1001 “quái chiêu” đòi nợ thuê
Để đòi được nợ, nhóm đòi nợ thuê sử dụng “trăm phương ngàn kế” để hành hạ con nợ: đánh chém, bắt cóc, cưỡng đoạt tài sản, chặn lối làm ăn, quấy nhiễu sự riêng tư... dẫn đến tình trạng mất trật tự trị an, vi phạm pháp luật.
Sáng 28/2, Phạm Trí Thức (27 tuổi, ngụ xã Hà Ninh, huyện Hà Trung - Thanh Hóa) đã tử vong tại bệnh viện do vết thương quá nặng. Thức là 1 trong những đối tượng xông vào nhà chém ông Nguyễn Văn Vân (thôn 2, xã Vĩnh Tân) để đòi nợ con trai ông Vân nhưng bị người dân trong xóm kéo đến vây đánh. Đây là trường hợp hiếm hoi nhóm đòi nợ thuê “gặp tai nạn”. Thông thường, các con nợ bị nhóm đòi nợ thuê hành hạ “lên bờ xuống ruộng” cho đến khi chịu trả tiền mới thôi.
1.001 chiêu hành hạ con nợ
Ngày 22/1, Công an thị xã Thuận An – Bình Dương phải bao vây nghĩa trang Lái Thiêu để giải cứu cả nhà ông Trần Công T. (47 tuổi, ngụ thị xã Thuận An - Bình Dương). Mọi chuyện khởi nguồn từ món nợ 80 triệu đồng ông T. vay của bà Trần Anh Đào (41 tuổi, ngụ Bình Dương) để làm ăn nhưng không trả nợ đúng hẹn.
Bà Đào thuê băng nhóm giang hồ Dương Văn Nhơn (ngụ Bình Dương) đòi nợ giùm. Sau khi bắt ông T. đánh đập rồi áp giải về nghĩa trang Lái Thiêu, cả bọn buộc ông T. gọi người nhà mang 200 triệu đồng xuống chuộc mạng, tiếp đó bắt giữ luôn 2 người thân của ông T. vì không mang đủ tiền như yêu cầu.
Chủ nợ Trần Anh Đào và Dương Văn Nhơn - đối tượng cầm đầu băng nhóm đòi nợ thuê.
Để đòi được món nợ 880 triệu đồng cho anh Hà Chí Cường (32 tuổi, ngụ Tiền Giang) vay, Trần Thị Ngọc (38 tuổi, ngụ TPHCM) chấp nhận chi cho băng nhóm đòi nợ thuê Ngô Xuân Thái (Thái “Salem” ngụ tỉnh Bình Dương) 50% số tiền. Sau khi bắt giữ, lấy xe máy và đòi tiền chuộc 20 triệu đồng, Thái yêu cầu anh Cường viết một giấy cam kết trả nợ cho Ngọc. Những ngày sau đó, xài hết tiền, Thái lại giở trò vòi vĩnh. Chịu không nổi, anh Cường trình báo công an. Ngày 13/1, Công an thị xã Dĩ An đã bắt khẩn cấp Thái cùng các đối tượng liên quan.
Độc chiêu hơn, ròng rã gần 1 tháng, một nhóm gồm hàng chục giang hồ và thương binh dọn đến nhà ông Trần Quang D. (chủ shop thời trang ở TP Hải Phòng) ăn ở, sinh hoạt, phá hỏng hệ thống camera giám sát, lấy một số quần áo trong cửa tiệm, thậm chí đổ chất bẩn, tổ chức đám ma... để đòi món nợ hơn 2 tỉ đồng ông D. vay của bà Nguyễn Thị H. (ngụ quận Hải An, TP Hải Phòng). Vụ án này đã bị Công an quận Ngô Quyền (Hải Phòng) khởi tố vì đã xâm phạm chỗ ở của công dân.
Chặn lối làm ăn, quấy nhiễu sự riêng tư
Các chiêu thức của dịch vụ đòi nợ thuê có thể khiến những kẻ cố tình chây ì phải trả tiền nhưng nó cũng làm một số doanh nghiệp có thiện chí trả nợ càng thêm khó khăn và có thể mất luôn khả năng thanh toán...
Trùm đòi nợ Thái “salem” vừa bị khởi tố về hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Theo đơn tố cáo của bà D. M.T, giám đốc một công ty trên đường Sư Vạn Hạnh (phường 12, quận 10 - TPHCM), từ tháng 10/2012, có một nhóm người do Công ty Thu nợ D. An cử đến làm việc với công ty. Sau khi trình hợp đồng ủy quyền, đại diện phía đòi nợ yêu cầu bà T. phải ký biên bản làm việc với nội dung thanh toán khoản tiền hơn 8,8 tỉ đồng (cả gốc và lãi) ngay trong ngày hôm sau. Do tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn, bà T. đề nghị được dãn nợ, trả dần trong thời hạn từ 18 đến 24 tháng. Giữa hai bên cũng đã nhiều lần trực tiếp làm việc với nhau về khoản công nợ và bà T. chưa bao giờ tỏ ý quỵt tiền.
“Là doanh nghiệp làm ăn uy tín 10 năm nay, vợ chồng tôi rất hổ thẹn trước nhân viên, khách hàng, hàng xóm và người đi đường khi người của Công ty D. An đậu xe hơi giăng bảng đòi nợ chắn ngang trước cửa và lớn tiếng gây rối” - bà T. bức xúc. Mỗi lần nhóm người đòi nợ thuê đến, nhân viên công ty sợ hãi đóng hết cửa, cố thủ bên trong. Chỉ trong vòng nửa tháng, nhóm đòi nợ thuộc Công ty D. An đã đến công ty gần 10 lần, giở hết các chiêu bêu riếu, khủng bố tinh thần. Những lúc đó, trước sự hung hãn của bên đòi nợ, nhân viên văn phòng không dám ra ngoài mà khách hàng đến liên hệ công việc cũng đành quay trở ra.
Trước sự bủa vây của dịch vụ đòi nợ thuê, bà T. buộc phải trả mặt bằng, rút khỏi địa điểm kinh doanh mà vợ chồng bà mất khoảng gần 10 năm gầy dựng cơ nghiệp, thuê một văn phòng ảo để duy trì hoạt động kinh doanh nhưng cũng không được yên thân. Dịch vụ đòi nợ thuê tìm đến nhà riêng, vào website cá nhân của chủ doanh nghiệp để... truy nợ. Sự quấy nhiễu chưa dừng lại ở đó, chồng bà T. cũng trở thành mục tiêu “tấn công” của dịch vụ đòi nợ thuê. Một hôm, trên trang Facebook của ông bỗng có ai đó dùng nickname “Thu nợ D. An” comment với các nội dung như: “nợ khó đòi”; “Công ty làm ăn buồn cười ghê, nợ nần không lo trả”...
Kiện ra tòa, không dễ! Một thẩm phán tòa dân sự của TAND TPHCM thừa nhận: “Việc xét xử tranh chấp nợ nần qua tòa án kéo dài, nhiêu khê thủ tục mà ít hiệu quả”. Theo đó, ngoài tiền án phí, chủ nợ còn tốn không ít thời gian, thậm chí bỏ công ăn việc làm để theo đúng lịch làm việc, xét xử của tòa án. Đó là chưa kể, muốn thắng kiện phải tổng hợp đầy đủ chứng cứ trong khi nhiều doanh nghiệp nhỏ hoạt động trên cơ sở “tin nhau”, hợp đồng không chặt chẽ hoặc không có hợp đồng. Nếu may mắn thắng kiện thì “tỉ lệ án thi hành được trên số hồ sơ thụ lý cũng không cao do có những người bị thi hành án lâm vào hoàn cảnh thật sự khó khăn, mất khả năng thanh toán. Ngoài ra, rất nhiều con nợ dù có tiền vẫn không chịu thi hành án mà cơ quan thi hành án có lúc cũng... bó tay. Bản án có hiệu lực pháp luật mà phải chờ đợi hết năm này qua năm khác để được thi hành án khiến nhiều người nản lòng” - một cán bộ thi hành án dân sự cho biết. H.Hiếu |