Thơm bùi như bánh đa gấc Kẻ Sặt
Chiếc bánh đa có màu đỏ của gấc, vị bùi của lạc, vừng, dừa và thơm vị gừng tươi.
Bánh được cuộn tròn thành từng cuộn thay vì để từng tấm như các loại bánh đa thông thường, ấy là (xã Tráng Liệt, huyện Bình Giang, Hải Dương). Loại bánh đa được làm ở làng Sặt là loại bánh đa ngọt.
Phên nứa phơi bánh đa ở làng Sặt, Hải Dương. Ảnh: Hạnh Thư
Ở Hải Dương hầu như ở huyện nào cũng có người làm bánh đa nhưng chỉ có bánh đa Kẻ Sặt mới nổi tiếng trở thành đặc sản của Hải Dương tương tự như bánh gai, bánh đậu xanh... Nguyên liệu làm bánh gồm có gạo, đường, có thêm vừng, lạc và dừa thái mỏng và thêm hương vị của gừng tươi. Ngày nay còn có thêm cả gấc để tạo màu đỏ.
Để có thể làm ra những cuộn bánh đa người làm phải rất công phu và nhiều công đoạn. Nguyên liệu làm ra bánh phải được lựa chọn rất kỹ. Gạo làm cần đạt yêu cầu ngọt, tơi và nhiều bột. Hiện nay người dân hay làm bằng loại gạo CR203. Vừng cũng phải chọn loại vừng tốt, loại vừng tấm là tốt nhất. Lạc được chọn phải là loại lạc già, nhân to, mẩy để dễ thái mỏng. Dừa phải chọn loại dừa già, cùi dày.
Kẻ Sặt thời phong kiến là một xã thuộc tổng Thị Tranh. Kẻ Sặt là tên nôm của làng Tráng Liệt. Năm 1958, tách một phần xã Tráng Liệt, lập thị trấn Kẻ Sặt. |
Khi đã có được các nguyên liệu đạt tiêu chuẩn, người làm bánh ngâm gạo trong nước sạch khoảng từ 1 đến 2 tiếng. Sau đó, vớt lên để ráo và cho vào cối xay. Những gia đình làm bánh lâu năm đều có cối xay bột bằng đá và xay thủ công. Trong quá trình xay gạo, vừa xay vừa đổ nước vào để bột có nồng độ vừa phải, không loãng cũng không quá đặc để vắt lọc bằng vải.
Để có được nước bột vừa có vị ngọt, lại có vị của gừng tươi, những người làm bánh đã đun chảy đường và hòa với bột; gừng tươi thì được giã nhỏ và lọc lấy nước. