7 án tù và bài học đắt giá sau va chạm giao thông
Kết thúc phiên xử vụ án giết người sau va chạm giao thông, 7 bị cáo còn rất trẻ lầm lũi ra xe về trại giam trong ánh mắt buồn rầu của người thân
Vụ án này cũng một lần nữa là bài học đắt giá cho bất kỳ người tham gia giao thông nào, nếu không kiềm chế và hành xử đúng pháp luật, hậu quả sẽ rất nặng nề.
Các bị cáo nghe tòa tuyên án tại phiên xét xử chiều 7/12
Giết người vì mâu thuẫn nhỏ
Chiều muộn 7/12, phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử nhóm bị cáo đi xe ô tô sát hại thanh niên đi xe máy do suýt va chạm giao thông đã khép lại.
Bản án được tuyên căn cứ theo tội danh, tính chất mức độ và hành vi phạm tội của từng bị cáo, trong đó có 2 án chung thân.
Nạn nhân của vụ án mạng cũng bằng tuổi hung thủ, đã ra đi khi mới 25 tuổi. Tất cả đều bắt nguồn từ một vụ va chạm giao thông.
Hôm đó là tối 27/2/2020, sau liên hoan sinh nhật của Nguyễn Hoàng Nam (SN 1995, trú phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội), nhóm bị cáo đã rủ nhau đi hát karaoke.
Tại đây, Nguyễn Thị Mai (SN 1987, trú phường Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội) đã tâm sự về việc bị hai đối tượng tên Tuân và Thắng ở huyện Gia Lâm xúc phạm trên mạng xã hội.
Thắng đã hẹn Mai đến ngã tư Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm) để giải quyết, nên Mai nhờ mọi người đi “hóa giải ân oán”.
Khi cả nhóm đồng ý, Mai bảo mọi người về nhà mình, lấy 2 thanh kiếm mang ra để ở cốp sau ô tô của Mai.
Khoảng 0h30 ngày 28/2/2020, Nguyễn Việt Anh (SN 1983, trú tại phường Kim Mã, quận Ba Đình) cầm lái, chở Mai, Vũ Thị Oanh (SN 1989, trú tại phường Đồng Mai, quận Hà Đông, Hà Nội), Nam và Vũ Hồng Hải (SN 1995, trú tại xã Thượng Long, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) đi sang huyện Gia Lâm tìm Tuân - Thắng giải quyết mâu thuẫn.
Khi Việt Anh điều khiển ô tô đến trước cổng UBND phường Phúc Đồng (quận Long Biên) thì suýt va chạm với xe máy BKS 99H7-8451 do Lò Văn Đức (SN 1991, trú xã Yên Khương, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa) điều khiển, phía sau chở Lương Xuân Trường (SN 1995, trú xã Sơn Hà, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa).
Bực tức về việc này nên Việt Anh điều khiển ô tô vượt lên chặn đầu xe máy của Đức. Việt Anh hạ kính xe xuống và chửi Đức: “Chúng mày đi kiểu gì đấy?”. Đức phân trần: “Em chỉ hỏi đường chứ có làm gì đâu”, còn Trường ngồi phía sau nói: “Chúng mày chửi ai đấy”.
Nghe vậy, Việt Anh bảo Nam và Hải xuống “đánh chết nó đi”. Nam bèn cầm kiếm xuống xe cùng Hải. Nhìn thấy Nam cầm kiếm lao xuống, Đức sợ hãi bỏ chạy trong khi Trường vẫn ngồi trên xe. Nam lao đến đâm một nhát vào mặt Trường khiến nạn nhân ngã xuống đường.
Hải chạy đến định đánh Trường thì thấy nạn nhân trọng thương nên quay lại ô tô. Cả nhóm tiếp tục chở nhau đến chỗ hẹn để giải quyết mâu thuẫn với Tuân - Thắng nhưng không gặp nên đã kéo nhau về.
Trong khi đó, Trường được Đức và mọi người đưa đi cấp cứu, nhưng đã tử vong trước khi tới bệnh viện.
Trả giá đắt cho những phút côn đồ
Khi biết anh Trường tử vong, Mai và Việt Anh đã tẩu tán hung khí mà Nam dùng để gây án. Tiếp đó, Mai gọi điện cho bạn là Nguyễn Huy Thịnh (SN 1987, trú phường Giang Biên, quận Long Biên) kể lại sự việc và nhờ Thịnh cho trú lại một đêm.
Thịnh đồng ý và bảo Mai, Việt Anh đến quận Hà Đông. Tại đây, Mai và Việt Anh gặp Thịnh và Ngô Thùy Ninh (SN 1995, là bạn gái Thịnh).
Thịnh thuê nhà nghỉ ở phường La Khê, quận Hà Đông cho Mai và Việt Anh trốn, rồi cùng Ninh mang xe ô tô của Mai đi cất giấu. Khi Thịnh - Ninh quay về nhà nghỉ thì bị cơ quan công an bắt giữ cùng các đối tượng khác.
Tại phiên tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng quy kết. HĐXX tuyên phạt Nam và Việt Anh tù chung thân, Hải 15 năm tù về tội giết người, Mai 5 năm tù về tội che giấu tội phạm.
Cặp đôi Thịnh - Ninh cùng bị tuyên 18 tháng tù về tội che giấu tội phạm. Oanh bị tuyên 12 tháng tù về tội không tố giác tội phạm.
Đáng nói, đây không phải là lần đầu xảy ra ẩu đả, án mạng sau những va chạm, mâu thuẫn trên đường.
Nhiều năm thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, đảm bảo trật tự ATGT, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên cán bộ CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, ông từng chứng kiến rất nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra dù mâu thuẫn chỉ xuất phát từ những va chạm rất nhỏ.
“Va chạm giao thông nếu không bắt tay hòa giải được với nhau thì đã có lực lượng chức năng, pháp luật giải quyết, các bên cần bình tĩnh xem xét lại thiệt hại, có thể mời bảo hiểm vào. Đừng tự ý dùng sức mạnh để uy hiếp người yếu thế hơn để rồi gây hậu quả nghiêm trọng, dính vòng lao lý”, ông Quỹ khuyến cáo.
PGS.TS. Đỗ Cảnh Thìn, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học nhìn nhận, thời gian gần đây, một số đối tượng tham gia giao thông có hành vi sử dụng vũ lực, côn đồ hung hãn sau khi va chạm, tai nạn giao thông, thậm chí gây án mạng đang có xu hướng gia tăng.
Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu do nền tảng nhận thức về pháp luật, ý thức trách nhiệm công dân của một số người còn thấp, nên khi xảy ra xung đột thì người ta không hành xử theo quy định của luật pháp và các quy tắc đạo đức khác.
Ngoài ra, còn do tâm lý luôn cho mình đúng, luôn muốn dùng bạo lực như một dạng “phủ đầu” đối phương, hoặc kích động bởi tâm lý đám đông, thích thể hiện cá nhân, ra oai với mọi người xung quanh.
“Tất cả hành vi sử dụng bạo lực để giải quyết va chạm giao thông đều dẫn đến hậu quả bất lợi cho hai bên, hoặc thiệt hại về sức khỏe, vật chất, thậm chí tính mạng; hoặc bị xử phạt nặng hơn và có thể bị xử lý hình sự”, ông Thìn nói và khuyến cáo người dân chấp hành tốt Luật GTĐB, phải kiềm chế, ứng xử văn minh nếu không may va chạm trên đường và đặc biệt luôn nhớ “mọi việc đã có pháp luật giải quyết, phân xử”.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), va chạm giao thông đa phần là lỗi vô ý, là điều nằm ngoài ý muốn của các bên khi tham gia giao thông.
Do đó, khi xảy ra va chạm, TNGT, nếu hai bên không bình tĩnh, kiềm chế sẽ rất dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Không ít người đã lâm cảnh tù tội chỉ vì những phút nóng giận nhất thời.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong quá trình giải quyết mâu thuẫn do va chạm giao thông, 2 nam thanh niên đã đâm, chém nhầm nhóm khách, làm 1 người tử vong.