Vì sao vua triều Nguyễn chỉ dùng cơm bằng đũa làm từ gỗ cây Kim Giao?

Từ xa xưa, vua chúa các nước đã có quy trình chặt chẽ nhằm đảm bảo an toàn khi ăn uống các món sơn hào hải vị. Còn để đề phòng bị đầu độc trong thức ăn, vua triều Nguyễn dùng đũa Kim Giao để ăn.

Tại Việt Nam, theo các ghi chép lịch sử, các ông vua Triều Nguyễn có những quy định chi tiết về việc chuẩn bị và phục vụ món ăn ngon, bổ dưỡng và đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Cụ thể, nhà Nguyễn thành lập các sở là Lý Thiện và Thượng Thiện để phục vụ bữa ăn cho nhà vua. Trước đó, thời các đời chúa Nguyễn thì đội lo việc nấu ăn cho chúa gọi là đội Nội Trù hoặc Tư Thiện. Vào năm 1820, vua Minh Mạng cho lập đội Thượng Thiện trực thuộc cấm binh và xây dựng sở Thượng Thiện ở gần Thái Y viện.

Nhân viên đội Thượng Thiện có khoảng 50 người, đều là người tuyển từ làng Phước Yên. Phước Yên vốn là ngôi làng nơi Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên từng đóng phủ chính. Theo Đại Nam hội điển sự lệ, quy định nhiệm vụ của đội Thượng thiện là "Phàm hằng ngày tiến các thứ ngọc thực mỹ vị đều chuẩn bị theo đúng cách thức nấu món ăn mà làm... Phàm thứ gạo quý nào dành cho vua dùng thì chiếu cho Bộ Hộ chuyển tiến, mỗi tháng 3 lần, phải lính cẩn kiểm tra cho đủ.

Mô phỏng một mâm cơm ngự thiện của vua Nguyễn. Ảnh: Vietnamnet.

Mô phỏng một mâm cơm ngự thiện của vua Nguyễn. Ảnh: Vietnamnet.

Đến như nước lã dùng hằng ngày cung tiến vào trong cung ngự do chức chuyên tu lo việc ấy cung nạp, phải lính cẩn coi xét, gạn lọc cho đúng phép. Về phần hộ kiếm cá, hàng ngày kiếm cá tươi; hộ kiếm củi hàng ngày cung củi đóm, đều chiếu số đăng ký cho đủ dâng dùng. Khi nấu món ăn cốt phải mười phần tinh sạch... Đến như sở Thượng thiện có đủ lệ cấm giới, những nhân viên không có bổn phận thì không được ra vào..."

Để đảm bảo an toàn thực phẩm cho thiên tử, nhân viên đội Thượng thiện phải chịu những hình phạt nghiêm khắc khi để xảy ra sự cố dù nhỏ: "Nếu làm cơm cho vua lầm thức ăn gì phải kiêng thì người làm bếp phải bị phạt đánh 100 trượng; Những thực phẩm làm không sạch sẽ phải bị phạt đánh 60 trượng". Thực phẩm không sạch sẽ đơn giản chỉ như là có 1 sợi tóc hay một hạt sạn...

Ngoài ra, sự sạch sẽ và cầu kỳ còn thể hiện ở việc ngay nước lã dùng để nấu ăn và pha trà cho vua cũng phải lấy ở nơi có gốc gác xuất xứ. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân thì nước dùng nấu cơm hoặc pha trà cho vua phải lấy từ giếng Hàm Long dưới chân đồi chùa Báo Quốc. Có khi phải chèo đò về Phú Lộc lấy nước Cam Lồ chùa Túy Vân hoặc lên lấy nước tận thượng nguồn sông Hương.

Để đề phòng bị đầu độc trong thức ăn, vua chúa dùng đũa Kim Giao để ăn. Vua chúa triều Nguyễn dùng đũa vót bằng gỗ cây Kim Giao lấy từ núi Bạch Mã. Đặc điểm của đũa Kim Giao là nhẹ, có màu trắng ngà và khi tiếp xúc với chất độc thì đũa sẽ đổi thành màu thâm đen. 

Tiệc hiện đại theo phong cách hoàng đế.

Tiệc hiện đại theo phong cách hoàng đế.

Không riêng vua chúa Việt Nam, các hoàng đế Trung Quốc thời xưa cũng có những quy định chặt chẽ trong việc chuẩn bị thực phẩm sạch để chế biến và an toàn trong thưởng thức món ăn.

Các món ăn dâng lên vua chúa Trung Quốc thời xưa đều phải thông qua quy trình kiểm tra, nấu nướng chặt chẽ.

Theo sử sách, những thực phẩm cung cấp cho hoàng cung đều phải có nguồn gốc rõ ràng và được kiểm tra cẩn thận. Thông thường, các thực phẩm dùng để chế biến món ăn dâng lên vua chúa cho nhà vua đến từ đặc sản các vùng miền dâng lên, hoàng cung tự sản xuất các loại thực phẩm và một số nguyên liệu thu mua tại các nơi.

Để tránh trường hợp hoàng đế Trung Quốc bị hạ độc trong các món ăn, một thái giám sẽ chịu trách nhiệm thử các món ăn dâng lên vua để xem chúng có độc hay không. Việc làm này được gọi là "Thường thiện".

Thêm nữa, hoàng cung Trung Quốc sử dụng đồ ăn bằng bạc như bát, đũa để thử xem có thuốc độc bên trong hay không. Nguyên do là vì khi tiếp xúc với chất độc, bạc sẽ chuyển từ màu trắng sang màu đen.

Mỗi món ăn dâng lên vua chúa dùng đều có tấm biển nhỏ để cạnh ghi rõ tên đầu bếp làm ra. Điều này giúp các bậc vua chúa dễ dàng biết được ai là người nấu món nào và nếu xảy ra sự cố thì sẽ nhanh chóng bắt tìm ra hung thủ.

Đặc biệt các hoàng đế Thanh triều chỉ dùng 2 bữa/ngày, bữa thứ nhất khoảng 6 – 8h sáng, bữa thứ hai 12 – 14h chiều. Dù có thích món nào đó cũng không được biểu lộ ra và phải tuân thủ nguyên tắc "một món không quá ba thìa" để tránh bị hạ độc.

Mỗi bữa ăn của các Hoàng đế Trung Hoa thường có rất nhiều món (Ảnh minh họa).

Mỗi bữa ăn của các Hoàng đế Trung Hoa thường có rất nhiều món (Ảnh minh họa).

Dụng cụ ăn uống của vua cũng chủ yếu làm từ vàng, bạc và đồ gốm hảo hạng. Riêng đồ dùng của vua Càn Long hầu hết đều bằng từ bạc. Người xưa thường hạ độc bằng thạch tín (asen), nếu đồ ăn có chứa thứ này thì bạc sẽ biến thành màu đen. Vì thế khi dâng món ăn lên vua lúc nào cũng phải kèm theo một thanh bạc. Trước sự chứng kiến của vua, thái giám sẽ dùng thanh bạc để thử độc trong đồ ăn. Sau khi vua ngự xong, mỗi món sẽ được lưu lại một ít ở Ngự thiện phòng để lỡ có chuyện thì dễ dàng kiểm tra, đối chiếu.

Tiến sĩ Trần Hồng Côn, Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho biết: từ xa xưa, giới khoa học đã biết đến tính năng của bạc như một kim loại có tác dụng diệt khuẩn rất tốt.

Chính vì thế, bạc được sử dụng trong chế tác bát, đĩa, dĩa, thìa, đũa cho vua chúa. Khi gặp phải hóa chất độc hại như sunfua, lưu huỳnh… bạc biến màu lập tức và giúp người phát hiện ra chất độc. Như vậy tác dụng dễ thấy của bạc là giúp nhận biết một số loại chất độc trong thức ăn.

Sở dĩ sự biến màu đó xảy ra là quá trình xúc tác hóa học diễn ra chỉ có kim loại bạc mới phản ứng nhanh được. Bạc bị sạm đen có thể do yếu tố môi trường có hóa chất như chất tẩy rửa nhà vệ sinh, nước lau nhà, mồ hôi người… Khi gặp phải hóa chất độc hại như sunfua, lưu huỳnh… bạc biến màu lập tức và giúp người phát hiện ra chất độc

Do đó nhờ vào nguyên lý này mà những trang sức bạc như những chiếc kim hay trâm thử độc được sử dụng rất phổ biến trong việc bảo vệ sức khỏe của vua chúa cũng như giới quan lại, hoàng tộc. Trang sức bạc cũng được sử dụng rộng rãi nhằm bảo vệ cơ thể.

Ngày nay do công cuộc sản xuất thạch tín trở nên hiện đại nên việc lẫn tạp chất lưu huỳnh là rất ít nên các kim bạc rất khó phát hiện, bên cạnh đó có những chất vốn không độc nhưng trong thành phần lại chứa rất nhiều lưu huỳnh hoặc ngược lại những chất rất độc như cỏ độc, axit nitric, bả chuột,… nhưng lại không chứa lưu huỳnh. Do đó việc dùng bạc để thử độc chỉ mang tính chất tương đối.

Nguồn: [Link nguồn]

Khiếp đảm với những món ăn kinh dị thể hiện uy quyền của Từ Hy Thái Hậu

Nổi tiếng là người đàn bà luôn khát khao và thể hiện quyền lực, những món ăn của Từ Hy Thái Hậu cũng khiến mọi người...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Nghi ([Tên nguồn])
Ẩm thực, nhà hàng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN