6 năm sau thảm án, mẹ Lê Văn Luyện bán vàng mã mong đền hết nợ

"Lúc mới về và mở bán hàng thì vẫn ngại, cứ tự nghĩ rằng nhà mình như thế này thì người ta chỉ có ghét chứ ai mua. Thế mà không phải, họ vẫn đến, có lẽ chuyện qua lâu rồi và người ta cũng thông cảm cho nhà mình" - bà Thơm tâm sự.

LTS: Dù đã 1 vài năm trôi qua, tuy nhiên vụ thảm sát kinh hoàng ở tiệm vàng Ngọc Bích (Bắc Giang) và vụ sát hại dã man 4 bà cháu ở TP. Uông Bí (Quảng Ninh) vẫn hằn sâu vào trong nỗi sợ hãi của dư luận.

Hai sát thủ Lê Văn Luyện và Doãn Trung Dũng đều đã phải trả giá cho những hành động tàn ác của mình, tuy nhiên nỗi đau khổ, ám ảnh đến day dứt thì vẫn đeo bám lấy những người thân trong gia đình các hung thủ.

Tình cờ, trong chuyến công tác Bắc Giang và Quảng Ninh vừa qua, PV báo Gia đình và Xã hội đã có dịp gặp lại những con người khốn khổ này. Vẫn là những đau khổ, ám ảnh, nhưng từ sâu trong câu chuyện sau thảm án của họ, chúng tôi cảm nhận được sự sống tích cực đang chậm rãi hồi sinh.

Chỉ mong có sức khỏe làm ăn, còn đền nợ

Trải lòng với chúng tôi trong căn nhà nhiều kỷ niệm, bà Trương Thị Thơm - mẹ "sát thủ" Lê Văn Luyện bày tỏ một sự tiếc nuối về quá khứ ấm êm, hạnh phúc khi con trai mình chưa gây ra vụ thảm án.

6 năm sau thảm án, mẹ Lê Văn Luyện bán vàng mã mong đền hết nợ - 1

Tội ác của Luyện đã đánh mất đi tất cả, từ cơ nghiệp đến cuộc sống của cả gia đình. Mọi thứ giờ chỉ mới bắt đầu lại. Ảnh: Nông Thuyết

Bà Thơm chia sẻ, cho đến ngày chồng mình (ông Lê Văn Miên) được mãn hạn tù, bà mới được an ủi phần nào: "Lúc đó gặp ai cũng thấy ngại và xấu hổ. Thậm chí, ngay cả có đám cưới con chị gái ruột tôi cũng không dám đi!

"Đến tháng 9/2015 thì chồng tôi được thả về. Ít ra như vậy thì mình có chỗ dựa đỡ, bớt tủi thân, chứ như trước thì có lúc không chịu nổi mà đến… phát điên rồi".

Là người phụ nữ duy nhất trong gia đình, lại là người dứt ruột đẻ ra đứa con nghiệp chướng, cả chồng và con đều vướng vòng lao lý, có lẽ bà Thơm là người phải chịu cùng lúc nhiều đau khổ nhất.

"Hồi vụ án xảy ra, tôi thương và tội thằng thứ hai lắm, mình cũng chỉ biết khuyên nó là cứ đi học, ai trêu trọc gì thì cứ kệ nhưng rồi không chịu được nên nó quyết định trả sách nhà trường và nghỉ học. Bảo "bạn nào quý thì con cứ chơi bình thường" thì nó bảo "con chỉ sợ bố mẹ nó không thích mình thôi".

Rồi nó đi làm thuê cùng các chú nhưng người ta lại không khéo giữ ý, người ngoài thi thoảng lại vào để… "xem thằng em trai của Lê Văn Luyện", mình nhiều tuổi còn không chịu nổi thì làm sao một đứa trẻ đang nhút nhát lại vượt qua được?.

Lúc đó đi đến đâu là người ta cũng để ý. Bây giờ, có người lạ ở nơi khác đến mà biết "đây là nhà của Lê Văn Luyện" thì vẫn ngó nghiêng, cũng ngại lắm. Nhiều người động viên, nghĩ thôi thì cũng kệ vậy, ai ngó nghiêng gì thì mặc, cứ làm ăn tử tế, sống hiền lành thôi. Chuyện nhà mình như thế, người ta có quyền nói, có quyền xì xào mà…" - bà Thơm chia sẻ.

Được biết, ban đầu, khi ông Miên mới ra tù thì gia đình bà Thơm vẫn chưa dám chuyển luôn về đây. Bà Thơm bần thần nhớ lại: "Nhà mấy năm bỏ không ở nên ẩm mốc hết cả. Thôi thì chỉ nghĩ là cứ về ở cho nó ấm cúng, có hơi người. Giờ còn nợ nhà người ta mấy trăm triệu, biết bao giờ mới bồi thường nổi. Nhiều lúc túng quẫn cũng nghĩ hay bán đi nhưng lại thôi.

Giờ nhà tôi có còn gì nữa. Cũng nguôi ngoai và không nghĩ nhiều nữa rồi, phải để vững tâm mà làm ăn. Chỉ mong có sức khỏe, làm ăn rồi còn đền nợ và nuôi thằng bé này (con trai út bà Thơm đang học lớp 3)".

Qua câu chuyện dần cởi mở với người đàn bà bất hạnh, chúng tôi được biết, Long – con trai thứ hai của bà đang làm cho một nhà máy ở Bắc Ninh, thu nhập khoảng 5 - 6 triệu/tháng. Ông Miên sau khi trở về thì đã đi làm thuê cho các công trình xây dựng, thu nhập cũng không ổn định.

Những ngày đầu trở lại ngôi nhà này, bà Thơm và chồng, con vẫn không tránh khỏi mặc cảm. Sau Tết Nguyên đán 2017, bà quyết định tự làm đồ vàng mã để bán tại nhà, thu nhập không đáng là bao nhưng cốt là có thêm việc làm để được khuây khỏa.

6 năm sau thảm án, mẹ Lê Văn Luyện bán vàng mã mong đền hết nợ - 2

Sau khi học được cách làm, bà Thơm quyết định tự làm để bán tại nhà. Ảnh: Nông Thuyết

"Lúc mới về và mở bán hàng thì vẫn ngại, cứ tự nghĩ rằng nhà mình như thế này thì người ta chỉ có ghét chứ ai mua. Thế mà không phải, họ vẫn đến, có lẽ chuyện qua lâu rồi và người ta cũng thông cảm cho nhà mình" - bà Thơm tâm sự.

"Mong họ sớm vượt qua nỗi đau..."

Trước đó, bà Tiếp, một người hàng xóm của gia đình Luyện cũng chia sẻ với chúng tôi, trong suốt một thời gian dài, bà muốn đến thăm hỏi, động viên gia đình bà Thơm nhưng đều không thể gặp được. Thậm chí có hôm chuẩn bị sẵn quà nhưng rồi lại phải quay về. Đến gần đây, gia đình bà Thơm mới thoải mái và hòa nhập lại với mọi người hơn.

Cô Nguyễn Thị T - một người bạn thân thiết với bà Thơm - nhớ lại, trước khi gây ra vụ thảm án, Luyện là một thanh niên hiền lành, chăm chỉ. Hàng ngày sau giờ đến lớp, Luyện về nhà trông em nhỏ và phụ giúp bố mẹ công việc nhà.

Tuy nhiên, học đến lớp 11, Luyện bỏ ngang việc học để đi làm thuê dưới Hà Nội, sau đó đi làm phụ hồ một thời gian rồi về Bắc Giang làm thuê cho chính tiệm vàng Ngọc Bích.

Ngày Luyện gây ra vụ thảm sát, cả xóm ai cũng ngỡ ngàng không tin một thanh niên hiền lành như Luyện lại có thể làm một việc “kinh thiên, động địa” như vậy.

Ngày ấy, bố mẹ Lê Văn Luyện làm nghề bán thịt lợn, quầy hàng của bố mẹ Luyện đặt ngay trước nhà cô T. Ngày ngày trò chuyện, tâm sự nên cô T và mẹ Luyện trở nên thân thiết hơn.

Sau nhiều năm chăm chỉ làm ăn, gia đình Luyện đã xây được một căn nhà khang trang ngay trung tâm xã. Trong căn nhà ấy lúc nào cũng rộn rã tiếng cười.

Tuy nhiên, sau biến cố quá lớn ấy, gia đình Luyện tan nát, mỗi người một ngả. Bố Luyện thì đi tù còn riêng bà Thơm thì “điên điên, khùng khùng” và phải về nhà ngoại “ở ẩn”.

Căn nhà hai tầng khang trang từ đấy trở nên hiu quạnh, lạnh lẽo vì không có người ở. Đứa em thứ hai của Luyện khi ấy đang học lớp 10, sau sự việc anh trai gây ra, cũng phải bỏ ngang việc học để đi làm thuê.

Khi chúng tôi nhắc đến đứa em thứ 3 của Luyện, hai đôi mắt của cô T bỗng nhòe đi vì thương. Cô T kể, ngày Luyện mới gây ra sự việc, vì phải chạy đi chạy lại lo việc, nên đứa em thứ ba của Luyện khi ấy mới hai tuổi không ai chăm sóc.

“Cứ mỗi lần chạy đi, chạy lại lo việc, bà Thơm lại bế thằng út qua nhà tôi gửi, bất kể ngày hay đêm. Khi ấy tôi thương thằng bé lắm, chăm sóc nó như con của mình.

Lúc đó nó còn quá nhỏ để biết gia đình đang xảy ra chuyện gì. Mỗi lần nhìn ánh mắt thơ dại của thằng bé tôi lại ứa nước mắt vì thương bố mẹ nó”, cô T xúc động nhớ lại.

6 năm sau thảm án, mẹ Lê Văn Luyện bán vàng mã mong đền hết nợ - 3

Cô Nguyễn Thị T cho biết, sau biến cố, gia đình Lê Văn Luyện đã dần trởi lại nếp sống cũ

Nói về mẹ Luyện, cô T cũng không kìm được nước mắt. Theo lời cô T, sau sự việc mà Luyện gây ra khiến nhiều người thân trong gia đình vướng vào vòng lao lý, bà Thơm tuy không phải đi tù nhưng vì cú sốc quá lớn cũng trở nên “điên điên, khùng khùng” và không muốn tiếp xúc với ai.

"Ba mẹ con bồng bế nhau về nhà ngoại ở để tránh sự dị nghị của mọi người. Ai lên thăm cũng không tiếp. Kể cả tôi và mấy người chơi thân với bà Thơm có lên thăm để động viên mấy lần nhưng đều không gặp được bà ấy”, cô T nói.

Kể đến đây, cô T bỗng nở nụ cười rồi xua tay nói, tất cả đã là quá khứ. Giờ đây, bố Luyện đã được ra tù và đang đi làm thợ xây, còn mẹ Luyện thì đã trở lại bình thường. Gia đình ấy đã quay lại sống căn nhà của mình. Tuy nỗi đau vẫn còn đó nhưng cuộc sống của họ dần dần đã quay lại nếp cũ.

"Ngày mới quay lại căn nhà, hai vợ chồng bà Thơm vì ngại nên đi đâu cũng cúi mặt chẳng dám nhìn ai, nói chuyện thì e dè. Nhưng hàng xóm láng giềng động viên mãi nên bây giờ họ cũng thoải mái hơn rồi.

Thấy tinh thần họ tốt lên, chúng tôi mừng lắm. Bây giờ chỉ mong hai vợ chồng họ sớm vượt qua được nỗi đau mà tập trung làm ăn. Xóm làng cũng chẳng còn dị nghị gì đâu”, cô T cho biết thêm.

Theo ông Trương Minh Hậu (Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Lâm), sau tội ác của Luyện, qua vài tháng trời những thanh niên ở địa phương đi xin việc ở nơi khác cũng gặp phải ánh nhìn không mấy thiện cảm của mọi người.

"Vụ việc của Lê Văn Luyện là một trường hợp cá biệt. Từ đó đến nay, đời sống của nhân dân địa phương luôn bình yên, thế hệ trẻ hiện tại cũng không rơi vào ăn chơi, nghiện hút.

Ngày đó, em Luyện mới 2-3 tuổi. Mẹ thì bán hàng thịt ở ngã tư, nó (Luyện - PV) thường sang đánh bóng chuyền ở sân ủy ban, em trai khóc thì nó còn bảo "cứ khóc đi để anh đánh tí. Không ai ngờ được lại là Luyện cả" - ông Hậu nhớ lại.

(Còn tiếp)

Trải lòng hiếm hoi của mẹ

Nhiều lúc cũng nghĩ, nếu không việc gì xảy ra thì có khi giờ mình cũng đã có cháu bế bồng…".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nông Thuyết – Đình Việt (Gia đình & Xã hội)
Vụ án LÊ VĂN LUYỆN Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN