8 triệu đồng và 12 năm nghi bị oan

Điều tra, xét xử lại nhiều lần, nội dung vụ án không thay đổi nhưng quan điểm của các cấp tòa liên tục thay đổi xung quanh việc nghi can có tội hay không. 12 năm nay, người này vẫn đang vướng vòng lao lý.

Đó là trường hợp của ông Trần Văn Lý (53 tuổi, ngụ thị xã Đồng Xoài, Bình Phước) - một trong các vụ án có dấu hiệu oan kéo dài mà Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã chuyển đến đoàn giám sát án oan của Quốc hội. Dự kiến ngày 31.3, TAND thị xã Đồng Xoài sẽ đưa ông Lý ra xử sơ thẩm lần ba.

Bị khởi tố vì 8 triệu đồng

Theo hồ sơ buộc tội, ông Lý nguyên là Phó trưởng phòng Đào tạo Trường Trung học Y tế tỉnh Bình Phước. Tháng 5.2000, ông bị kỷ luật cách chức, chuyển làm công việc khác.

Tháng 4.2003, ông Lý bị bắt với cáo buộc dùng hồ sơ cũ tuyển sinh hệ dân quân y kết hợp của Trường Trung học Quân y 2 TP.HCM để tạo niềm tin hứa hẹn lo đi học cho con của ông Điểu Lai và ông Hoàng Mạnh Tưởng; lợi dụng lòng tin hứa hẹn lo xin việc cho bà Lê Thị Lanh. Tổng cộng ông Lý chiếm đoạt của ba người này 8 triệu đồng. Trên đường dẫn giải, ông Lý bỏ trốn, bảy ngày sau thì ra đầu thú.

Trong ba nạn nhân của ông Lý, ông Lai và ông Tưởng không có đơn tố giác mà chỉ có bản tường trình, còn bà Lanh có đơn tố giác. Trong quá trình điều tra, ba người bị hại rút lại lời khai tố giác ông Lý.

Dù vậy, VKSND thị xã Đồng Xoài vẫn truy tố ông Lý về hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trốn khi đang bị dẫn giải. Ông Lý bị tạm giam hơn 14 tháng thì được tại ngoại. Tháng 8.2004, TAND thị xã Đồng Xoài đã phạt ông 18 tháng tù. Bản án này sau đó bị hủy vì vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

8 triệu đồng và 12 năm nghi bị oan - 1
Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã đưa vụ ông Lý 12 năm vướng vòng tố tụng vì 8 triệu đồng vào danh sách những vụ án có dấu hiệu oan để báo cáo đoàn giám sát án oan của Quốc hội. Ảnh: P.Loan

Sơ thẩm: Chỉ là quan hệ dân sự

Tháng 9.2012, tại phiên xử sơ thẩm lần hai, ông Lý trình bày: “Ông Tưởng và ông Lai nhờ tôi giúp con đi học. Tôi nhận lời và yêu cầu mỗi người trả chi phí đi lại 500.000 đồng, còn 2 triệu đồng là học phí. Hai ông chấp nhận. Tôi đưa mỗi ông một bộ hồ sơ tham khảo là mẫu hồ sơ cũ mà Trường Trung học Y tế tỉnh Bình Phước liên kết với Trường Trung học Quân y 2 đào tạo hệ dược tá tuyển sinh những năm trước. Tuy nhiên, năm 2003 thì trường này không còn liên kết nữa. Lúc đồng ý nhận giúp và nhận tiền của hai ông này thì tôi chưa biết được thông tin tuyển sinh nào. Tôi dự định liên hệ mua hồ sơ, nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển cho con hai ông. Các năm trước tôi đã liên hệ giúp cho được nhiều em đi học lớp dược tá hệ xét tuyển. Khi nhận tiền, tôi có thỏa thuận với hai ông là nếu không giúp được thì trả lại tiền. Thực tế, tôi đã trả tiền cho ông Lai khi con ông không muốn đi học nữa. Còn bà Lanh thì tự nguyện đưa 3,5 triệu đồng để được đi làm. Ngoài ra, tôi có vay tiền của dì bà Lanh, nhận tiền có viết giấy vay, khi trả thì bà ấy cũng viết giấy nhận lại tiền. Việc tôi nhận lời giúp xin việc làm và việc tôi vay tiền là hai việc khác nhau”.

Hai ông Lai và ông Tưởng khai: “Chúng tôi tự nguyện đưa tiền và trả thù lao cho thầy Lý. Việc đưa tiền xuất phát từ mong muốn con mình được đi học, có nghề nghiệp”. Bà Lanh thì khai: “Khi tôi không đồng ý làm công việc quét dọn hành lang trong bệnh viện thì thầy Lý đã trả lại tiền. Sau đó dì tôi lại đưa tiền cho thầy Lý nhờ xin việc làm cho tôi ở nơi khác. Khi giao tiền thì thầy Lý nói phải viết giấy vay. Tôi dự định sẽ biếu thầy khi xin được việc”.

Theo tòa, bản chất quan hệ giữa ông Lý và các ông bà Lai, Tưởng, Lanh là quan hệ dân sự bởi “các lời khai đều thống nhất ở chỗ các bị hại muốn cho con đi học, muốn có việc làm. Các bị hại tìm đến nhờ bị cáo, tự nguyện đưa tiền và chấp nhận trả thù lao. Điều này chứng tỏ các bị hại không hề bị lừa dối”.

Cáo trạng cáo buộc ông Lý biết tháng 2.2003, Trường Quân y 2 TP.HCM không đào tạo hệ quân dân y kết hợp nhưng vẫn đưa hồ sơ cũ, nhận tiền nhằm chiếm đoạt. Quá trình điều tra, ban đầu ông Lý đã có lời khai nhận tội. Tuy nhiên, tòa nhận định: “Lời khai nhận tội mâu thuẫn với lời khai của người bị hại (gỡ tội) và thông tin trường cung cấp cho tòa. Theo đó, trường xác nhận rằng năm 2003 trường có kế hoạch tuyển sinh đào tạo lớp dược tá hệ quân dân y kết hợp. Từ tháng 1 năm đó nhà trường đã phát hành mẫu hồ sơ, đến tháng 4 thì khai giảng. Thời điểm nhận tiền của ông Lai, ông Tưởng thì bị cáo chưa biết được thông tin tuyển sinh này. Tuy nhiên, chưa đủ căn cứ khẳng định bị cáo lừa dối vì bị cáo bị bắt trước thời điểm trường mở lớp. Rõ ràng là sau đó con ông Tưởng vẫn kịp nhập học. Việc bị cáo đưa mẫu hồ sơ cũ cho các bị hại cũng không phải thủ đoạn gian dối vì nhà trường chỉ kiểm tra nội dung liên quan đến việc xét tuyển”.

Tòa còn nhận định cơ quan điều tra (CQĐT) không chứng minh được ý thức chiếm đoạt của ông Lý: “Đối với bị hại Lai, lúc chưa bị khởi tố thì bị cáo đã trả lại tiền khi con ông Lai không có nhu cầu đi học nữa. Trường hợp bị hại Tưởng thì cũng tương tự các trường hợp khác mà bị cáo đã nhận tiền để làm giúp hồ sơ và nộp học phí mà VKS kết luận là giao dịch dân sự. Đối với bị hại Lanh, bị cáo chỉ nhận vay tiền, thực tế bị cáo có viết giấy vay nên HĐXX khẳng định đây là giao dịch dân sự” - tòa tuyên bố.

Tòa cũng nhận định CQĐT đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng: Điều tra viên thực hiện lệnh bắt khi chưa được phân công điều tra vụ án; biên bản xác minh tại trường không có xác nhận của nhà trường... Cuối cùng, tòa tuyên ông Lý không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên ông cũng không phạm tội trốn khi đang bị dẫn giải.

Phúc thẩm: Có tội vì từng khai nhận tội

VKSND thị xã Đồng Xoài kháng nghị. Tháng 8.2014, TAND tỉnh Bình Phước xử phúc thẩm lần hai đã chấp nhận kháng nghị, hủy án sơ thẩm để xét xử lại theo hướng có tội.

Theo tòa phúc thẩm, lời khai của ông Lý tại hai phiên tòa phù hợp một số lời khai tại CQĐT nhưng lại mâu thuẫn với lời khai nhận tội khi ra đầu thú và lời nhận tội trong một bản tường trình sau đó. Lời khai nhận tội của ông Lý thể hiện rõ ý thức chủ quan chiếm đoạt tiền, phù hợp với hành vi khách quan là khi được nhờ, ông Lý không biết trường có tuyển sinh nhưng vẫn sử dụng hồ sơ cũ, mạo nhận danh nghĩa phó trưởng phòng đào tạo để tạo sự tin tưởng, hứa hẹn, đốc thúc người bị hại nhanh làm hồ sơ và đưa tiền. Đối với trường hợp bà Lanh, căn cứ vào một số lời khai của bà thì việc ông Lý nhận 3,5 triệu đồng của bà không phải vay tiền mà hứa hẹn tìm việc. Nhận tiền rồi cũng không có tác động gì đến người có thẩm quyền để xin cho bà đi làm…

Từ đó, tòa phúc thẩm cho rằng việc truy cứu ông Lý về hai tội danh đã nêu là có căn cứ. Tuy nhiên, tòa cũng yêu cầu cấp sơ thẩm xem lại giao dịch giữa ông Lý và ông Lai có phải là giao dịch dân sự hay không…

Cứ thế, 12 năm trôi qua kể từ khi ông Lý bị bắt, vụ án nay quay lại giai đoạn xét xử sơ thẩm. Quá trình tố tụng kéo dài, vật chứng là các tài liệu thu giữ trong quá trình khám xét đều đã bị thất lạc do không được đánh số bút lục lưu hồ sơ.

“Từng nhận tội vì bị áp lực, dụ dỗ”
 
Tôi đã mất tất cả, gia đình ly tán, vợ bỏ đi lấy chồng khác. Tôi mất phần lớn nguồn thu nhập, nợ nần chồng chất. Tiền kiếm được chẳng đủ sống qua ngày. Tôi không lừa ai cả, tất cả giao dịch đều dựa trên sự thống nhất ý chí, tự nguyện giữa các bên. Tôi từng khai nhận tội vì quá áp lực về tinh thần, bị dụ dỗ “cứ nhận đi rồi về trường dạy tiếp, việc này chỉ công an biết”…

Ông Trần Văn Lý

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Loan/Pháp luật TP.HCM
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN