Thứ hạt có tên lạ, tốt cho tim mạch, ngừa ung thư nhưng không phải ai cũng biết
Loại hạt này có hương vị thơm bùi, chứa nhiều thành phần dinh dưỡng như protein, sắt, vitamin, chất béo... nhưng không nhiều người biết đến.
Đậu gà (chickpeas) có tên gọi khác là Garbanzo (trong tiếng Tây Ban Nha) và Ceci (trong tiếng Italia). Do hạt đậu có hình giống với đầu của con gà nên được gọi là đậu gà. Chúng được sử dụng rộng rãi trong các chế độ ăn của Địa Trung Hải và Trung Đông.
Nguồn gốc của đậu gà được cho là xuất phát từ khu vực Levant và Ai Cập cổ đại, cách đây khoảng 7.000 năm. Điều này khá hợp lý vì tính chất của loài thực vật này thích hợp với các vùng ôn đới và bán hoang mạc.
Đậu gà là nguồn cung cấp chất đạm, chất xơ, sắt, kẽm, phốt pho, vitamin và nhiều khoáng chất khác mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Ăn nhiều đậu gà sẽ giúp cải thiện khả năng tiêu hóa, giảm nguy cơ mắc một số bệnh về đường tiêu hóa, xương, ...
Cụ thể, những lợi ích sức khỏe của đậu gà có thể kể đến:
Cân bằng nội tiết tố
Chế độ ăn hợp lý với đậu gà sẽ giúp giảm các triệu chứng mãn kinh và tiền mãn kinh như đổ mồ hôi đêm, thay đổi tâm trạng thất thường và nóng nảy.
Ngăn ngừa bệnh tiểu đường
Đậu gà chứa một lượng chất xơ hòa tan cao, chỉ số đường huyết thấp và amyloza (một loại tinh bột kháng tiêu hóa chậm) giúp kiểm soát lượng đường trong máu hiệu quả và ngăn ngừa bệnh tiểu đường.
Bảo vệ sức khỏe tim mạch
Ăn đậu gà thường xuyên sẽ giúp bạn tăng cường và bảo vệ sức khỏe tim mạch. Nguyên nhân là bởi hàm lượng cao các chất xơ hòa tan trong đậu gà sẽ giúp cân bằng và giảm mức cholesterol xấu LDL và triglyceride, từ đó ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Ngừa táo bón
Đậu gà rất giàu chất xơ hòa tan, góp phần làm giảm chỉ số đường huyết. Chất xơ trong đậu gà cũng làm cho chúng trở thành một loại thực phẩm giúp hỗ trợ tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón và thậm chí hỗ trợ giảm cân vì chúng khiến bạn no lâu.
Giảm viêm và cải thiện chức năng miễn dịch
Bột đậu gà đã được chứng minh là có khả năng chống viêm và lợi ích bảo vệ chống lại ung thư, đặc biệt là ung thư trong đường tiêu hóa bao gồm ung thư đại trạng, dạ dày và thận.
Đậu gà cũng có lợi cho hệ tiêu hóa và cải thiện khả năng miễn dịch bằng cách chống lại tính axit từ một chế độ ăn uống nghèo nàn, giúp cân bằng mức độ pH của cơ thể. Ở trạng thái kiềm hơn, cơ thể có khả năng duy trì cân bằng nội môi, chống viêm và ngăn chặn các tế bào ung thư tăng sinh tốt hơn.
Tăng cường thị lực
Trong đậu gà có nhiều vitamin và khoáng chất như vitamin A, C, E và các loại vitamin nhóm B đều rất có lợi cho mắt. Ăn đậu gà thường xuyên sẽ giúp bạn tăng cường thị lực, bảo vệ niêm mạc và giác mạc khỏi các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus gây ra.
Với những lợi ích tuyệt vời như trên, bạn nên thêm đậu gà vào thực đơn hàng ngày của gia đình. Dưới đây là cách làm món chả đậu gà các bạn có thể tham khảo:
Nguyên liệu:
- Đậu gà: 500 gr
-Hành tây: 1 củ
- Rau mùi tây: 200 gr
-Tỏi: 100 gr
- Muối: 1 muỗng cà phê
- Bột ớt: 1 muỗng cà phê
- Bột thì là: 1 muỗng cà phê
- Nước cốt chanh: 4 muỗng cà phê
- Dầu ăn: 200 ml
Cách chế biến:
-Đậu gà mua về ngâm qua đêm ít nhất 8 tiếng hoặc luộc khoảng 30 - 45 phút để giúp đậu mềm. Sau đó, vớt đậu ra để ráo.
-Hành tây, tỏi bạn lột vỏ, băm nhuyễn. Rau mùi nhặt sạch, cắt khúc khoảng 3cm.
- Lần lượt cho các nguyên liệu: đậu gà, tỏi, hành tây cùng các gia vị đã chuẩn bị vào máy xay sinh tố, bấm nút xay nhuyễn. Sau khi thấy hỗn hợp đã gần nhuyễn, bạn mới cho rau mùi tây vào, xay khoảng 1 - 2 phút nữa để tất cả nguyên liệu trộn đều rồi tắt máy.
- Cho hỗn hợp đậu xay ra tô lớn, dùng muỗng nhấn để nén chặt lại xuống đáy tô rồi dùng màng thực phẩm bọc kín, đặt vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 60 phút.
- Rửa tay sạch, lấy hỗn hợp đậu gà từ tủ lạnh ra để vo thành các viên tròn vừa ăn.
- Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào. Đợi dầu nóng (xuất hiện bong bóng nổi lên) thì mới cho chả đậu gà vào chiên. Dùng đũa đảo đều chả, khi thấy bên ngoài có màu vàng đẹp mắt thì vớt ra, để trên đĩa có lót giấy thấm dầu, hoặc rổ để ráo dầu.
- Bạn có thể làm nước sốt Hummus- một trong những loại nước sốt phổ biến ở các nước Trung Đông- để dùng kèm với chả đậu gà.
Tùy theo khẩu vị mà công thức làm nước sốt Hummus khác nhau, cơ bản gồm có: Đậu gà được làm mềm (khoảng 100 - 200 gram) + tỏi (2 nhánh) + bơ mè (3 muỗng canh) + nước cốt chanh vàng (2 muỗng canh) + dầu ô-liu (2 muỗng canh) + bột thì là (1 muỗng cà phê) + nước luộc đậu gà (vừa đủ để hỗn hợp sền sệt) + ít muối và tiêu đen. Tất cả đem xay bằng máy xay sinh tố, rồi đổ ra chén dùng.
Nếu không có thời gian, bạn cũng có thể ăn món chả đậu gà với tương ớt, tương cà và mayonaise cũng rất ngon.
Nguồn: [Link nguồn]
Không nói quá khi sử dụng chữ “vi diệu” để miêu tả về loại hạt này. Trong một nghiên cứu, giá trị dinh dưỡng của hạt Sachi “vượt xa” so với óc chó.