Xì xụp cháo thập cẩm

Ăn một thìa cháo thấy toàn thân ấm lạ. Vị cháo thật đậm đà, hợp với sở thích.

Tôi nhớ đã đọc ở đâu đó thông tin, khi con người ta phát minh ra đồng hồ, từ đồng hồ đo bằng bóng nắng của mặt trời, đến đồng hồ cát, rồi đồng hồ cơ khí vặn dây cót, đồng hồ quả lắc và cuối cùng là đồng hồ điện tử, thì được coi như tuyệt đỉnh của phát minh về đồng hồ, không còn gì để phát minh về thứ đồ dùng này nữa; không rõ nói như thế đã chính xác chưa.

Nhân đó mà bỗng liên tưởng đến chuyện cháo lão, từ cháo nấu dùng để uống thay nước hàng ngày, đến cháo trắng ăn kèm, cháo muối, cháo đường, rồi cháo gà, cháo chim bồ câu, cháo chân giò, cháo ngán, cháo cá v.v.. và v.v... và đến món cháo thập cẩm thì tưởng như nó cũng đã đến tuyệt đỉnh của sự chế biến món ăn này.

Mãi chỉ mới cách đây ít năm, chắc chưa đến chục năm, tôi mới thấy có cháo thập cẩm bán, là món quà sáng, thậm chí lân sang tới trưa, khách ăn rất đông.

Số là, nhớ lần ấy ra Móng Cái công tác; buổi tối chén chú chén anh với khổ chủ, với bạn bè, nhiều quá, không ăn, sáng tỉnh ra mới thấy xót ruột, mới bảo khổ chủ sáng nay giá kiếm được thức gì ăn vào cho man mát, dễ ăn, lại có “chút ngũ cốc” thì tốt, “vì bụng mình đang nóng và xót quá!”. Nghe thế, khổ chủ bảo, thế thì đi ăn cháo thập cẩm, “có một quán do người Trung Quốc nấu, ở gần chợ”. Tôi nhớ tôi đã thốt lên: Cháo thập cẩm ư? Lạ nhỉ! Chưa biết thứ cháo đó như thế nào. Hay đấy! Đi! Không biết có ngon không. Nhưng đang háo do rượu thế này có cháo, cứ cháo là được.

Xì xụp cháo thập cẩm - 1

Rau cải xanh và tôm rất thích hợp để nấu cháo thập cẩm.

Chúng tôi ra, thấy quán rất đông khách, phải ngồi chờ đến lượt. Mới thấy một người đầu bếp Trung Quốc tay đang vung lên hạ xuống, múc múc đổ đổ thứ gì đó bên cạnh một cái thùng tô nô dễ đựng được tới cả trăm lít nước, tò mò ghé xem. Thì ra ông ta đang nấu cháo. Thứ cháo trắng loãng. Ông ta đang dùng muôi lớn khuấy múc đổ cháo, liên tục, chắc để cho cháo chóng nhuyễn và không bị bén nồi. Đang đứng xem, thì khổ chủ gọi vào ăn. Mỗi người vẫn phải dùng ly rượu, ực hết khi khổ chủ bảo, hôm qua uống say, hôm nay nên uống thêm một chút, để cho lại rượu, sẽ hết say.

Trước mặt tôi là một bát cháo to, đầy đặn, loại bát bằng sứ làm lớn như cái chậu nhỏ. Tôi thoáng nghĩ, bát cháo lớn như thế này khó chắc ăn hết. Người Tàu cũng lạ, ăn cũng thường ăn nhiều. Tôi dùng thìa khẽ khoắng, thấy bát cháo nổi lên rau cải xanh, rồi lòng lợn non, tôm nhỏ để cả con còn nguyên râu, bông thùa, lá lách lợn, gan lợn... chắc còn vài thứ nữa tôi không nhớ hết. Không thấy có hành. Ô! Cháo thập cẩm đây ư? Tôi thử húp. Cháo rất nóng, vừa thổi vừa húp, hết một thìa, bỗng thấy toàn thân ấm lạ. Vị cháo thật đậm đà, hợp với sở thích.

Tôi hào hứng ăn, bắt chước khổ chủ, lúc thì múc kèm tôm, khi thì kèm cọng cải, nọ là miếng lòng non, rồi bông thùa, lá lách... Tôi ăn hăng hái, nhai húp xuỵt xoạt, một lúc sau mồ hôi vã ra đầy mình. Không ngờ bát cháo to thế, tưởng lúc đầu khó mà ăn hết, giờ thì nó đã trống trơn. Hả hê. Ngẩng lên, nhìn xung quanh, thấy mọi người thảy đều đang say sưa nhai húp.

Khổ chủ nhìn tôi mặt ròng ròng mồ hôi, mắt long lanh, mới hỏi “thấy thế nào?”. “Tuyệt! Cháo rất ngon, rất dễ ăn, rất hợp sau uống rượu. Ăn xong có cảm giác no đủ”. Khổ chủ bảo, đấy, cháo thập cẩm là thế đấy, chẳng thấy đâu có, nay lại thấy người Trung Quốc bán.

Xem người Trung Quốc khuấy đảo cháo trắng, nay bát cháo có nhiều thứ cho vào, tôi đồ rằng những thức kia đã được làm chín sắn, nêm vừa ăn, để riêng, sau đó mới cho mỗi thứ một ít vào bát cháo rồi khuấy đều lên. Có thế, những tôm, những bông thùa kia mới không gây tanh.

Về nhà, tôi bảo vợ tôi làm thử buổi sáng hôm ấy, cũng sau một cuộc nhậu bí tỷ tối hôm trước, thì thấy chắc là vậy. Vì ăn thấy không khác cháo ở quán mấy. Lại nữa, hôm trước nàng mua mít, ăn để lại một mớ hột, nàng lột vỏ, bỏ vào nấu lẫn cháo. Thảo nào, khi ăn, thỉnh thoảng lại vớ được hạt mít, nhai bùi bùi. Rất khoái.

Đến đây thì rõ ràng là, cháo thập cẩm, nếu thế, có thể cho vào nhiều thứ, miễn là các thứ đó tương đối hợp với nhau, quện vào nhau. Nhưng, chắc rồi, không thể cho quá nhiều, bởi cháo nhất thiết phải còn là... cháo, không thể đánh mất âm hưởng chủ đạo của nó...

Còn không, thì đây có phải là chảo thập cẩm không? Số là, bây giờ đang rộ lên một cách thức ăn lẩu. Đó là dùng cháo loãng thay nước lẩu. Tôi đã ăn lẩu cháo chim, lẩu cháo cá ở Hà Nội. Thấy nước cháo làm lẩu, gạo đã được rang, hình như là tấm rang thì đúng hơn, trước khi nấu, nên thấy hơi sậm màu và đã được nêm vừa mắm muối. Chim thì người ta đã làm chín tới trước, nhúng vào cháo một lúc là ăn được. Trong khi cải xanh, hay cá, tôm, lòng lợn, tim, gan, lá lách, thậm chí bông thùa (nếu có) v.v. còn để tươi nguyên, nhúng chín đến đâu vớt ra ăn liền đến đó. Chút nước cháo còn đọng lại trong bát thì húp.

Ăn lẩu cháo khá vào rượu và không phải ăn thêm mỳ tôm hay bánh đa. Vì đã đủ chất bột. Còn như bạn bảo đó chẳng khác chi cháo thập cẩm, thì tùy...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Giang Nam (Quảng Ninh Online)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN