Tới An Giang thưởng thức món ngon lạ miệng
Những món đặc sản hông chỉ làm say lòng du khách mà còn là niềm tự hào của người dân An Giang.
An Giang không chỉ nổi tiếng với cảnh đẹp thiên nhiên mà còn gây ấn tượng mạnh mẽ qua những món đặc sản đậm đà hương vị miền Tây. Từ bún cá Châu Đốc thơm ngon, bò bảy món Núi Sam hấp dẫn, đến mắm Thái Châu Đốc đậm đà, chè thốt nốt ngọt mát hay kẹo mạch nha dẻo thơm... mỗi món ăn đều mang đậm dấu ấn văn hóa và sự sáng tạo của người dân địa phương.
Bún cá Châu Đốc
Ảnh: Mi Nơ
Bún cá Châu Đốc là món ăn nổi tiếng của An Giang với hương vị đặc trưng đậm chất miền Tây. Nước dùng được nấu từ cá lóc, xương heo, thêm nghệ tươi tạo màu vàng óng và mắm ruốc tăng độ đậm đà. Thịt cá lóc dai ngọt, bún mềm, ăn kèm rau sống như bông điên điển, hoa chuối, giá đỗ làm tăng thêm sự thanh mát.
Bò bảy món Núi Sam
Bò bảy món Núi Sam là đặc sản trứ danh của An Giang, đặc biệt ở vùng Núi Sam. Món ăn nổi bật với thịt bò tươi mềm, được chế biến thành bảy món hấp dẫn như: bò nướng, bò nhúng giấm, bò xào, bò hấp lá trúc… Mỗi món mang một hương vị riêng, từ vị chua thanh của giấm, mùi thơm lá trúc, đến vị đậm đà của bò nướng.
Mắm thái Châu Đốc
Mắm Thái Châu Đốc là đặc sản nổi tiếng được làm từ cá lóc, cá sặc hoặc cá linh. Cá được làm sạch, cắt miếng nhỏ, trộn với đu đủ bào sợi, gia vị. Mắm có hương thơm đậm đà, vị mặn ngọt hài hòa. Khi ăn, mắm Thái thường được dùng kèm cơm trắng, bún hoặc rau sống, tạo nên hương vị độc đáo, khó quên.
Khô cá lóc
Khô cá lóc được làm chế biến cá lóc tươi sống, tẩm ướp gia vị như: muối, đường, tiêu và phơi khô tự nhiên dưới nắng. Cá sau khi khô có thịt chắc, vị ngọt tự nhiên và mùi thơm hấp dẫn.
Khi chế biến, khô cá lóc thường được nướng hoặc chiên, chấm kèm nước mắm chua ngọt, ăn cùng cơm trắng hay gỏi xoài.
Gỏi sầu đâu
Gỏi sầu đâu mang đến sự kết hợp hài hòa giữa vị đắng nhẹ của lá sầu đâu và các nguyên liệu tươi ngon. Lá sầu đâu được trộn cùng tôm, thịt ba chỉ luộc, rau thơm và nước mắm chua ngọt, tạo nên một món gỏi đậm đà, thanh mát.
Bánh căn
Ảnh: Thanh Tuấn
Bánh căn An Giang là món ăn dân dã mang đậm hương vị miền Tây sông nước. Bánh được làm từ bột gạo xay nhuyễn, đổ vào khuôn đất nung và nướng trên bếp than nóng cho đến khi giòn rụm bên ngoài, mềm xốp bên trong.
Nước chấm bánh căn thường pha từ nước mắm chua ngọt, thêm chút mỡ hành hoặc tỏi phi, ăn kèm rau sống như xà lách, rau thơm, giá đỗ.
Tép chiên
Ảnh: Thanh Tuấn
Tép chiên An Giang nổi tiếng với hương vị thơm ngon đặc biệt. Tép đồng tươi nhỏ, sau khi làm sạch, được tẩm ướp gia vị đơn giản như muối, tiêu, tỏi băm rồi chiên giòn. Khi chiên, tép chuyển sang màu vàng ươm, giòn rụm và dậy mùi thơm hấp dẫn.
Tép chiên chấm với nước mắm chua ngọt hoặc tương ớt, mang lại vị giòn tan, mặn ngọt hài hòa, gợi nhớ hương vị quê nhà quen thuộc.
Đậu hũ chả đòn
Ảnh: Thanh Tuấn
Đậu hũ ăn với chả đòn là món ăn dân dã, phổ biến ở An Giang, kết hợp hài hòa giữa đậu hũ chiên vàng giòn và chả đòn thơm ngậy. Đậu hũ mềm bên trong, giòn bên ngoài, chả đòn dai dai được làm từ thịt hoặc nguyên liệu chay.
Món ăn thường được dùng với nước mắm chua ngọt hoặc tương ớt cay, cùng rau răm, dưa chuột tạo nên hương vị đậm đà.
Kẹo mạch nha
Ảnh: Thanh Tuấn
Kẹo mạch nha được làm từ mạch nha, đường và gừng tươi. Quy trình làm kẹo khá công phu, từ việc nấu mạch nha, kéo kẹo cho đến khi đạt độ dẻo và thơm. Kẹo có vị ngọt thanh, mềm dẻo, khi ăn có chút cay cay từ gừng, mang lại cảm giác thú vị, khác biệt.
Chè thốt nốt
Chè thốt nốt là món tráng miệng nổi tiếng của An Giang, mang hương vị ngọt thanh, mát lạnh. Chè được làm từ cơm thốt nốt dẻo mềm, nước cốt dừa béo ngậy và đường thốt nốt thơm ngọt đặc trưng.
Khi ăn, thạch thốt nốt giòn dai hòa quyện cùng nước chè thơm lừng tạo nên cảm giác thanh mát, sảng khoái. Đây là món chè giản dị nhưng đậm chất miền Tây, rất thích hợp để giải nhiệt trong những ngày nắng nóng, mang đến trải nghiệm khó quên cho thực khách.
Hương thơm chuối nướng lan tỏa trong không gian khiến bất kỳ ai đi ngang qua cũng phải dừng chân thưởng thức.
Nguồn: [Link nguồn]