Vì sao giã cua đồng lại cho muối?
Thêm chút muối khi giã cua đồng nấu canh là kinh nghiệm dân gian, xét dưới góc độ khoa học việc này có nhiều điều thú vị.
Theo nhiều nghiên cứu, trong cua đồng chứa nhiều canxi, protein và nhiều khoáng chất. Protein trong cua đồng thuộc loại tốt với các loại axit amin cần thiết như lysine, methionine, valine, leucin, isoleucine, phenylalanine... cung cấp chất đạm quan trọng trong bữa ăn hàng ngày.
Kinh nghiệm dân gian thêm chút muối khi giã cua. Ảnh: Bùi Thủy
Protein là chất lưỡng cực, khi môi trường thay đổi dễ bị biến đổi tính chất lý hóa làm cấu trúc bị phá vỡ. Vì thế khi giã cua nên cho chút muối hạt giúp khi nấu biến đổi hằng số điện môi của môi trường làm biến đổi các lực hút tĩnh điện làm bền phân tử protein, giúp chúng dễ dàng liên kết (đông tụ) nổi thành tảng riêu thịt đẹp mắt và nhiều hơn. Đây là lý do khi quết thịt hay làm giò sống, người ta thường cho muối giúp thịt sẽ dẻo mịn và kết dính tốt hơn.
Muối cũng giúp giữ vị bùi béo của riêu (thịt) cua. Trong cuốn ''Mặn béo chua nóng'', tác giả Alice Waters - siêu đầu bếp và là giáo viên ẩm thực nổi tiếng người Mỹ cho biết đặc tính của muối sẽ hòa tan các chuỗi protein thành dung dịch keo đặc giúp hấp thụ và giữ nước tốt hơn. Bởi protein dễ bị biến tính khi gặp nhiệt độ, các sợi xoắn co chặt lại, vắt kiệt các phân tử nước ra khỏi khuôn cấu trúc làm món ăn bị khô xác. Thêm muối chính là phá vỡ các sợi xoắn đó, giữ độ ẩm và cấu trúc cho protein.
Thêm vào đó, muối cũng giúp phá vỡ các enzyme và làm hư hại ADN của vi khuẩn, vì thế ngăn ngừa sự phát triển của chúng. Cua vốn sống ở bờ ruộng, kênh rạch nên có thể chứa nhiều vi khuẩn có hại. Thêm muối vào khi giã cũng giúp diệt khuẩn đảm bảo cho món ăn có độ tươi ngon và tránh bị thiu vào mùa hè oi bức.
Cách nấu canh riêu ngon
Chọn cua đồng tươi ngon. Ảnh: Bùi Thủy
Sơ chế: Cua mua về cho vào chậu thành cao xóc nước mạnh rửa sạch rồi bóc mai, tách yếm, khều gạch vàng để riêng. Phần thân cua rửa sạch lại, để ráo nước.
Muối giúp protein kết dính nổi tảng khi nấu. Ảnh: Bùi Thủy
Giã cua: Cho cua cùng chút muối hạt vào cối và giã đều tay cho tới khi thành hỗn hợp nhuyễn, dẻo dính. Giã tay là cách truyền thống sẽ lấy được nhiều riêu (thịt) hơn so với xay máy sẵn, hơn nữa khi nấu riêu vàng thơm hơn.
Nấu canh lửa nhỏ, khuấy nhẹ tay. Ảnh: Bùi Thủy
Cách nấu riêu đóng tảng: Cho nước thịt cua lên bếp, thêm chút muối hạt rồi bật bếp đun ở lửa vừa, khuấy nhẹ đều theo một chiều để không bén đáy. Khi riêu (thịt) cua nổi lên, tách nước dần trong thì hạ lửa nhỏ, dừng khuấy. Theo kinh nghiệm của người nội trợ có kinh nghiệm, đặt thêm muôi sắt trong nồi sẽ giúp riêu kết tảng nhanh hơn. Đẩy phần riêu cua sang một bên hoặc múc riêng ra bát.
Chưng gạch cua: Phi thơm hành khô thái mỏng, đổ gạch cua vào chưng vàng thơm rồi trút vào riêu cua tăng thêm vị bùi béo và màu vàng đẹp mắt.
Canh cua mồng tơi là món quốc dân ngày hè. Ảnh: Bùi Thủy
Chuẩn bị rau: Tùy theo khẩu vị mà nấu canh khác nhau. Phổ biến nhất là canh cua nấu cùng mồng tơi, mướp hương và rau đay. Ngoài ra có thể nấu với rau tập tàng, hoa thiên lý. Người Hà Nội xưa nấu canh riêu với khoai sọ, rau rút, rau muống và canh riêu với cà chua ăn cùng đậu rán khá đưa vị.
Một bát canh cua đạt chuẩn là thịt cua đóng tảng đẹp mắt, gạch vàng ươm dậy mùi thơm, rau xanh mềm, nước canh thanh ngọt tự nhiên. Món này ăn kèm cà pháo, thịt rang cháy cạnh luôn là thực đơn hấp dẫn ngày hè oi bức.
Nguồn: [Link nguồn]
Tuyệt đối không chế biến cua đồng đã chết, tuyệt đối không ăn gỏi cua hay uống nước cua sống và tuyệt đối không ăn cà muối trong thùng sơn, đồ nhựa...