Từ món ăn bị chê bai trong nhiều thập kỷ thành thực phẩm phổ biến nhất ở siêu thị
Ít ai biết được, đậu phụ từng là loại thực phẩm chẳng có người Mỹ nào quan tâm, nhưng bây giờ nó được bày bán rất nhiều trong siêu thị.
Đậu phụ là một loại thực phẩm không thể thiếu trong nền ẩm thực của châu Á. Thế nhưng, trước đây ở phương Tây, nó không được xem là loại thực phẩm thay thế thịt, mà đơn thuần chỉ là một nguồn protein thực vật.
Nguồn gốc đậu phụ tại Mỹ
Đậu phụ có từ hơn 2000 năm trước. Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc ra đời của đậu phụ, phổ biến nhất kể về một đầu bếp ở Trung Quốc vô tình làm ra nó bằng cách trộn sữa đậu nành với muối biển chưa tinh chế, khiến sữa đông lại.
Theo Trung tâm SoyInfo có trụ sở tại Mỹ, văn bản sớm nhất đề cập đến đậu phụ là ở triều đại nhà Tống, Trung Quốc vào năm 960 sau Công Nguyên.
Vậy, nếu đậu phụ đã có từ nhiều thế kỷ trước ở các nước châu Á, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia và Thái Lan, làm thế nào nó đến được Mỹ? Theo sử sách, đậu phụ xuất hiện tại Mỹ chỉ vỏn vẹn trong 150 năm.
Người Mỹ đầu tiên ghi chép về đậu phụ không ai khác chính là Benjamin Franklin – một người trong nhóm lập quốc đầu tiên ở Mỹ. Ông đã viết thư cho một người bạn, thậm chí còn gửi một ít đậu nành cho họ vào những năm 1760.
Franklin đã đọc về đậu phụ trong một cuốn sách của một người tên là Domingo Fernandez Navarrete, một nhà truyền giáo gốc Trung Quốc. Fernandez Navarrete nói rằng, đây là loại pho mát người Trung Quốc làm từ đậu nành.
Bất chấp sự say mê của Franklin với đậu phụ, phải đến một thế kỷ sau, vào cuối những năm 1800, món ăn này mới bắt đầu được sản xuất trên đất Mỹ, nhờ sự xuất hiện của những người nhập cư Trung Quốc và Nhật Bản.
Công ty đậu phụ chính thức đầu tiên của Mỹ - Wo Sing & Co - mở cửa vào năm 1878 tại San Francisco, chuyên bán các sản phẩm đậu phụ tươi và lên men. Mặc dù đậu phụ là món ăn phổ biến trong cộng đồng người Mỹ gốc Á, nhưng rất khó khăn để nó xâm nhập vào đời sống của người Mỹ gốc.
Người Mỹ xem đậu phụ như một món ăn kỳ quặc. Họ thắc mắc khi thấy những miếng đậu phụ hình chữ nhật màu vàng, chất cao thành đống trên các khu phố Tàu và tự hỏi “đó là thứ quái gì vậy”.
Hành trình đậu phụ du nhập vào Mỹ
Vào đầu những năm 1900, bác sĩ Yamei Kin bắt đầu thực hiện một sứ mệnh chứng minh cho phương Tây thấy rằng, đậu phụ là một loại thực phẩm bổ dưỡng thay thế cho thịt. Sau đó, Yamei Kin thường xuyên tham gia buổi thuyết trình của câu lạc bộ phụ nữ, nhằm quảng bá đậu phụ cho xã hội thượng lưu.
Việc sản xuất đậu phụ gặp phải thất bại trong Thế chiến thứ II. Sau cuộc tấn công Trân Châu Cảng năm 1941, khoảng 120.000 người Nhật sống ở Mỹ bị đưa đến các trại thực tập ở bờ biển phía tây.
Những người này nhận thấy thực phẩm được cung cấp trong các trại rất khó ăn, vì vậy họ đã đấu tranh để được phép làm đậu phụ cho mình. Cuối cùng, chính phủ đã đồng ý với yêu cầu của họ, cho phép sản xuất đậu phụ trong tất cả 10 trại giam giữ ở California.
Trong những năm sau chiến tranh, việc sản xuất đậu phụ quy mô nhỏ vẫn tiếp tục. Vào cuối những năm 1960, đậu phụ bùng nổ trở thành món ăn chính của Mỹ, sau một phong trào liên quan tới việc ăn chay.
Phong trào này đã giúp khơi dậy sự quan tâm nhiều hơn đến các món ăn châu Á và văn hóa châu Á nói chung. Sau đó, kết thúc của phong trào này là một cuốn sách có tên “Book of Tofu”, được viết bởi Bill Shurtleff và vợ của ông là Akiko Aoyagi. Cuốn sách bao gồm tất cả mọi thứ từ công thức nấu ăn đến chi tiết cách sản xuất đậu phụ.
Cuốn sách được cho đã giúp khởi động cuộc cách mạng đậu phụ ở phương Tây, bán được hơn 600.000 bản.
Cuốn sách này và những chuyến lưu diễn của 2 vợ chồng Bill Shurtleff giúp hàng trăm nhà sản xuất đậu phụ không phải người châu Á làm chủ ra đời, mang tới trải nghiệm ẩm thực hoàn toàn mới cho nhiều người Mỹ. Phong trào làm đậu phụ này cũng đã thúc đẩy các công ty đậu phụ do người Mỹ gốc Á điều hành.
Một trong những công ty thành lập ở Mỹ trong bối cảnh bùng nổ đậu phụ là Phoenix Bean. Công ty này tồn tại trong 40 năm qua, sản xuất ra 28 sản phẩm đậu phụ khác nhau, từ sữa đậu nành đến giá đỗ, đậu phụ chiên, mì đậu phụ, yuba…
Để giúp những người không phải người Mỹ gốc Á chấp nhận sử dụng đậu phụ, chủ của công ty Phoenix Bean đã sáng tạo các công thức nấu ăn đơn giản sử dụng các sản phẩm của mình, bao gồm đậu phụ sốt teriyaki và tạo ra 8 món salad đậu phụ khác nhau.
Ngày nay mặc dù đậu phụ vẫn chưa đạt được sự phổ biến rộng rãi giống một số loại thực phẩm nhập khẩu khác như sữa chua hoặc được ăn rộng rãi như thịt, nhưng nó đã đi một chặng đường dài trong hơn 150 năm qua ở Mỹ. Đậu phụ đã vượt qua rất nhiều lời chế giễu của người Mỹ và dần dần mọi người đã chấp nhận.
Đây từng là món ăn quý tộc dành cho vua chúa Trung Quốc. Nó có kết cấu sền sệt, không mùi, tốt cho sức khỏe nhưng khi biết được thành phần có thể bạn sẽ không dám ăn.
Nguồn: [Link nguồn]