6 luật sư phiên tòa xử Đường "nhuệ" bỏ về rồi... quay lại
Phiên tòa xét vụ vụ án vợ chồng Đường "nhuệ" chiếm đoạt tiền của các cơ sở dịch vụ tang lễ đã bắt đầu khá căng thẳng, khi 6 trong 9 luật sư bỏ về do đề nghị hoãn phiên tòa không được HĐXX chấp thuận...
Sáng 17-11, tại phiên tòa xử vụ cưỡng đoạt tài sản đối với vợ chồng Đường “nhuệ” và 5 đàn em trong vụ chiếm đoạt tiền của các cơ sở dịch vụ tang lễ, sau khi đề nghị hoãn phiên tòa không được chấp thuận 6 luật sư bào chữa cho các bị đã rời khỏi phiên tòa.
Tại phần thủ tục phiên tòa, do số bị hại có mặt quá ít so với hàng chục bị hại và nhân chứng được cáo trạng đưa ra làm căn cứ buộc tội, nên Nguyễn Xuân Đường (tức Đường "nhuệ") đề nghị chủ tọa triệu tập cho đầy đủ.
Đường "nhuệ" đề nghị triệu tập tất cả người bị hại đến phiên tòa
Còn luật sư bào chữa cho bị cáo Đường đề nghị được nộp cho HĐXX một số tài liệu mà vị luật sư này giới thiệu là biên bản ghi lời khai của bị hại, rằng việc nộp tiền là tự nguyện chứ không phải do bị Đường đe dọa, cưỡng đoạt. Luật sư đề nghị tòa triệu tập toàn bộ 25 bị hại có đơn tố cáo nhóm bị cáo Đường tới phiên tòa.
Về phía bị cáo Nguyễn Thị Dương (vợ Đường), luật sư bào chữa cho biết mình chưa nhận được quyết đưa vụ án ra xét xử theo đúng thủ tục luật định, mà mới biết văn bản này từ bản ảnh được gửi qua ứng dụng Zalo. Bản chụp ấy, phần nơi nhận không có người bị hại, người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, và do đó ảnh hưởng đến quyền của những người tham gia tố tụng này.
Theo luật sư này, nhiều người bị hại đã được triệu tập nhưng không đến phiên tòa sẽ dẫn tới việc xét xử chỉ dựa vào lời khai trong hồ sơ làm căn cứ buộc tội, là không đảm bảo khách quan...
Bị cáo Tiến "trắng" con nuôi Đường "nhuệ" tại phiên tòa vụ cưỡng đoạt tiền hỏa táng, sáng 17-11.
Các luật sư khác cũng đề nghị tòa triệu tập tất cả người bị hại cũng như nhân chứng là chủ các cơ sở dịch vụ tang lễ tại Thái Bình tới phiên tòa để đối chất làm rõ các vấn đề liên quan đến chứng cứ.
Với các lập luận nêu trên, các luật sư bào chữa cho vợ chồng Đường "nhuệ" và 5 bị cáo trong vụ án cưỡng đoạt tiền hỏa táng để nghị HĐXX cho hoãn phiên tòa.
HĐXX đã thảo luận về đề nghị này. Thay mặt HĐXX, thẩm phán chủ tọa trả lời việc vắng mặt các bị hại, nhân chứng không ảnh hưởng tới quá trình xét xử, bởi tất cả đều đã có lời khai đầy đủ trong hồ sơ và có đơn xin xử vắng mặt. Vì vậy, HĐXX không chấp nhận yêu cầu hoãn phiên tòa của các bị cáo và luật sư.
Trước quan điểm của HĐXX, gần trưa, một số luật sư tham gia bào chữa cho nhóm bị cáo Đường “nhuệ” bày tỏ sự phản ứng là rút khỏi phiên tòa. 6 luật sư đã rời khỏi phòng xét xử, chỉ còn 3 luật sư khác tiếp tục tham gia phiên tòa.
Phiên tòa xét xử vẫn tiếp tục. Sau khi đại diện VKS công bố cáo trạng, thẩm phán chủ tọa phiên tòa nhận định pháp luật hiện hành không quy định về việc luật sư rút khỏi phiên tòa, do đó hành vi của 6 luật sư bào chữa cho nhóm bị cáo Đường "nhuệ" là vi phạm điểm c khoản 2 Điều 73 Bộ luật TTHS và điểm c khoản 2 Điều 21 Luật Luật sư.
Sau giờ nghỉ trưa, đầu giờ chiều, phiên tòa bước vào phần xét hỏi.
Điều đáng chú ý là tất cả các luật sư đã rời khỏi phiên tòa lúc sáng đã quay trở lại phòng xét xử. Việc này được chủ tọa phiên tòa chấp thuận, và các luật sư này tiếp tục thực hiện chức trách của mình như bình thường.
Người bào chữa có nghĩa vụ: c) Không được từ chối bào chữa cho người bị buộc tội mà mình đã đảm nhận bào chữa nếu không vì lý do bất khả kháng hoặc không phải do trở ngại khách quan... (Khoản 2 Điều 73 BLTTHS) Luật sư có các nghĩa vụ sau đây: b) Nghiêm chỉnh chấp hành nội quy và các quy định có liên quan trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng; có thái độ hợp tác, tôn trọng người tiến hành tố tụng mà luật sư tiếp xúc khi hành nghề... (Khoản 2 Điều 21 Luật Luật sư) |
Sau hơn 1 năm bị bắt, Đường "Nhuệ" đã phải ra trước vành móng ngựa không ít lần. Nhiều người đặt câu hỏi:...
Nguồn: [Link nguồn]