Ý nghĩa đằng sau những món ăn truyền thống trên mâm cỗ Tết miền Bắc
Tết là thời gian đoàn tụ, là dịp đoàn viên của gia đình người Việt. Dù ở bất cứ đâu, mỗi người Việt Nam đều hướng về gia đình, ông bà, Tổ tiên trong những ngày Tết. Và những món ăn đậm đà hương vị Tết cổ truyền luôn được những người nội trợ chăm chút, tạo nên một bức tranh ẩm thực đầy sắc màu.
Người miền Bắc luôn cầu kỳ trong việc lựa chọn nguyên liệu và chế biến món ăn, đặc biệt là trong mâm cỗ ngày Tết. Mỗi món ăn đều chứa đựng tâm tình của người nấu, là truyền thống bao đời trong mỗi gia đình. Việc ăn đúng cách sẽ giúp mang lại lợi ích cho sức khỏe trong những ngày Tết.
1. Bánh chưng
Nhắc đến Tết không thể không nói đến bánh chưng xanh. Những tấm bánh vuông vức được gói khéo léo, tài hoa ấy vừa tượng trưng cho đất trời vừa là biểu tượng cho ẩm thực ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Bánh được làm từ loại gạo nếp ngon, thịt lợn, đậu xanh và được gói vuông vắn bằng lá dong sau đó đem luộc trong khoảng 8-10 giờ cho đến khi chín. Bánh rền dẻo, thơm mùi thơm của gạo nếp và có màu xanh của lá dong.
Kết hợp dẻo thơm của gạo nếp, vị ngọt bùi của đậu xanh với vị béo của thịt mỡ, vị cay nhẹ của tiêu sẽ mang hương vị Tết thêm trọn vẹn, đầy đủ và sung túc.
Theo BS. Lê Thân (Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Quảng Nam), bánh chưng dưới góc độ Đông y là một bài thuốc bổ, mỗi thành phần của bánh là một vị thuốc:
Gạo nếp: Vị ngọt, tính ấm, vào kinh tỳ. Gạo nếp chín nhừ trong thủy hỏa có công năng ôn trung, kiện tỳ ích khí, hỗ trợ tiêu hóa.
Thịt lợn: Là thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao, vị mặn, tính bình, tác dụng vào kinh thận, có tác dụng bổ thận.
Đậu xanh (bỏ vỏ): Vị ngọt và mặn, tính bình, vào 2 kinh tỳ - thận, vừa có tác dụng kiện tỳ, vừa có tác dụng bổ thận. Ngoài ra đậu xanh còn có tác dụng dưỡng can, thanh nhiệt, giải độc, làm sáng mắt, tiêu phù thũng.
Lá dong: Ngoài tác dụng làm khuôn giữ ruột bánh, tạo hình dáng, tạo mùi thơm đặc biệt sau khi luộc bánh chưng, tạo màu xanh bên ngoài tượng trưng cho sự sống trên trái đất, bánh chưng còn có tác dụng giải rượu, chữa say rượu, giải độc. Bánh chưng gói bằng lá chuối, lá dứa hoặc các loại lá khác không có tác dụng này.
Theo y học cổ truyền, mỗi thành phần của bánh chưng là một vị thuốc.
2. Canh măng, món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ Tết
Nồi canh măng khô nấu cùng chân giò và sườn là một món ăn không thể thiếu của người dân miền Bắc và của người Hà Nội mỗi dịp Tết đến xuân về. Đó cũng là một nét văn hóa thể hiện truyền thống của người Việt từ xa xưa với thói quen ăn những món có nguồn gốc từ thiên nhiên như măng, khoai… Bát canh măng trong mâm cỗ Tết không cầu kì về nguyên liệu chỉ có sự kết hợp của măng khô và chân giò cùng với sườn nhưng lại đặc biệt thơm ngon và đòi hỏi người chế biến nhiều công phu, tỉ mỉ.
Măng khô được ngâm kĩ trong nước, đến khi măng mềm và trắng thì đem luộc với nước (chừng 2 - 3 lần) rồi rửa sạch. Măng đã luộc này có thể cất trong vài ngày, mỗi lần dùng chỉ cần rửa lại và cắt thành miếng vuông hoặc xé nhỏ, tùy theo loại măng, khẩu vị và thói quen từng gia đình. Bát canh măng là sự kết hợp hoàn hảo giữa vị thơm của măng và béo ngậy của chân giò được ninh kỹ. Khi thưởng thức, măng phải mềm, giòn mà vẫn không mất đi mùi vị đặc trưng.
Bát canh măng đòi hỏi người chế biến nhiều công phu, tỉ mỉ.
3. Dưa hành muối
Dưa hành muối là một món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người Việt Nam. Dưa hành thường được sử dụng như một đồ ăn kèm với bánh chưng hoặc với các loại thịt nhiều mỡ như thịt đông, thịt kho Tàu… giúp gia tăng hương vị của món ăn. Chứa nhiều các lợi khuẩn probiotic, dưa hành muối có thể tăng cường lợi khuẩn cho các bữa ăn, giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn. Hành là loại củ có tính chất cay nóng và ấm. Ăn hành muối sẽ giúp làm ấm cơ thể trong mùa đông.
Bên cạnh cung cấp lợi khuẩn, dưa hành muối còn có tác dụng chống lại các gốc tự do, ngăn chặn các chất chống ôxy hoá. Tác dụng này có khả năng bảo vệ các tế bào trong cơ thể, ngăn ngừa bệnh tim mạch, ung thư và lão hóa trong cơ thể.
Dù có nhiều công dụng tốt cho sức khoẻ, tuy nhiên người bình thường không nên ăn quá 3 lần một tuần vì tính chất cay, nóng của hành sẽ có thể làm cho bạn bị ngứa.
Là thực phẩm lên men và có nhiều muối, người bị bệnh dạ dày, có bệnh về đường tiêu hóa, người bệnh tim mạch, gan hay huyết áp… nên hạn chế món ăn "khoái khẩu" này.
Hành muối kích thích tiêu hóa, tốt cho sức khỏe trong ngày Tết.
4. Thịt đông
Thịt đông được làm từ thịt lợn, đôi khi được sử dụng thêm cả gà và một mảng bì lợn. Tất cả sau đó đều được ninh nhừ. Sau khi nấu xong nồi thịt được lấy ra khỏi bếp, múc ra từng bát nhỏ rồi cất vào ngăn mát tủ lạnh. Phần thịt trong như thạch thể hiện sự thuận lợi, suôn sẻ trong cả một năm. Sự hòa quyện, gắn kết giữa các thành phần của món ăn như một lời chúc may mắn dành cho tất cả các thành viên trong gia đình.
BS. Lê Quang Hào, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, thịt đông bảo quản được lâu hơn các thực phẩm khác. Song thịt đông nhiều chất đạm và béo khiến người ăn dễ ngán, tăng cân, béo phì vì những nguyên liệu để chế biến thịt đông có chứa nhiều cholesterol xấu.
Theo BS. Lê Quang Hào, thịt đông chứa chất keo gelatin tốt cho sức khỏe, làm đẹp da. Nhưng trong thịt còn có nhiều mỡ trắng, không tốt cho những người máu nhiễm mỡ, rối loạn chuyển hóa. Trẻ em ít vận động ăn nhiều thịt đông cũng có nguy cơ cao béo phì, tăng cân.
Để giảm độ béo, nên ăn thịt đông với dưa chua, dưa hành, dưa cải muối giúp cơ thể tiêu hóa dễ dàng hơn. Ăn kèm thêm những loại rau xanh để tăng cường vitamin cho cơ thể, hạn chế lượng đạm vào cơ thể.
Ngoài ra, thịt đông phải được bảo quản cẩn thận trong ngăn mát tủ lạnh. Mỗi lần ăn, nên lấy ra lượng vừa đủ và ăn hết, tránh ôi thiu gây ngộ độc. Lưu ý chỉ bảo quản thịt đông trong ngăn mát không quá 5-7 ngày.
Ăn kèm thịt đông với các loại rau xanh để tăng cường vitamin cho cơ thể.
5. Xôi gấc
Trong mâm cỗ ngày Tết, không thể thiếu đĩa xôi nếp dẻo nóng, ngọt bùi. Với mong muốn một năm nhiều may mắn, các gia đình thường lựa chọn xôi gấc để dâng lên mâm cúng ông bà Tổ tiên, trời đất.
Nấu xôi gấc là cả một nghệ thuật từ khâu chọn gấc, chọn gạo nếp cho đến hấp gạo cho thơm ngon. Xôi sau khi nấu phải có màu đỏ đặc trưng của quả, hương vị ngọt bùi và gạo chín đều mềm dẻo khi ăn.
Hơn nữa, xôi gấc không chỉ có tác dụng cung cấp năng lượng cho cơ thể mà còn có tác dụng làm đẹp và giúp cơ thể chống lại một số bệnh thường gặp. Ăn xôi gấc giúp cải thiện thị lực, hỗ trợ tiêu hóa, ổn định thần kinh…
Nguồn: [Link nguồn]
Hướng dẫn chặt gà nguyên con theo phong cách của các đầu bếp Trung Quốc, bày ra đĩa cực đẹp mắt.