Thực hư vị ngon ốc núi

Trong cái hối hả của nhịp sống hiện đại, mỗi người đều muốn tìm cho mình những khoảng khắc sống chậm. Giọt café hãm chậm sự xô bồ, bon chen, bắp ngô nướng ấm lòng nơi góc đường lạnh giá của những đêm đèn vàng vô cảm…

Nhưng, đâu chỉ có vậy, lặn sâu ý nghĩ vào kí ức của từng món ăn, từng dư vị cuộc đời lại ngẫm ra những kí ức văn hóa với những cảm xúc buồn, vui, gợi lại trong ta những ngày xưa qua từng hương vị ấy.

Ngày còn ở mạn dưới xuôi, tôi cứ bị cuốn vào những đêm miền quê với câu chuyện quanh nồi ốc vặn, rổ dong riềng. Làng quê mình giờ đã điểm thêm những sắc thái hiện đại từ tinh thần đến vật chất, nhưng có cái gì đó cứ nghẹn ngào khi nếm lại những món dân dã đồng quê ấy. Nó gợi nhớ một thời lam lũ, bình dị nhưng cũng thanh sạch, bình yên.

Chuyện mà tôi nhớ nhất là bà nội nói về những chiếc vỏ ốc trong hang núi. Ông tôi thì hay kể đi kể lại những lần đóng quân trên miền thượng, may nhờ bát canh nấu vội với những chú cua đá khô gầy, cứng nhắc mà chợt thấy tỉnh táo hơn. Sau này lớn lên, tôi hiểu hiểu câu chuyện xa xưa khi biển lùi, đất dâng thì những dấu tích biển còn sót lại trong hang này, động nọ. Nhưng rồi, trong một lần thật tình cờ, tôi được vỡ lẽ ra, người miền núi cũng có một món ăn từ loài nhuyễn thể độc đáo này.

Thực hư vị ngon ốc núi - 1

Dịp cuối năm, công việc đã vạn, tôi giành một ngày nghỉ để lên với lời mời của cô bạn gái người dân tộc Thái vùng Tây Bắc. Khi còn học với nhau, chúng tôi đã từng cùng thưởng thức các món Hà Thành, quà vặt các hẻm ngõ. Trưa nay, trong mâm cơm quen thuộc với những cơm lam, gà đồi, thịt lợn lửng…dường như đã “toàn cầu hóa”thì đây món ốc núi mới thật là “nhân vật chính” của bữa cơm bên dòng suối Vạn Mai (Mai Châu- Hòa Bình) trong trẻo này.

Nhẩn nha, bác trai cất lời kể như sợ cô con gái út chưa thành thạo việc ăn rừng sẽ làm khách hiểu sai về loài ốc này:

- Cháu ạ, ở đây nhiều loại ốc núi lắm, nhưng chớ chọn con to kềnh như ốc bươu mà chỉ cần chọn loại nhỏ hơn đầu ngón tay sống ở những khe suối trong núi có cây cối um tùm.

Ốc đem về, trước tiên phải luộc qua (đến đây bác gái nhắc chen vào: luộc như thế nào vừa tầm cho ốc trút vỏ là được), sau đó đem chộn ốc với củ kiệu, loại củ đã được đặt theo tên tục của của công chúa Mỵ Nương. Sau một lát ốc đã ngấm vị đắng nhưng ấm của kiệu thì ta có thể đem xào chín vừa đồ là đã có một món ăn đặc sản của đồng bào Thái rồi.

Cũng có khi ốc được đem xào với những lát quả tai chua phơi khô lại cho ta một hương vị rất khác. Nhưng nhìn chung, các gia vị này đều nhằm hãm vị tanh, hâm nóng tính hàn của ốc núi để tạo ra sự hài hòa ngon miệng cho thực khách.

Kiệu trồng trong vườn nhà đã sẵn, nhưng ốc núi khó tìm và đương nhiên, không phải lúc nào món ăn quan trong này cũng xuất hiện trong bữa cơm suồng sã. Chỉ có thể là khi có khách quý từ vùng xa tới chơi, ông thông qua tới gặp, khi nàng dâu trổ tài xào ốc vừa độ để chú, bác, anh, em trong nhà chồng cùng ngồi vào mâm để nâng chén rượu Mai Hạ thơm lừng.

Món ăn không cầu kì, tốn kém nhưng đậm đà hương vị núi rừng. Lên tới những đèo cao, vực sâu bốn mùa mây trắng, bỗng dưng giữa bếp lửa nhà sàn ta lại gặp món ăn đậm đà hương vị đồng bằng. Thế mới hay, đất nước rộng dài có biết bao bất ngờ kì thú ngày cả từ các món ăn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bùi Việt Phương (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN