2 tòa chuyển qua chuyển lại, vụ kiện 9 năm chưa xong
Vụ án kéo dài gần chín năm chưa đi đến hồi kết vì phần lớn thời gian là những lần chuyển hồ sơ của vụ án liên quan do các tòa tranh chấp thẩm quyền.
Mới đây, TAND huyện Long Thành (Đồng Nai) đã tạm ngừng phiên tòa sơ thẩm để thẩm định giá lại phần đất tranh chấp trong vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng (HĐCN) quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là ông C với bị đơn là bà T.
Sáu lần chuyển hồ sơ
Theo ông C, ông mua lô đất của bà T tại xã Bàu Cạn, huyện Long Thành. Bà T đã ủy quyền cho người thứ ba là bà H thực hiện việc chuyển nhượng cho ông. Tuy nhiên, sau đó do không được bàn giao đất nên ngày 2-11-2014, ông C khởi kiện ra tòa.
Phần đất tranh chấp. Ảnh: YC
Đáng chú ý, năm 2019, dù đất đang tranh chấp nhưng bà T vẫn chuyển nhượng cho ông D (đã ra sổ). Vì vậy, ông C bổ sung yêu cầu hủy HĐCN, hủy sổ hồng đã cấp cho ông D...
Theo ông C, vụ án đã trải qua năm thẩm phán, kéo dài gần chín năm vì rất nhiều lý do. Trong đó, vụ án của ông liên tục bị tạm đình chỉ vì tranh chấp thẩm quyền giữa TAND huyện Long Thành (Đồng Nai) và TAND quận Gò Vấp (TP.HCM).
Cụ thể, trước khi bán đất cho ông C, bà H (người được bà T ủy quyền) đã bán cho một người khác và người này đã khởi kiện bà H đòi hủy HĐCN vào năm 2011 (trước khi ông C khởi kiện). Sau đó, người này rút yêu cầu khởi kiện, còn bà T (chủ đất, người liên quan) giữ yêu cầu tuyên bố hợp đồng ủy quyền giữa mình và bà H vô hiệu nên bà T trở thành nguyên đơn, văn phòng công chứng đã công chứng hợp đồng ủy quyền trở thành bị đơn. Vì vậy, TAND huyện Long thành đã chuyển hồ sơ cho TAND quận Gò Vấp (trụ sở của văn phòng công chứng).
TAND quận Gò Vấp sau đó cho rằng ngoài yêu cầu tuyên hợp đồng ủy quyền vô hiệu, bà T còn yêu cầu hủy HĐCN mà bà H đã ký bán đất nên việc không xác định bà H là bị đơn đối với tranh chấp bất động sản tọa lạc tại huyện Long Thành là không phù hợp. Cạnh đó, TAND huyện Long Thành đang thụ lý vụ án tranh chấp của ông C cũng là bất động sản nêu trên nên tháng 8-2015, TAND quận Gò Vấp chuyển trả lại hồ sơ.
Thụ lý lại, TAND huyện Long Thành cho rằng bà T rút yêu cầu về tranh chấp HĐCN, tòa đã đình chỉ, chỉ còn lại yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu nên tháng 9-2016, tòa này chuyển hồ sơ cho TAND quận Gò Vấp và tạm đình chỉ vụ án của ông C để chờ kết quả.
Tuy nhiên, theo TAND quận Gò Vấp, bà T đã bổ sung yêu cầu hủy HĐCN (mà bà H đã ký), đối tượng tranh chấp là bất động sản tại huyện Long Thành nên tiếp tục chuyển trả hồ sơ. Giữ quan điểm rằng bà T đã rút các yêu cầu về HĐCN nên tháng 6-2018, TAND huyện Long Thành tiếp tục chuyển hồ sơ cho TAND quận Gò Vấp.
Lúc này, TAND quận Gò Vấp cho rằng việc bà T rút một phần yêu cầu cũng không làm thay đổi về thẩm quyền nên lại chuyển trả hồ sơ.
Theo TAND Cấp cao tại TP.HCM, để giải quyết toàn diện vụ án, cần phải xem xét cả các HĐCN, từ đó xác định thẩm quyền của tòa.
