14 năm chưa xử xong một vụ án

Xử sơ thẩm lần bốn, tòa lại trả hồ sơ khiến vụ án tai nạn giao thông kéo dài 14 năm nay vẫn chưa giải quyết xong.

14 năm chưa xử xong một vụ án - 1

Phiên tòa sơ thẩm lần bốn xử Hoàng Trọng Nghĩa có đến năm thành viên trong HĐXX và có đến hai vị đại diện VKS. Ảnh: Phương Loan

Ngày 1.11 vừa qua, TAND huyện Đồng Phú (Bình Phước) đã đưa vụ Hoàng Trọng Nghĩa (39 tuổi) bị truy tố về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ ra xét xử sơ thẩm (lần bốn).

Như Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh, vụ án này đặc biệt ở chỗ đã kéo dài suốt 14 năm nay. Sau một vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm chết một người và bản thân anh Nghĩa bị chấn thương sọ não nặng, anh Nghĩa bị xử lý hình sự. Ba lần anh được tòa sơ thẩm tuyên không phạm tội vì chứng cứ kết tội không vững chắc nhưng cả ba lần đều bị tòa phúc thẩm hủy án để điều tra, xét xử lại. Điều đáng nói là trong các lần trả hồ sơ để điều tra lại và điều tra bổ sung, các cấp tòa yêu cầu làm rõ nhiều vấn đề nhưng đến nay VKS vẫn không thể đáp ứng được do vụ việc xảy ra đã quá lâu (tháng 9-2002), không có ai chứng kiến vụ tai nạn...

Tại phiên tòa, nhân chứng Trần Thị Lý (nhà đối diện hiện trường tai nạn) trình bày: “Tôi đang cho con ăn thì nghe cái rầm. Tôi chạy ra thấy hai chiếc xe nằm kề nhau. Một chiếc nằm đè lên xe Nghĩa”. Còn anh Nghĩa thì khai: “Đã lâu quá rồi, tôi chỉ còn nhớ mình đang chạy xe thì nghe một tiếng rầm, sau đó tôi không biết gì nữa. Ngoài ra, tôi không còn nhớ gì”.

Luật sư Dương Vĩnh Tuyến (bào chữa miễn phí cho anh Nghĩa suốt nhiều năm qua) đề nghị tòa tuyên anh Nghĩa không phạm tội. Bởi lẽ không có chứng cứ để kết tội anh Nghĩa và sự thật khách quan của vụ TNGT chưa được làm rõ; anh Nghĩa cũng chính là nạn nhân của vụ TNGT và hiện không nhớ gì… “Một khi sự thật khách quan chưa làm rõ thì bị cáo cũng là nạn nhân” - luật sư khẳng định.

Tuy nhiên, khi chưa kết thúc phần xét hỏi, HĐXX (gồm 5 thành viên, thay vì 3 như thường thấy) đã vào hội ý, sau đó chấp nhận yêu cầu hoãn xử của VKS để trưng cầu giám định tâm thần đối với bị cáo.

Sau phiên xử, trả lời Pháp Luật TP.HCM về lý do anh Nghĩa không thể hiện dấu hiệu bất thường về thần kinh, vì sao lại phải giám định tâm thần, chủ tọa phiên tòa chỉ nói: “Xét thấy VKS yêu cầu thì HĐXX cần trả hồ sơ để cơ quan này làm rõ các vấn đề nhằm giải quyết vụ án được rõ ràng, khách quan, toàn diện”.

Trong khi đó, luật sư Dương Vĩnh Tuyến khẳng định: “Tôi sẽ kiến nghị đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và Ban Nội chính Tỉnh ủy Bình Phước đề nghị giám sát vụ án này. Đừng để đau thương suốt 14 năm của gia đình nạn nhân và nỗi oan khuất cũng chừng ấy năm của bị cáo kéo dài mãi”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Loan (Pháp luật TP.HCM)
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN