Từ thú vui của lãnh chúa, món bánh trung thu truyền thống của người Nhật ra đời
Món bánh trung thu của người Nhật rất đặc biệt, trải qua nhiều thay đổi, nó trở thành loại bánh có thể dễ dàng mua và tự làm quanh năm suốt tháng.
Tsukimi có nghĩa là ngắm trăng vào mùa thu, từ lâu đã trở thành một thú vui phổ biến của người Nhật. Theo truyền thống, đây là cách mà người Nhật bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với một vụ mùa bội thu, hy vọng có thể đạt được điều tương tự trong tương lai.
Theo lịch cổ của Nhật, trăng tròn sẽ xuất hiện vào đêm 15 mỗi tháng. Đêm đẹp nhất để ngắm trăng là ngày 15/8 âm lịch. Theo cách tính truyền thống của người Nhật, mùa thu kéo dài từ tháng 7 đến tháng 9, giữa mùa chính là đêm 15/8. Ngày này còn được gọi là trung thu, trăng tròn của đêm hôm đó được gọi là trăng trung thu.
Phong tục ngắm trăng vao ngày 15 mỗi tháng bắt đầu vào nhà Đường ở Trung Quốc (618 – 907), sau đó du nhập sang Nhật. Các lãnh chúa thời kỳ Nara (710 – 794) và Heian (794 – 1185) rất thích các buổi tiệc ngắm trăng, lúc đó họ sẽ chơi nhạc cụ và sáng tác thơ. Vào thời Edo (1603 – 1868), thú vui tsukimi trở thành một tập tục phổ biến trong cuộc sống của người dân bình thường. Nó còn gắn liền với truyền thống lễ hội mùa thu, liên quan đến việc tạ ơn các vị thần. Theo thời gian, tập tục này trở thành một nghi thức không thể thiếu trong đêm trung thu hằng năm.
Nơi mọi người tụ tập lại ngắm trăng có thể là trước hiên hoặc bên cạnh cửa sổ. Theo truyền thống, mâm cúng sẽ được trang trí với những lễ vật như bánh gạo dẻo, trái cây và các món bánh khác làm từ khoai môn cùng bình cỏ susuki. Một số nơi còn có cả trà đạo hoặc cắm hoa ikebana.
Những chiếc bánh tsukimi dango có hình tròn, tượng trưng cho mặt trăng tròn vào đêm 15. Theo truyền thống, sẽ có 15 chiếc bánh tsukimi dango xếp chồng hình tam giác lên một cái khay. Trong khi một số ít nơi khác sẽ sử dụng 12 cái bánh, tượng trưng cho 12 tháng. Ăn những chiếc bánh này sẽ được coi là điềm lành và hạnh phúc. Sau khi cúng xong, người ta sẽ đặt bánh bên ngoài hiên, nếu có trẻ con tự ý lấy sẽ được xem là điều may mắn.
Bên cạnh đó, khoai môn thường mọc nhiều chồi, người Nhật tin rằng nó tượng trưng cho một gia đình lớn, thịnh vượng. Bình cỏ susuki khoảng 5 đến 10 nhánh tượng trưng cho mùa màng bội thu, trông nó giống như những bó lúa. Ngoài ra, trong mâm cúng còn có sản phẩm theo mùa như đậu nành edamame, hạt dẻ, bí ngô.
Khác với những loại bánh trung thu của nhiều quốc gia, bánh trung thu Nhật hay còn gọi là bánh tsukimi dango giống với bánh mochi thông thường. Tuỳ theo từng vùng miền nó có thể là hình tròn, hình dẹt hoặc hình vuông.
Cách làm bánh tsukimi dango rất dễ, không khác nhiều so với bánh trôi nước Việt Nam, nó sử dụng bột Shiratamako và Joushinko, sau đó nhồi với với nước ấm và đường sao cho khối bột trở nên mịn và dẻo. Cuối cùng, người ta đem những viên bột này đi luộc, vớt ra để ráo rồi xếp chồng lên nhau.
Bánh cúng thường để nguyên bản sau khi luộc nhưng sau khi cúng xong, người ta sẽ đem nướng rồi phết với mật đường, bột đậu nành, uống cùng trà xanh và cùng nhau ngắm trăng trò chuyện.
Liệu bạn có dám nếm thử bánh Trung Thu vị bún ốc hay nhâm nhi một chiếc bánh nướng vị rau mùi không?
Nguồn: [Link nguồn]