Xác định thẩm quyền để giải quyết toàn diện vụ án
TAND huyện Long Thành sau đó mới gửi công văn đến TAND Cấp cao tại TP.HCM xin ý kiến. Đến ngày 13-3-2019, TAND Cấp cao tại TP.HCM có văn bản trả lời. Theo TAND Cấp cao tại TP.HCM, bà T khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng ủy quyền nên về nguyên tắc, thẩm quyền thuộc về tòa án nơi bị đơn có trụ sở (quận Gò Vấp). Tuy nhiên, do tranh chấp này liên quan trực tiếp đến bất động sản tại huyện Long Thành nên TAND huyện Long Thành có thẩm quyền giải quyết.
Theo TAND Cấp cao tại TP.HCM, để giải quyết toàn diện vụ án, cần phải xem xét cả các HĐCN. Do đó, cần nhập vụ án bà T khởi kiện với vụ án mà ông C khởi kiện. Khi đó, thẩm quyền thuộc về TAND huyện Long Thành.
Bà T sau đó rút yêu cầu đối với vụ án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu nên TAND huyện Long Thành đình chỉ. Lúc này, vụ án của ông C mới tiếp tục được giải quyết và mở phiên xử.
Nếu tòa “tận tâm” hơn, đương sự đã bớt khổ Người xưa có câu “Vô phúc đáo tụng đình” để chỉ việc lôi nhau ra chốn công đường là chuyện chẳng đặng đừng. Như vụ án của ông C nêu trên là một ví dụ. Bỏ nửa tỉ đồng để đặt cọc mua đất nhưng tiền đã chi mà chẳng thấy đất đâu. Hòa giải bất thành nên ông C buộc phải khởi kiện. Thế nhưng ra tòa rồi mới thấy, con đường đi kiện cũng lắm trần ai. Ông C khởi kiện từ năm 2014 nhưng mãi đến năm 2023 tòa mới đưa ra xét xử. Âu cũng bởi mảnh đất mà ông C tranh chấp đã được bán cho người khác từ trước nên cũng đang liên quan đến một vụ kiện thụ lý năm 2011. Từ đó, các tòa “đùn qua đẩy lại” hồ sơ vụ kiện kia sáu lần khiến vụ án của ông C cũng bị tạm đình chỉ theo. Lý do là vì các tòa đều cho rằng mình không có thẩm quyền xét xử. Nhiều người nghĩ rằng dính vào những vụ án hình sự mới là “ghê gớm” vì người bị kết án bị tước đoạt đi sự tự do nhưng có lẽ chỉ người trong cuộc, người làm công tác liên quan đến pháp luật mới thấm được sự mệt mỏi trong các vụ án dân sự kéo dài đằng đẵng… Từng tiếp xúc với nhiều đương sự trong các vụ án dân sự, họ bộc bạch với tôi về những năm tháng tìm lẽ phải chốn công đường đầy gian truân, những năm tháng “ăn không ngon, ngủ không yên” vì mệt mỏi cả về thể xác, tinh thần lẫn kinh tế. Trở lại với vụ án trên, nếu như tòa án tận tâm hơn nữa trong việc giải quyết rốt ráo vụ việc thì có lẽ sẽ không có đến tận sáu lần chuyển hồ sơ. Tranh chấp thẩm quyền là không hiếm, thế nên BLTTDS cũng đã “phòng hờ” trường hợp này. Cụ thể, Điều 41 BLTTDS năm 2015 đã quy định rất rõ: Nếu hai tòa cấp huyện thuộc các tỉnh, TP trực thuộc trung ương khác nhau (hoặc giữa các TAND cấp tỉnh thuộc thẩm quyền giải quyết theo lãnh thổ của TAND Cấp cao) có tranh chấp về thẩm quyền thì có thể gửi văn bản đến Chánh án TAND Cấp cao để “phân xử”. Thế nhưng phải chờ đến lần chuyển hồ sơ thứ sáu sau nhiều năm thì một trong hai bên tòa mới gửi công văn xin ý kiến. Giá như trong vụ án này, tòa mạnh dạn hơn nữa trong việc xác định thẩm quyền xét xử bằng cách nhập vụ án hay là sớm “đi hỏi” tòa cấp trên thì đâu có chuyện vụ kiện kéo dài nhiều năm như thế và người dân cũng bớt khổ hơn. YẾN CHÂU |
Có đến 50 hội thẩm nhân dân (tính cả dự khuyết) được lên danh sách theo quyết định đưa một vụ hiếp dâm xảy ra tại TP Biên Hòa (Đồng Nai) ra xét xử.
Nguồn: [Link nguồn]