12 ngày đêm theo dấu "người rừng" (Kỳ 2): Sự đe dọa của "người rừng"
Mối quan hệ khá đặc biệt với nạn nhân là anh Duy đã làm Ngô nổi bật lên giữa những đối tượng nghi vấn. Ngô cũng thừa biết, nên trước khi giới hạn an toàn về mặt tâm lý không còn nữa, hắn đã rút chạy vào rừng. Trước khi đi hắn kịp mang theo một con dao sắc bén, dài nửa sải tay. Đây là thứ vũ khí mà Ngô có thể chống thú dữ, đào các loại củ, rễ trong rừng để sống, mở đường lúc bị vây khốn và đe dọa được người khác lúc xuống làng kiếm cơm ăn, rượu uống.
Trước đó, vài người đi rừng đã gặp hắn trong núi. Hắn nhồm nhoàm nhai lá cây, nước bọt xanh lè ứa ra bên khóe. Hắn vung dao hét lên: "Tao phải giết thêm vài đứa nữa rồi mới chịu làm con ma rừng...".
Tờ mờ sáng 19/8/2000, sự phát hiện về Duy đã làm xôn xao dư luận xã Mỹ Đức. Trên các đường thôn, đường xã, người người tụ tập bàn tán. Ngô có thái độ không bình thường, cứ lê la vào chỗ đám đông hỏi han rối rít về vụ xác chết. Trong lúc mọi người khẳng định đó chính là Duy thì Ngô lại cố giải thích ngược lại: "Không phải ông Duy mà, ông ấy đâu mập mạp được như vậy...".
Đến 8 giờ cùng ngày, qua dư luận quần chúng và một số tình tiết như: cách đây hơn 10 ngày, một số ngư dân ở xã Quảng Trị vào lòng hồ đánh cá, vào một đêm khuya người ta nghe tiếng kêu thét hãi hùng từ hòn đảo nơi gia đình Ngô cư ngụ. Một người dân có chòi cá ở đầu đập nước con khẳng định: đêm 11/8/2000 sau khi uống rượu với anh ta xong, Duy chèo xuồng về phía đảo. Khi được hỏi đêm tối còn đi đâu, Duy cười khà khà: "Sang chơi nhà thằng Ngô”. Đến sáng ra thì Duy biến mất luôn, không còn thấy nữa.
Đặc biệt nhất là từ khi phát hiện xác anh Duy, Ngô tự nhiên giở trò điên đảo, đốt sạch những gì còn sót lại, sau đó dùng xuồng đưa vợ con về thôn 7 cất chòi ở... Với tất cả những nghi vấn đó, lực lượng điều tra quyết định bắt khẩn cấp Ngô để làm rõ vấn đề. Thế nhưng khi triển khai phương án này thì hắn đã chạy trốn.
Ngô có khá đông những người thân quyến như mẹ, anh, em, vợ ở rải rác các thôn thuộc xã Mỹ Đức. Lúc này mới là sáng 19/8/2000, Công an tỉnh vừa nhận được tin báo, chưa kịp điều động lực lượng xuống chi viện nhưng huyện Đạ Tẻh đã có sẵn cơ sở vững chắc cho công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm. Theo chỉ đạo của CA huyện, nhiều mũi trinh sát kết hợp CA các xã, hệ thống an ninh nhân dân ở các thôn làng triển khai phong tỏa tất cả các nẻo đường, vây chặt những nơi Ngô có khả năng lẩn trốn.
Theo nguồn tin cơ sở, hắn vừa xuất hiện nghe ngóng dư luận ở một số gia đình dọc đường vào lòng hồ cách đây chỉ mười phút. Như vậy, hắn chưa thể đi xa. Nếu có trốn, hắn chỉ có thể quanh quẩn trong các thôn hoặc chạy ra trảng rừng sau lưng các xóm. Nhận định này là hoàn toàn chính xác khi một mũi dân quân đang truy quét ở vùng rừng thuộc thôn 7 đã đụng Ngô. Hắn nấp trên cây, khi bị phát hiện thì bươn rừng lẩn thật nhanh...
Địa bàn xảy ra vụ án sau hơn 20 năm (ảnh sưu tầm)
Lần bắt hụt này đã nảy sinh nhiều vấn đề, Ngô trở thành nỗi ám ảnh, sợ hãi của các gia đình sống ven rừng. Trong một lần rời chỗ ẩn nấp trên rừng xuống cưỡng bức một gia đình cung cấp thức ăn, Ngô đã đe dọa rằng: "Chính ông giết thằng Duy đấy. Đứa nào báo CA, ông biết được sẽ giết cả nhà bây!".
Bản chất hung dữ của hắn xóm làng ai cũng biết, vả lại hắn vừa gây ra trọng án và hiện đang bị dồn đến đường cùng nên nghĩ đến hắn bà con ở ven rừng đều khiếp sợ. Nỗi sợ tên "người rừng" này đã làm thay đổi sinh hoạt vốn rất bình yên ở thôn 6, Mỹ Đức, Đạ Tẻh. Nhiều gia đình vốn sống bằng nghề rừng như chặt lồ ô, khai thác song mây, lấy củi, đốt than... nay không thể kiếm cơm bằng nghề này được nữa.
Người ta sợ vào rừng, sợ giữa rừng vắng đụng đầu với tên "người rừng" hung hãn, có vũ khí. Vì thế, cuộc sống của những gia đình nghèo càng thêm khó khăn. Họ khiếp sợ Ngô đến mức từ 16 giờ mỗi ngày, các gia đình đã gom hết phụ nữ, trẻ con, người già vào một chỗ ngủ tập trung. Đàn ông, thanh niên chia theo ca trực suốt đêm. Họ lập hàng rào phòng thủ, chuẩn bị khí giới cùng những công cụ gõ đập phát âm thanh lớn để đề phòng những cuộc tập kích điên dại, bất ngờ của "người rừng".
Vì thế cứ mỗi chiều, các thôn xóm ven rừng lại trở nên vắng vẻ, đìu hiu; còn ban ngày, một tiếng động lạ, tiếng chó sủa vu vơ cũng đủ làm mọi người hoảng hốt. Nỗi lo của họ không phải là vô cớ. Có người đi lấy củi đã đụng phải Ngô trong rừng. Họ kinh sợ tháo chạy thục mạng.
Một lần khác, vào ngày 30/8/2000, mới sáng sớm Ngô đã xuất hiện trước căn nhà của vợ chồng bà X.
Người chồng ở trên giường vừa đặt một chân xuống đất sợ quá không đứng dậy nổi. Bà vợ đang nhóm bếp cũng thất kinh té luôn vào "ông táo". Ngô thấy vậy càng đắc chí gầm lên:
- Có chịu nấu cơm cho ông ăn không? (Hắn chặt con dao vào cột nhà nghe phập), hay là để ông giết cả nhà mày?
Người vợ lắp bắp năn nỉ, Ngô ra thực đơn:
- Cơm chiều đấy nhé, phải có một món canh, món xào, món mặn, một lít rượu! Nhớ là ông kén ăn lắm đấy!
Nói xong hắn nhún vài bước đã mất dạng ở cửa sau. Hai vợ chồng sợ quá dìu nhau đứng lên, khi đã hoàn hồn mới thì thầm bàn tính. Người vợ muốn ra báo công an xã, ông chồng một mực không chịu, bảo:
Lực lượng chức năng băng rừng, vượt núi truy tìm kẻ giết người (ảnh ST)
- Coi như "cúng" cho hắn một bữa. Ra báo xã, lỡ hắn biết được thì khốn!
Chị vợ theo lời chồng, chạy vạy vay mượn được mấy chục ngàn đồng tất tả ra chợ. Chị mua cá nấu canh chua, thịt bò xào cải xanh, miếng thịt gà đủ ram mặn một dĩa nhỏ. Chị gặp mấy người quen ở chợ, họ kinh ngạc về bữa chợ hào phóng của chị nên xúm lại hỏi:
- Hôm nay nhà có đám giỗ sao?
Chị vốn không quen nói dối nên lúng túng, người kia tra gặng một hồi thì chị đành khai thật là "người rừng" trên núi xuống, yêu cầu phải "cống nạp" một bữa cơm rượu tử tế. Lúc này, câu chuyện về Ngô đã bước sang ngày thứ 11, là vấn đề thời sự nóng hổi nhất của cư dân vùng này. Vì vậy, khi nghe chị X. - một phụ nữ nghèo, tằn tiện phải đãi tên Ngô như làm đám giỗ, chị kia cũng căm tức, nói luôn suy nghĩ của mình:
- Hôm nay nhà bà, biết đâu ngày mai lại đến lượt tôi. Chi bằng ta khử nó trước đi.
