Ý nghĩa 5 màu trong xôi ngũ sắc của người Dao
Mỗi khi Đông về lòng tôi lại xốn xang nhớ chén rượu mùa cơm mới, nhớ vị thơm lừng của xôi ngũ sắc, nhớ bàn tay khéo léo của những em gái người Dao.
Thủa nhỏ, nhà tôi sống ở miệt sơn cước miền Đông Bắc địa đầu Tổ quốc, nơi cộng đồng những người Dao Thanh Y, Dao Thanh Phán sinh sống từ ngàn đời. Nơi có những buổi chợ phiên đặc sắc, có em gái người Dao xúng xính trong trang phục sặc sỡ xuống phố mỗi sớm cuối tuần, có mùa cơm mới rộn rã đón đông về, có xôi ngũ sắc ăn một lần mà nhớ mãi.
Người Dao quê tôi trong năm có ba ngày lễ sẽ làm cỗ mời bạn bè họ hàng làng xóm đến cùng chung vui: Ngày mùng 3/3, mùng 7/7 và mùng 10/10. Ngày 3/3 và 7/7 cũng tương ứng với ngày tiết Thanh minh và Rằm tháng Bảy của người đồng bằng. Còn 10.10 là ngày cơm mới khi vụ mùa vừa kết thúc, thóc lúa đã phơi phong xong hết, làm cơm để mời ông bà tổ tiên về báo vụ mùa năm vừa qua, báo cáo trời đất về mùa màng năm cũ, đồng thời mời tiên tổ về ăn bát cơm thưởng thức hạt gạo đầu mùa và cầu trời trời đất thái bình mưa gió thuận hòa để mùa mang bội thu.
Mâm xôi ngũ sắc (Ảnh minh hoạ, nguồn Internet)
Trong ba ngày này người Dao quê tôi sẽ đồ xôi ngũ sắc với đủ năm màu: Trắng, đen, vàng, xanh và đỏ. Mỗi màu xôi sẽ được nhuộm từ cỏ cây của đồng rừng. Màu trắng là màu nguyên của hạt gạo nếp nương, trắng ngà dẻo thơm. Màu đỏ được tạo ra từ cây cơm lông, màu đen của cây sau sau, màu xanh của lá gừng và màu vàng của nghệ. Những lá cây này mang về được rửa sạch, giã nhỏ chắt lấy nước, rồi ngâm gạo qua một đêm cho thấm màu. Người Dao có chõ đồ xôi ngũ sắc riêng, trong chõ có năm vách ngăn năm màu, sau khi ngâm gạo chỉ việc đổ năm màu vào năm vách tương ứng rồi bắc lên bếp đồ.
Khi lấy xôi trong nồi, xếp ra đĩa cũng cần tuân theo quy tắc nhất định. Trong đĩa xôi ngũ sắc màu trắng sẽ đặt ở giữa tượng trưng cho sự hội tụ tinh túy của trời đất. Bốn màu sẽ đặt xung quanh tượng trưng cho bốn phương của trời đất, bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông trong năm. Đĩa xôi ngũ sắc tượng trưng cho ngũ hành trong trời đất. Đĩa xôi ngũ sắc cũng tượng trưng cho ngũ hành trong thiên hạ. Họ quan niệm đỏ là hỏa, đen là thủy, trắng là kim, vàng là thổ, xanh là mộc.
Mỗi loại xôi mang một ý nghĩa riêng và có hương vị đặc trưng. Màu trắng có vị thơm dẻo nguyên chất của hạt gạo nương, tượng trưng cho sự tinh khiết của đất trời, của hạt sương sớm mai trên núi. Màu đen có vị đậm đà của cây sau sau, biểu trưng cho những khó khăn hạn hán, mất mùa, những vất vả nhọc nhằn của người làm lên bông lúa giữa chênh vênh núi đồi. Màu xanh có vị thanh mát của lá gừng, mang niềm hy vọng và cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, cho mùa màng bội thu. Màu đỏ có vị dịu, thơm của lá cơm nông, tượng trưng bếp lửa hồng của người rẻo cao với ước mong hạnh phúc gia đình mãi quây quần bên nhau. Màu vàng có vị đắng dịu của nghệ và có thơm rất lâu, mang khát vọng no đủ ngàn đời cho con cháu không bao giờ thiếu ăn, thiếu mặc.
Mỗi đĩa xôi ngũ sắc mời khách là cả tấm lòng mến khách chân thành chứa đựng biết bao giọt mồ hôi và công sức của chủ nhà, nó còn là những ước mơ về hạnh phúc, khát vọng ngàn đời no đủ, mong ước mưa thuận gió hòa để mùa màng tốt tươi.
Thưởng thức mỗi đĩa xôi của người Dao ở Quảng Ninh quê tôi để cảm nhận cái tình nồng ấm của người đồng rừng, cảm nhận sự vất vả của người làm ra bông lúa để trân trọng sự no đủ cuộc sống.