Vắt chanh vào hàu sống, tôm sống để mong diệt vi khuẩn?
Chanh, ớt... khi vắt vào thực phẩm sống chỉ có tác dụng giảm vị tanh, tăng vị giác chứ không thể giết chết các vi sinh vật gây hại có trong món ăn
Khi ăn các món tái sống như hàu sống, tôm sống tái chanh, thịt bò tái... nhiều người trong chúng ta có thói quen vắt chanh, hoặc trộn chung với sốt chanh ớt để giảm bớt mùi tanh cũng như làm chín một phần món ăn.
Anh Bạch Dương (TP.HCM) cho biết, anh vẫn thường dùng nước cốt chanh và nhiều ớt để làm chín một phần món tôm sống.
"Với độ axit cao của chanh và ớt sẽ được chín tái một phần món tôm sống, cũng giảm bớt nỗi lo sán hoặc vi sinh vật có hại trong thực phẩm sống"- anh Dương nói.
Không chỉ anh Dương mà nhiều tín đồ ăn các thực phẩm sống cũng cho rằng, chanh, ớt hoặc wasabi với đặc tính cay cùng lượng axit cao sẽ khiến các ký sinh trùng và vi khuẩn có hại trong thực phẩm bị tiêu diệt một phần. Điều này giúp an toàn hơn khi ăn đồ sống.
Vắt chanh vào món ăn sống là thói quen của nhiều người nhằm giảm bớt mùi tanh và mong muốn loại bỏ vi khuẩn gây hại trong món ăn. Ảnh: HẠ QUYÊN
Axit trong chanh không đủ giết chết vi khuẩn gây hại
PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia an toàn thực phẩm cho rằng, quan niệm vắt chanh vào thực phẩm sống sẽ mong diệt được sán, hay vi khuẩn nhờ vào tính axit cao, là suy nghĩ sai lầm của nhiều người.
Vắt chanh vào thực phẩm sống có giúp món ăn sống trở nên an toàn khi thưởng thức?
Theo PGS Nguyễn Duy Thịnh, dù chanh, ớt, mù tạt… có tính kháng khuẩn cao nhờ hàm lượng axit citric nhưng chỉ có khả năng giúp giảm số lượng vi khuẩn trên bề mặt thực phẩm, không đủ mạnh để giết chết hoàn toàn vi khuẩn gây hại trong món ăn. Bởi thực tế, cách duy nhất có thể tiêu diệt ký sinh trùng là nấu chín thực phẩm.
ThS-BS Đặng Ngọc Hùng, Viện nghiên cứu và tư vấn dinh dưỡng cũng đồng quan điểm, khi cho rằng vắt chanh lên thực phẩm sống chỉ có tác dụng giảm mùi tanh của món ăn và tăng tiết nước bọt để chúng ta ăn thêm ngon miệng, chứ không có tác dụng làm chín thực phẩm.
“Khi vắt chanh vào các món ăn sống, người ta đem soi dưới kính hiển vi thì thấy sự tăng sinh của vi khuẩn có giảm đi nhưng không đủ ức chế để chống lại nguy cơ ngộ độc thực phẩm"- Ths BS Đặng Ngọc Hùng nói.
Có nên từ bỏ thói quen ăn thực phẩm sống?
Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên tắc an toàn thực phẩm là ăn chín uống sôi. Dù vậy, không thể phủ nhận các món ăn tươi sống cũng có một giá trị dinh dưỡng, và đồng thời là món ăn được nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc sử dụng.
Tuy nhiên ở các quốc gia này, thực phẩm sống dùng để ăn thường qua kiểm định gắt gao, và quy trình chế biến cũng khác biệt, chưa kể điều kiện thời tiết lạnh cũng khiến cho sự gia tăng của vi khuẩn hạn chế hơn. Chính vì thế, tùy thuộc vào nguồn nguyên liệu và cách chế biến mà thực phẩm sẽ có vai trò khác nhau trong ăn uống.
"Nếu muốn ăn thực phẩm sống, bạn cần lựa chọn nguồn thực phẩm sạch uy tín, có nguồn gốc và được chế biến an toàn. Thêm vào đó, những người có hệ miễn dịch yếu, dễ tổn thương, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn tuổi và phụ nữ có thai không nên ăn đồ sống.
Người tiêu dùng cũng cần hạn chế tiêu thụ các loại thủy hải sản sống ở tầng đáy như ốc móng tay, tu hài, ngao... vì các loại hải sản này rất dễ nhiễm ký sinh trùng, bao gồm cả sán"- PGS Thịnh lưu ý.
Ăn hàu sống với mù tạt có nguy cơ bị kích ứng niêm mạc mắt gây chảy nước mắt, gây nóng rát trong vòm họng và kích thích niêm mạc đường mũi.
Nguồn: [Link nguồn]