Chị X. tỏ vẻ lo lắng:
- Chồng tôi không chịu, cứ sợ công an bắt hụt nó, nó trả thù cả nhà. Nhà tôi lại ở ngay chân núi, lo lắm!
Chị kia chụm đầu, nói nhỏ mấy câu vào tai chị X, chị gật gật tỏ ra phấn khởi...
Từ chợ về, chị X. nấu một nồi cơm trắng (thường ngày, nồi cơm nhà chị vẫn độn khoai, mì) và một mâm thức ăn bốc mùi thơm phức. Đạ Tẻh đang vào mùa mưa bão, ngó mâm cơm chị lại lo "người rừng" không xuống núi được. Đến lúc trời nhá nhem tối, mưa vẫn còn nặng hạt, chị X. ngồi canh mâm cơm, anh chồng chắp tay sau lưng đi tới đi lui tỏ vẻ sốt ruột. Bỗng nghe một tiếng đằng hắng, anh ta quay ra cửa bếp đã thấy "người rừng" với đầu tóc húi cua, áo sơ-mi nâu, quần tây màu đen lách vào nhà. Vẫn như hôm trước, trên tay hắn cầm chặt cán dao rừng. Hắn vẫn tỏ ra rất lanh lợi, khịt khịt mũi:
- Nấu nướng như thế là tốt. Cả nhà có bao nhiêu đứa ra hết cả đây cho ông điểm danh. Không thì lúc ông đang chén, một đứa lẻn đi báo công an, ông lại dở bữa rượu... Ra hết đây!
Những người trong nhà líu ríu bước ra. Hắn để mâm cơm giữa nhà, thong thả bới cơm ra chén, vừa ngấu nghiến nhai vừa gật gù như một ông lớn:
- Nhà này được, ông coi như bạn!
Chị X. nhìn hắn ăn mà hồi hộp. Chị thầm cầu nguyện cho hắn chiếu cố đến món canh hoặc hớp một cốc rượu. Hai thứ đó theo lời dặn của người bạn gặp ngoài chợ, chị đã giấu chồng lén cho khá nhiều thuốc ngủ vào. Chỉ cần hắn lăn quay vì thuốc, chị sẽ lấy những sợi dây thừng bó củi đã chuẩn bị sẵn, trói tay chân hắn lại. Lúc đó, dù không muốn vì nhát gan, chồng chị chắc chắn sẽ vào phụ trói hắn cho chặt hơn. Sau đó, chị sẽ gõ thùng thiếc la làng, bà con kéo đến bắt tên "người rừng" giao cho xã. Thế là xong đời kẻ thích làm chuyện ác...
Nghĩ đến đó chị thấy thật hả dạ! Thế nhưng thật kỳ lạ, dù rất đói tên Ngô cũng không chịu rớ vào tô canh chua thơm ngát. Cả xã này ai ai cũng biết hắn là con sâu rượu, mở mắt ra đã nốc rượu, bao lâu nay trốn trong rừng lại càng thèm rượu, mưa lạnh thế này cơn thèm phải lên gấp bội. Thế sao hắn lại không chịu đụng đến tô canh, chai rượu. Khi hắn buông đũa, đưa tay áo quẹt mồm và thở khà vì no nê, khoái trá, chị X. hết sức thất vọng và cũng chẳng còn kiên nhẫn nên đánh liều hỏi:
- Canh dở lắm hay sao ông không ăn?
- ...
- Sao ông không uống một ngụm rượu cho ấm?
- ...
Ngô không trả lời vì đang bận cạy thức ăn bám trong kẽ răng bằng những móng tay dài, cáu bẩn. Không khí trong căn nhà nhỏ giữa nơi heo hút, vắng lặng và bóng đêm bao trùm này thật ngột ngạt. Bất ngờ Ngô nhổm lên, nghiêng đầu nghe ngóng. Rõ ràng là có tiếng sột soạt của người mặc áo mưa đang di chuyển. Sau đó là tiếng... "oạch" của một người nào đó bị té phía sau nhà. Ngô kẹp con dao rừng vào nách, lao nhanh như con thú bị rượt đuổi, mất hút vào bóng đêm và cơn mưa rừng tầm tã...
(Còn tiếp...)
Khi Tiến "lùn" đi Hải Phòng mua được súng về, Dũng "mượt" vừa mừng vừa lo. Mừng là vì có "hàng nóng", việc xử "con mồi" sẽ nhanh chóng, dễ dàng hơn....
Nguồn: [Link nguồn]