21 năm trốn nã, vui sướng khi... bị bắt

Cách đây hơn 21 năm, Nguyễn Chánh Thi (sinh năm 1964, KP.1, TT. Hà Lam, Thăng Bình, Quảng Nam) đã lẻn vào nhà một người bạn cuỗm 5 chỉ vàng hòng đổi đời.

Vụ việc nhanh chóng bị phát giác, trong những ngày bị tạm giam để phục vụ điều tra, y đã bày ra kịch bản tinh vi rồi bí mật đục tường, khoét vách phòng giam để tẩu thoát. Từ đó hắn sống cuộc đời phiêu bạt trong sự giằng xé khôn nguôi của lương tâm khi những hình ảnh của người thân và quê hương càng ngày càng cào xé tâm can.

Vụ vượt ngục nổi tiếng một thời

Cám ơn vì được công an... bắt

Đại úy Phạm Việt An, đội phó Đội truy nã phòng PC52 , người trực tiếp bắt Thi kể: “Hầu hết những tội phạm bị truy nã luôn sống trong dằn vặt, hối hận và canh cánh nỗi nhớ gia đình, quê hương, nhất là những đối tượng lớn tuổi. Nhiều khi, họ muốn ra đầu thú nhưng lại không đủ can đảm. Có đối tượng còn cám ơn chúng tôi vì đã giúp họ có cơ hội thoát khỏi cuộc sống trốn lủi, phập phồng lo sợ. Cũng có trường hợp, chúng tôi đã dùng tình người để đưa họ về quy án”.

Nguyễn Chánh Thi sinh ra trong một gia đình nghèo khó nhưng giàu tình thương. Ông bà, cha mẹ Thi đều là người hiền lành và được bà con lối xóm yêu quý. Thi cũng vậy, từ nhỏ đến lớn chưa làm phật lòng ai bao giờ. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên vừa học đến lớp 10, Thi phải dứt con đường đèn sách và ở nhà đỡ đần công việc đồng áng cùng gia đình. Ngày 30/9, bạn của Thi là Trương Hoàng (SN: 1949, Quế Minh, Quế Sơn, Quảng Nam) rủ Thi đến nhà Đặng Phan (SN: 1946, Quế Minh, Quế Sơn, Quảng Nam) để mượn tiền về giải quyết công việc gia đình. Là chỗ bạn thân nên Phan không ngần ngại mở ngăn tủ tại phòng khách, mang chiếc hộp đựng vàng trong tủ ra trước mặt mọi người. Trong hộp có 6 chỉ vàng, Phan lấy 1 chỉ đưa cho Hoàng, 5 chỉ còn lại Phan để nguyên trong hộp, cất lại trong tủ và khóa cẩn thận. Tuy nhiên, chìa khóa thì Phan lại để ngay trên nóc tủ.

Từ khi rời nhà Phan, hình ảnh 5 chỉ vàng cứ lởn vởn trong đầu Thi. Đối với nhiều người, có thể đó không phải là số tài sản lớn. Nhưng với Thi, đó là cả một gia tài mà cả khi ngủ, Thi cũng không dám mơ tới. Cuộc sống nhà nông vất vả, cực nhọc thu nhập lại bấp bênh. Thi nghĩ, nếu có số vàng đó chắc chắn sẽ qua cơn khốn khó. Những đêm trằn trọc, trong đầu anh ta chỉ lởn vởn hình ảnh những chỉ vàng đầy cám dỗ kia. Cuối cùng, sự hèn hạ đã thắng nhân cách, hắn quyết định thực hiện ý nghĩ đen tối của mình. Khoảng 1h sáng ngày 02/10/1992, Thi mò đến nhà Phan, dùng thanh sắt cạy cửa chui vào, lấy chìa khóa rồi bình tĩnh mở tủ “khoắng” sạch 5 chỉ vàng tẩu thoát. Sáng hôm sau ngủ dậy, Phan phát hiện số vàng mà mình tích góp bấy lâu đã không cánh mà bay. Sự việc nhanh chóng được cấp báo cho cơ quan công an. Chưa kịp tẩu tán số vàng phạm tội, ngày 20/11/1992, Nguyễn Chánh Thi đã sa lưới pháp luật.

Cũng như bất cứ ai vừa dính vào tù tội, trong những ngày bị giam giữ ở Công an huyện Quế Sơn, Thi khao khát muốn thoát khỏi 4 bức tường giam lạnh lẽo. Trong những ngày bị tạm giam ở Công an huyện Quế Sơn, Thi bị giam cùng buồng với hai bị can khác là Nguyễn Văn G. và Trần Văn T. Hai đối tượng này đều là những kẻ gian manh đang âm thầm chuẩn bị ý định vượt ngục. Đồng “chí hướng”, ba tên bàn mưu tính kế. Chúng cho rằng, đầu tiên phải tỏ ra ngoan ngoãn, hiền lành để lấy lòng quản giáo. Sau đó, khi được ra ngoài lao động sẽ tìm cơ hội lấy vật sắt nhọn vào buồng giam làm dụng cụ đục tường.

Dịp may đến, trong một lần nấu ăn tại nhà bếp, T. đã lén lấy một con dao cũ giấu vào người rồi mang về buồng giam. Chúng dùng con dao này đục một lỗ thủng xuyên qua bức tường. Để tránh bị phát hiện, chúng phân công người canh gác, người đục tường. Trong buồng giam không có nhà vệ sinh mà có một xô nhựa để bị can tiểu tiện. Lợi dụng việc này, chúng bỏ xà-bần từ trên tường vào xô rồi đại tiện, tiểu tiện lên trên để che giấu xà-bần. Đến giờ mang phân đi đổ ở hố xí, chúng mang cả phân và xà-bần ra đổ. Vì xô nhựa đựng phân và nước tiểu hôi thối nên cán bộ quản giáo không kiểm tra. Với chiêu bài tinh vi này, chỉ sau ba ngày bọn chúng đã tạo được một lỗ hổng đủ để người lớn chui lọt. Cơ hội chín muồi, đêm 10/12/1992, lợi dụng sơ hở của quản giáo, Thi và hai đồng bọn tiến hành vượt ngục thành công. Ngay ngày hôm sau, Công an huyện Quế Sơn ra Quyết định truy nã số 06 đối với can phạm Nguyễn Chánh Thi.

21 năm trốn nã, vui sướng khi... bị bắt - 1

Người thân của Thi vui buồn đan xen lẫn lộn khi gặp lại.

21 năm sống trong dằn vặt

Thoát khỏi nhà giam, Thi đi bộ một mạch đến xã Bình Tú (huyện Thăng Bình) và xin làm thợ hồ tại đây. Sau 4 ngày làm việc cần mẫn, y đã kiếm đủ số tiền cho cuộc trốn chạy lên vùng Tây Nguyên xa xôi hẻo lánh. Tại Đắk Lắk, Thi xin vào làm công cho một xưởng gạch, chẳng bao lâu trong xưởng có một vụ ẩu đả, vì sợ Công an đến sẽ phát hiện ra mình nên, y liền chuồn đi chỗ khác. Thi sống chỗ này dăm tháng, ở chỗ khác nửa năm. Hết làm thợ xây, Thi chuyển sang thợ mộc. Thôi làm ở lò gạch, Thi đến làm ở xưởng đá hoa cương. Một điều may mắn cho Thi, trong suốt thời gian ở Đắk Lắk, kẻ vượt ngục chưa lần nào bị cơ quan chức năng kiểm tra nhân thân.

Sợ hãi vì nỗi ám ảnh một ngày thân phận bị phát giác, năm 2007, Thi quyết định chuyển đến sinh sống tại Hố Nai (Trảng Bom, Đồng Nai). Tại đây, anh ta gặp và yêu Trần Thị C. (SN: 1968), một phụ nữ góa chồng, là hộ lý của bệnh viện Thống Nhất (Đồng Nai). Từ ngày quen biết C., Thi không muốn nay đây mai đó nữa mà lập nghiệp tại Hố Nai. Để tránh nghi ngờ, anh ta tự tạo cho mình một vỏ bọc mới, cha mẹ đã mất, anh em thất lạc nhau từ nhỏ, ở quê không còn người thân. Thi vừa hiền lành lại chăm chỉ, nên C. yêu Thi bằng tình yêu và sự tin tưởng tuyệt đối.

Từ khi có gia đình riêng, nỗi nhớ những người thân và quê nhà ngày càng da diết trong gã tù trốn trại. Sau bao năm cái tính ngông cuồng của tuổi trẻ cũng đã dần mất đi, nhường lại cho những suy tư trăn trở về những cái được mất ở đời. Hình ảnh những người thân, cây đan bến nước mái đình cứ luôn hiện về ám ảnh hắn. Nhất là những ngày lễ, Tết, trong khi mọi người vui vẻ hạnh phúc, riêng Thi lủi thủi cô độc một mình.

Trong những ngày tha phương đó, không biết bao nhiêu đêm hắn thức trắng trong sự dằn vặt việc quay về thăm quê hay không. Bởi hắn biết rằng, nếu trở về nhà thì rất nhiều khả năng sẽ bị bắt. Năm 2009, cha mất, mẹ nhờ em trai nhắn tìm hắn về. Nghĩa tử là nghĩa tận, huống gì đó là người sinh ra mình, Thi muốn về thọ tang cha, làm chỗ dựa cho mẹ già đang đau khổ. Nhưng rồi lại sợ đối diện với án tù tội, lọ thân phận với vợ con nên hắn lại một lần nữa hàn nhát không dam trở về để đối diện và trả giá cho tội lỗi đã gây ra trong quá khứ. Bi kịch đó vẫn lặp lại khi mẹ y trút hơi thở cuối cùng.

Cuộc sống cứ nặng nề trôi qua trong những ngày trốn chạy. Không biết bao nhiêu lần, Thi định từ bỏ tất cả, ra đầu thú để được sống với con người thực của mình, nhưng y lại không đủ can đảm. Giờ đây, nỗi sợ về tù tội không còn như trước nhưng hắn lại không đủ can đảm để cho vợ con và gia đình đằng ngoại biết sự thật về mình. Đã không ít lần trong thâm tâm hắn mong sẽ bị…công an bắt để chấm dứt nỗi khổ tâm không thể ngỏ cùng ai này. Điều “mong ước” của hắn cuối cùng đã thành hiện thực. Khoảng 13h ngày 08/3/2013, khi đang ngồi ăn cơm một mình tại nhà riêng ở Hố Nai thì hắn bất ngờ bị công an “hỏi thăm”, đó là những cán bộ công an tỉnh Quảng Nam đã hơn 20 năm sương gió lần tìm dấu vết của y. Biết thân phận đã bị bại lộ, nhưng thật lạ hắn không tháo chạy, công an cũng không nỡ cắt đứt bữa cơm của y. Mọi việc diễn ra như một sự tự nguyện. Xong bữa cơm trưa, đôi tay tra vào còng, nhưng trong lòng tên tội phạm năm nào thấy thanh thản đến lạ. Cuối cùng, hắn đã trút được gánh nặng trong lòng bao nhiêu năm nay.

Giờ trở về quê, Thi là một nhân vật đặc biệt, là tên tội phạm từng mang tội trộm cắp, rồi khoét tường vượt ngục, nhưng đó cũng là sự trở về của đứa con bao năm xa quê nay được trở về đất mẹ. Nhìn cảnh xưa, Thi xuýt xoa rằng, quê hương hôm nay nhiều thay đổi quá. Này gốc đa, bến nước năm nào, người cũ cảnh xưa, đôi mắt người đàn ông đứng tuổi lại hoe đỏ. Thi bảo, lần này chắc hắn sẽ đủ can đảm để đối mặt với tội lỗi của mình gây ra, cố gắng cải tạo tốt để một ngày nào đó được ung dung đi trên con đường làng, ra mộ thắp hương cho bố mẹ, thăm lại những người thân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Nam (Giadinh.net.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN