Ác mộng từ vượt biên trái phép
Một số người dân tộc thiểu số tại tỉnh Gia Lai bị các đối tượng xấu lôi kéo, bán hết tài sản để vượt biên trái phép sang Thái Lan. Tuy nhiên, cuộc sống nơi đất khách không phải như viễn tưởng mà bọn lừa đảo vẽ ra, mà thực tế là bi ai cùng cực…
Sống chui lủi và bị kì thị
Đã gần 1 tháng kể từ ngày trở về từ Thái Lan nhưng anh Kpuih Ni (trú làng Hra, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) vẫn còn ám ảnh khi nghĩ tới quãng thời gian lang bạt nơi xứ người. Bên cạnh niềm vui đoàn tụ thì anh cũng mang nặng nỗi buồn về những lỗi lầm, gánh nặng gây ra cho gia đình.
Công an tỉnh Gia Lai ngăn chặn vụ lừa đảo xuất cảnh trái phép và hỗ trợ công dân về địa phương.
Anh Kpuih Ni kể: Vào năm 2021, anh cùng vợ là Rah Lan HPơm đang làm công nhân tại khu công nghiệp ở tỉnh Đồng Nai với tổng thu nhập hơn 16 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ các khoảng chi phí, gia đình anh dư 8 triệu đồng/tháng gửi tiết kiệm. Cùng thời gian này, thông qua mạng xã hội anh quen biết một người tên là Y San và được người này thường xuyên kể về “việc nhẹ, lương cao” tại Thái Lan.
Qua nhiều lần trò chuyện, Y San đã tạo được niềm tin với anh Kpuih Ni cùng lời hứa sẽ quan tâm, hỗ trợ, giới thiệu việc làm lương cao nếu gia đình Kpuih Ni vượt biên thành công sang Thái Lan. Tuy nhiên, để sang được Thái Lan thì anh Kpuih Ni phải trả chi phí cho người dẫn đường là 27 triệu đồng/người lớn, 15 triệu đồng/trẻ em.
Nói về quyết định này, Kpuih Ni ân hận: “Hai vợ chồng đi làm ở Đồng Nai nhưng khi mình nghe Y San dụ dỗ sang Thái Lan làm với mức lương 20 triệu đồng/người nên mình nghe theo. Tôi nghĩ 2 vợ chồng cố gắng làm sẽ có tiền gửi về sửa nhà, trả nợ. Tuy nhiên, qua đó rồi thì tôi không thấy Y San hỏi han, giúp đỡ hay giới thiệu việc làm gì cả. Khi đó, tôi mới biết là mình bị lừa, số tiền tích góp trước đây được 67 triệu cũng đã hết theo chuyến đi”.
Cũng theo anh Kpuih Ni, tại Thái Lan, anh phải tự tìm việc làm. Những ngày may mắn nếu có người gọi đi tưới cây, phụ hồ thì được trả công khoảng 500 bạt tiền Thái (khoảng 350 nghìn đồng tiền Việt). Số tiền đó chẳng thấm vào đâu với tiền thuê trọ đắt đỏ, mua đồ ăn, nước uống, tiền điện… tổng chi phí hơn 7 triệu đồng/tháng.
Kpuih Ni nhớ lại: “Mình không có tiền mua thịt cá đâu, chỉ dám ăn rau thôi. Khi đó mình suy nghĩ rất nhiều, nếu mình đi làm bị cảnh sát bắt thì không biết vợ con sẽ sống như thế nào, ốm đau không có người chăm sóc… Mình đi làm thì bị họ chửi mắng nhưng vì đồng tiền nên phải nhẫn nhục, tích góp để tìm đường trở về”.
Trở về cùng đợt này với anh Kpuih Ni còn có anh Rơ Mah To (trú làng Tai Pêr, xã Ia Hla). Cũng vì nhẹ dạ, anh To tin lời lừa phỉnh của đối tượng Rah Lan Đương sống tại Thái Lan và mơ tưởng về cuộc sống giàu sang không phải lao động nên đã bán hết tài sản gia đình, tìm đường vượt biên trái phép.
Để sang được Thái Lan, anh To đã phải trả số tiền 26 triệu đồng cho người dẫn đường. Tuy nhiên khi đến Thái Lan, anh không được ai giúp đỡ, phải tự bươn chải, chạy ăn từng bữa, chịu cảnh đói khát, khổ nhục.
Anh Rơ Mah To bồi hồi:“Đối tượng Đương nói bên Thái Lan sống sung sướng, ở vài năm sẽ được đưa đi Canada định cư nên tôi giấu vợ bán xe công nông và rẫy mì được tổng cộng 31 triệu đồng rồi lấy tiền trốn đi. Sang đó, tôi không có việc làm, cơm không đủ ăn, nước uống cũng phải mua, tiền trọ cao, đi làm thì sợ cảnh sát Thái Lan bắt. Tôi nghĩ lại ở nhà còn khó khăn quá, tiền vay ngân hàng đã đến hạn đóng lãi, mẹ già yếu, vợ không có công việc ổn định thì làm sao nuôi được con nhỏ nên tôi gọi điện xin anh trai cứu giúp, gửi tiền qua để tìm đường về. Bây giờ tôi rất hối hận, vợ cũng đang giận do gia đình không còn tiền, tài sản có giá trị cũng đã bán hết”.
Theo lời của những người vừa trở về, nơi họ từng sống ở Thái Lan có khoảng 50 người đồng bào dân tộc thiểu số đến từ các tỉnh Tây Nguyên. Đời sống của họ đa phần khó khăn, chủ yếu làm các công việc nặng nhọc như: phụ hồ, cắt cỏ, tưới nước… Quá trình sống tại đây, họ bị người bản địa kỳ thị, chèn ép, chửi bới, trả tiền công rẻ mạt. Thậm chí, có trường hợp bị đánh đập, quỵt tiền công mà không dám báo với chính quyền sở tại vì bản thân nhập cư bất hợp pháp.
Trong đó, một số người bị Cảnh sát Thái Lan bắt giữ, chấp hành án phạt tù mà người thân không biết tin tức, không liên lạc được nên rất lo lắng. Nhiều người muốn được quay trở về Việt Nam nhưng vì không có tiền nên đành cam chịu cuộc sống khổ cực, tủi nhục.
Con đường đúng đắn là xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp
Vào đầu tháng 2/2023, Công an tỉnh Gia Lai đã đấu tranh, ngăn chặn vụ lừa đảo 4 gia đình đồng bào dân tộc thiểu số (18 thành viên) khi những người này đang được các đối tượng đưa vào TP Hồ Chí Minh, sau đó di chuyển xuống tỉnh Đồng Tháp để vượt biên trái phép bằng đường tiểu ngạch sang Campuchia và đích đến là đất nước Thái Lan.
Kết quả điều tra bước đầu, Công an tỉnh Gia Lai xác định đối tượng Siu HBẽo (trú làng Thơ Ga B, xã Chư Don, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) là mắt xích quan trọng trong đường dây lừa đảo, đưa công dân xuất cảnh trái phép.
Làm việc với cơ quan Công an, Siu HBẽo khai nhận là đầu mối nhận tiền của người dân, sau đó chuyển cho đối tượng khác trong đường dây tổ chức người xuất cảnh trái phép. Đồng thời, Siu HBẽo cũng thừa nhận hành vi đưa người xuất cảnh trái phép sang ở lại Thái Lan là vi phạm pháp luật.
Vụ án này, Công an tỉnh Gia Lai đã bắt giữ 1 đối tượng có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Nghệ An ngay tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất khi đối tượng này đang chuẩn bị trốn ra nước ngoài. Sau đó, Công an tỉnh Gia Lai đã di lý đối tượng về địa phương để lấy lời khai, mở rộng vụ án.
Nhằm ngăn chặn hành vi vượt biên và hỗ trợ, giúp đỡ những người từng lầm lỗi quay trở về sớm ổn định cuộc sống, từ đầu năm 2023 đến nay, Công an xã Ia Hla đã thành lập 4 tổ tại các thôn trọng điểm với 72 thành viên gồm: Lực lượng Công an, cán bộ xã và người uy tín nhằm tăng cường gần dân, bám dân, nắm hộ, nắm người. Đồng thời, tổ chức hơn 16 buổi tuyên truyền pháp luật, phát động phong trào toàn dân BVANTQ, thu hút gần 3.000 lượt người tham gia. Qua đó, giúp người dân nâng cao cảnh giác, không mắc mưu kẻ xấu, gây ảnh đến kinh tế gia đình và tình hình ANTT tại địa phương.
Thiếu tá Đoàn Văn Trọng - Trưởng Công an xã Ia Hla cho biết: Qua nắm tình hình, những người trốn đi Thái Lan đa phần vì mục đích kinh tế, một số vì tò mò nên bị đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo, chiếm đoạt tài sản. Hành vi vượt biên để lại rất nhiều hệ lụy cho chính bản thân, gia đình họ và địa phương.
Cũng theo Thiếu tá Trọng, để chuẩn bị tiền cho chuyến đi thì người dân phải bán các tài sản có giá trị, chuyển nhượng đất đai… nên khi trở về thì hầu như tư liệu sản xuất không còn. Chính quyền chỉ hỗ trợ được phần nào ban đầu như nhu yếu phẩm, vật dụng sinh hoạt thiết yếu. Về lâu dài, họ phải tự nỗ lực, vươn lên, cố gắng làm lại từ đầu; đặc biệt là phải chấp hành tốt chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước để được tạo điều kiện vay vốn, phát triển kinh tế bền vững.
Ngoài huyện Chư Pưh thì huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) cũng là địa phương có nhiều trường hợp người dân vì nhẹ dạ, cả tin mà bị các đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo vượt biên trái phép.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Văn Thông - Phó trưởng Công an huyện Chư Sê thông tin: Qua những người từ Thái Lan quay về địa phương, đồng bào đã thấy được cuộc sống khó khăn, bấp bênh nơi đất khách quê người. Tuy vậy, vẫn còn một số người thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin bị các đối tượng lừa phỉnh xuất cảnh sang Thái Lan.
Theo Thượng tá Thông, từng người dân phải hiểu rằng hành vi xuất cảnh trái phép sang Thái Lan là vi phạm pháp luật. Nếu đồng bào muốn có cuộc sống sung sướng thì cần phải chăm chỉ lao động, sản xuất để làm giàu ngay chính trên mảnh đất của tổ tiên mình. Đây mới là con đường đúng đắn nhất. Khi phát hiện có người tuyên truyền, lôi kéo, lừa phỉnh, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan Công an nơi gần nhất để được giúp đỡ, hỗ trợ…
Nguồn: [Link nguồn]
Đang vận chuyển 15.000 viên ma túy vượt biên vào Việt Nam qua khu vực tỉnh Thanh Hóa, đôi nam nữ người Lào đã bị lực lượng biên phòng mật phục, bắt quả tang.