng xin nghỉ phép để tổ chức đám cưới con ở Đắk Lắk”.

Trong một diễn biến khác, đại tá Phạm Thật, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận, cho biết hiện Công an tỉnh Bình Thuận đã tìm được nghi phạm giết bà Lê Thị Bông (nạn nhân trong vụ án mà Huỳnh Văn Nén từng bị kết luận là thủ phạm). Tuy nhiên, do đang trong quá trình thụ lý nên chưa thể cung cấp thêm thông tin.

Ai bồi thường cho ông Nén? - 1

Dù rất vui nhưng trong bữa trưa 30-11 cùng gia đình, ông Huỳnh Văn Nén (ngồi giữa) chỉ ăn được vài muỗng cơm Ảnh: Minh Hải

Theo tìm hiểu của chúng tôi, điều tra viên chính của vụ án này là nguyên đại úy Cao Văn Hùng. Ông Hùng cũng là điều tra viên chính của “Kỳ án vườn điều” được cho là Huỳnh Văn Nén đã tự nhận cùng 9 người trong gia đình vợ giết bà Dương Thị Mỹ 5 năm trước khi xảy ra vụ bà Lê Thị Bông bị giết. Dù được khen thưởng do thành tích phá án nhưng năm 2002, ông Hùng bị loại khỏi ngành công an, về làm nhân viên Hạt Kiểm lâm Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận).

Phúc cung ông Huỳnh Văn Nén là kiểm sát viên Đinh Văn Lai, hiện công tác tại VKSND TP Phan Thiết. Ký cáo trạng truy tố ông Huỳnh Văn Nén là bà Nguyễn Thị Dung, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Thuận, đã nghỉ hưu.

Giữ quyền công tố tại phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Huỳnh Văn Nén là ông Vũ Hồ Thành, đang làm việc tại VKSND tỉnh Bình Thuận. Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Nguyễn Thành Tâm, hiện là phó chánh Tòa Hình sự TAND tỉnh Bình Thuận. Một thẩm phán nữa là bà Nguyễn Thị Lộc, hiện là thẩm phán Tòa Dân sự TAND tỉnh Bình Thuận.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thân, Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận, cho biết 3 cơ quan tố tụng của tỉnh này (công an, VKSND, TAND ) đã họp vào chiều 30-11, thống nhất thủ tục giải quyết oan sai cho ông Nén là công khai xin lỗi (dự kiến vào ngày 3-12) và tiến hành các bước bồi thường.

Các luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông Nén cho rằng theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước thì TAND tỉnh Bình Thuận tuyên ông Nén có tội, bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật nhưng tòa xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hủy bản án để điều tra lại mà sau đó được đình chỉ điều tra vì ông Nén không thực hiện hành vi phạm tội thì TAND tỉnh Bình Thuận phải có trách nhiệm bồi thường; trường hợp có căn cứ cho rằng người khác đã giết bà Bông thì những người tiến hành tố tụng có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về hành vi cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án, truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội.

Hiện ông Nén đã được TAND tỉnh Bình Thuận hướng dẫn thủ tục yêu cầu bồi thường oan sai.

Ông Nén đuối, ông Thận bệnh

Sau 3 ngày được trả tự do, ông Nén bắt đầu mệt mỏi vì liên tục phải tiếp khách. “Hằng ngày, cha tôi và gia đình phải liên tục tiếp hàng chục nhà báo. Có khi ông ấy vừa chợp mắt một tí lại phải dậy tiếp khách” - anh Huỳnh Thành Lượng, con trai ông Nén, kể. Vì phải tiếp xúc và trả lời quá nhiều câu hỏi nên bữa trưa 30-11, ông Nén gắng gượng nhưng cũng chỉ ăn được vài muỗng cơm và miếng cá kho rồi lên giường nằm.

Bà Nguyễn Thị Cẩm, vợ ông Nén, cho biết ngày đầu được trả tự do, ông Nén rất vui vẻ và nói nhiều nhưng nay thấy người lạ thì ít nói hơn, tâm trạng mệt mỏi. “Chúng tôi rất biết ơn báo chí bởi nhờ có họ mà chồng tôi được minh oan nhưng chồng tôi cần nghỉ ngơi, tịnh dưỡng sau những tháng ngày bị giam cầm” - bà Cẩm nói. Hiện ông Nén vẫn chưa biết dùng điện thoại, nhiều thứ còn khá mới lạ đối với ông.

Ba ngày qua, ông Nguyễn Thận (người hơn 17 năm ròng rã đi đòi công lý cho ông Nén) cũng đã suy kiệt sức khỏe do đang điều trị bệnh tim nhưng liên tục phải tiếp các đoàn của cơ quan nhà nước, báo chí… Trưa 30-11, khi được hỏi về sức khỏe của ông Thận, người nhà ông cho biết từ hôm ông Nén được trả tự do, “vị cứu tinh” đang phải uống thuốc trợ tim, trị huyết áp… Để ông Thận không bị sốc, người nhà đề nghị ông phải hạn chế tiếp khách.

Khác với vụ ông Chấn

Ông Nguyễn Văn Bốn, Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước - Bộ Tư pháp, cho biết cơ quan này đã chỉ đạo theo dõi sát sao việc bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén, hiện chưa thể nói đến việc bồi thường mà các cơ quan tố tụng ở Bình Thuận sẽ phải ngồi với nhau xác định cụ thể, sau đó mới đưa ra quy trình cũng như mức bồi thường.

Một chuyên gia pháp lý cho biết vụ này khác vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (ngụ Bắc Giang; bị tù oan hơn 10 năm, được bồi thường 7,2 tỉ đồng) vì kết thúc ở sơ thẩm chứ không lên tòa phúc thẩm. Do thời hạn kháng cáo hết nên vụ án có hiệu lực từ tòa sơ thẩm. Do đó, trách nhiệm bồi thường sẽ thuộc về các cơ quan tố tụng như TAND tỉnh Bình Thuận, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận. Cần qua nhiều bước nữa mới xác định được số tiền được bồi thường cũng như cơ quan bồi thường, thời điểm bồi thường.

N.Quyết

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Trường - Minh Hải (Người lao động)
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN