Về Hà Tiên - Kiên Giang ăn sò huyết

Sự kiện: Món ngon mỗi ngày

Sò huyết là loại nhuyễn thể hai mảnh, sống ở vùng trung triều ven biển và các đầm phá,... ở độ sâu một, hai thước so với mặt nước. Thức ăn quan trọng của chúng là các mảnh vụn hữu cơ, thực vật phù du và tảo đơn bào.

Sò huyết phân bố ở vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương từ đông châu Phi đến Úc, Nhật Bản.

Ở nước ta, sò huyết xuất hiện nhiều nhất ở Phú Yên, Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bến Tre, đặc biệt là vùng biển Hà Tiên, Kiên Giang. Dân gian ở đây thường truyền nhau rằng: chưa ăn sò huyết, chưa tới Hà Tiên... 

Về Hà Tiên - Kiên Giang ăn sò huyết - 1

Sò huyết

Đợi khi thủy triều xuống, người ta mang thúng lội bùn bắt sò. Khi chân đạp trúng thì liền thò tay xuống bắt bỏ vào thúng. Có người thì dùng cào để tìm sò cho nhanh, mà có khi còn được nhiều hơn. Sò bắt về, phải ngâm trong nước lạnh vài tiếng đồng hồ để sò nhả sạch bùn đất. Sau đó, dùng bàn chải cứng chà rửa sạch bên ngoài vỏ. 

Dân gian vùng Hà Tiên – Rạch Giá có nhiều cách chế biến sò huyết vừa ngon miệng vừa bổ dưỡng. Để giữ được nguyên chất ngọt của con vật này, người ta chà rửa cho vỏ sò thật sạch, để ráo nước rồi đổ ra tô. Nấu nước thật sôi chế vào cho ngập. Sò vừa hé miệng đỏ tươi. Từng miếng chanh đã cắt sẵm vắt qua miệng sò. Dùng đũa cạy sò ra chấm với muối tiêu chanh, hay nước mắm ngon nguyên chất với vài lát ớt hiểm. Dân gian gọi món ăn này là sò trụng nước sôi hay sò tái chanh. Món ăn giữ được nét nguyên thủy, hoang sơ đậm mùi mặn mòi của vùng quê ven biển.

Về Hà Tiên - Kiên Giang ăn sò huyết - 2

Sò huyết tái chanh

Cũng với những con sò đã rửa sạch ấy, người ta làm món sò huyết rang me. Đây là sự phối ngẫu tuyệt vời giữa vị ngon ngọt của sò với vị chua thanh của me, khiến món ăn trở nên cực kỳ hấp dẫn. Món này chế biến cũng đơn giản, nhưng để thật ngon cần có bàn tay khéo léo của người nấu ăn và khả năng tăng giảm gia vị sao cho độ ngọt chua, mặn, cay hài hòa.

Về Hà Tiên - Kiên Giang ăn sò huyết - 3

Sò huyết rang me 

Trước hết, người ta bắc chảo dầu cho thật nóng, đổ sò nhanh vào, chao nhanh qua cho sò há miệng rồi trút ra. Me chín đem dầm với nước nóng, bỏ hột. Tiếp tục bắc chảo nóng, cho dầu ăn, tỏi bằm nhuyễn vào xào cho vàng thơm rồi cho nước me, nước mắm, bột ngọt, đường, tiêu, tương cà, sa tế vào, quậy đều để tan gia vị. Nếm chua, ngọt, cay sao cho vừa ăn mới cho sò ào chảo trở lại đảo đều là được. Sò huyết rang me cũng chấm với muối tiêu chanh cùng ít cọng rau răm cho đậm đà.

Sò huyết nấu cháo cũng là món ăn rất bổ dưỡng, đặc biệt có ích cho người bệnh mới khỏe hay người lao lực nhiều, cơ thể bị suy kiệt.

Đầu tiên người ta chọn gạo lúa mùa loại ngon, vo sạch để thật ráo nước rồi bắc chảo lên rang vừa ngả màu vàng. Bắc nồi nước sôi trút gạo vô nấu cho nhừ. Có thể thêm ít nấm rơm đã làm sạch cắt làm hai, làm tư, … Cũng có người ninh thêm mấy khúc xương heo để nước cháo thêm ngọt, thêm bổ.

Về Hà Tiên - Kiên Giang ăn sò huyết - 4

Cháo sò huyết

Sò huyết luộc sơ qua nước sôi, dùng dao bén tách lấy thịt sò ra. Bắc chảo mỡ, phi tỏi cho thơm rồi để thịt sò vào xào. Nêm nếm đậm đà vừa ăn, sao cho độ mặn, ngọt, cay, … được hòa quyện. Xào sò xong lại cho sò vô nồi cháo đã nhừ. Cháo sôi, nêm lại lần nữa là được. Múc vào tô, rắc hành, rau mùi, hành phi, tiêu cho thơm ngon.

Cháo sò huyết quyến rũ người thưởng thức ở cái màu đỏ lạ của cháo – phần được gọi là huyết của loại hải sản này tiết ra; màu xanh của rau đắng, màu trắng của giá đậu xanh, hành lá và của phần thịt sò huyết đỏ thắm bên trong, kèm theo đó là một ít nước mắm ngon, thêm một ít ớt cay và lát chanh chua.

Tóm lại, sò huyết là loài hải sản có giá trị dinh dưỡng cao, bổ máu, được dân gian chế biến thành nhiều món ăn. Món nào cũng có tác dụng chữa bệnh tốt liên quan đến huyết áp, suy nhược cơ thể, …

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ([Tên nguồn])
Món ngon mỗi ngày Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN