Thơm nồng đinh hương
Không được gọi mỹ miều là vua”, “hoàng hậu” hay “nữ hoàng” như các loại gia vị khác nhưng đinh hương vẫn khiến nhiều người phải trầm trồ và thán phục bởi hương vị rất đặc biệt và những tính năng thú vị trong y học lẫn ẩm thực.
Đinh hương bắt nguồn từ Indonesia, sau đó vượt qua nhiều khoảng cách để tìm những “bến đỗ” mới trên khắp thế giới. Tuy hình dáng nhỏ bé tựa như một chiếc đinh nhưng đinh hương lại ẩn chứa sức mạnh tuyệt vời về mùi vị, góp mặt phổ biến trong các nền ẩm thực.
Tặng phẩm từ thiên nhiên
Để trồng được một cây đinh hương người ta phải mất một khoảng thời gian rất dài. Đinh hương được trồng bằng cách giâm cành hoặc gieo hạt. Đất để trồng đinh hương phải là đất đỏ, đất thịt hoặc đất mùn. Các loại đất này thoát nước tốt và không quá ẩm ướt, nếu không hạt sẽ bị thối. Trong thời gian chờ đợi hạt nảy mầm người ta chuẩn bị một ít đất trộn lẫn với phân trâu, phân bò hoặc tro, cho vào túi nhựa lớn. Sau khoảng 10-15 ngày gieo, hạt bắt đầu nảy mầm. Lúc này cây non sẽ được cho vào trong túi đất đã chuẩn bị sẵn và đặt ở những nơi có bóng râm, mát mẻ để chăm sóc cho tới khi cây cứng cáp. Cũng phải mất gần 2-3 năm sau, người ta mới bắt đầu mang những cây con này đi trồng. Có nơi, đinh hương được trồng chuyên canh thành từng rừng, có nơi lại trồng xen lẫn với một số loại cây khác như tiêu, cà phê, ca cao, đào lộn hột hay dừa...
Để có những nụ hoa đinh hương đầu tiên, người trồng phải chờ đợi ít nhất 6-7 năm hoặc có khi là 10 năm sau mới thu hái được. Rồi chờ thêm 10 năm nữa để có thể lấy những trái đinh hương đầu tiên để làm giống. Tốn nhiều công sức, thời gian nhưng bù lại vòng đời của một cây đinh hương có thể kéo dài được khá lâu, có thể là 70, 80 hay trên cả 100 năm tuổi nếu như người chủ biết chăm sóc đúng cách.
Một năm cây đinh hương sẽ thu hoạch được 2 lần, cuối hè và vào giữa thu. Mỗi cây đinh hương trưởng thành sẽ cho được 3-5kg nụ. Ở những nơi chuyên canh, nếu chăm sóc tốt năng suất sẽ cao hơn. Để có được 1kg đinh hương khô phải cần 8 đến 10.000 nụ đinh hương tươi. Tốn nhiều thời gian, công sức trong việc chăm sóc lẫn thu hái nên đinh hương có giá thành rất cao. Vì thế mà nước Anh có thời điểm, loại gia vị này được sánh ngang với giá thành của vàng, 1kg đinh hương sẽ đổi được 7g vàng.
Giá trị vàng
Đinh hương được sử dụng ở ba dạng chính là hạt còn nguyên, xay thành bột, tinh dầu. Hương thơm của đinh hương rất mạnh và quyến rũ. Tùy vào từng món ăn mà người ta sử dụng đinh hương ở dạng nguyên hay dạng bột, tuy nhiên dạng nguyên vẫn được ưa chuộng hơn. Sức “công phá” của đinh hương rất lớn, vì thế khi nấu chỉ nên cho một hàm lượng vừa phải đủ để tạo mùi mà thôi.
Chúng ta có thể bắt gặp đinh hương ở hầu hết các nhà bếp, dù là bếp ăn gia đình, nhà hàng hay khách sạn lớn. Với đặc điểm chính là vị cay ngọt, mùi thơm, tính nóng, đinh hương được dùng để tăng thêm hương vị cho các món thịt, cà ry và cả những món tráng miệng có vị ngọt.
Ở Trung Quốc, Nhật, người ta sử dụng nhiều trong việc chế biến thành hương liệu. Còn ở Pháp, các đầu bếp lại thích cho đinh hương vào món súp gà. Ở Anh, gia vị này không thể thiếu trong món salad táo. Ở Ấn Độ, dầu đinh hương được chế biến nhiều trong công nghiệp thực phẩm và gia vị, phổ biến như: dưa chua, nước chấm, bánh gia vị. Ở nhiều nơi khác, nhất là ở Indonesia, tinh dầu đinh hương được ưa dùng trong công nghiệp sản xuất thuốc lá. Còn người Việt lại thích cho đinh hương vào trong hũ dưa, tỏi hay cà muối... mùi vị cũng đặc biệt không kém.
Nếu tinh ý bạn còn có thể bắt gặp đinh hương trong nhiều gia vị khác như: bột cà ry, nước xốt BBQ, vanila, thuốc lá, nước hoa... Thỉnh thoảng tại các quán cà phê ở phương Tây người ta cho vào cà phê và đôi khi còn được trộn lẫn trong cả cần sa. Vị thơm nồng nên đinh hương dễ dàng “kết đôi” được với nhiều “người bạn” quý như tiêu, quế, hồi, vanila, rượu vang đỏ, vỏ cam... nhưng tuyệt nhiên không phù hợp với nghệ.
Vì có chất eugenol nên đinh hương còn được dùng nhiều trong việc điều chế dược liệu để gây tê, gây mê, giảm đau. Tinh dầu đinh hương còn được sử dụng rộng rãi trong nha khoa giúp khử mùi hôi miệng, trắng răng hay chiết xuất thành dầu thơm để xoa bóp cơ thể, chăm sóc da... Trong y học cổ truyền, nụ hoa đinh hương phơi khô còn được xem như một vị thuốc làm ấm được tì, vị, thận…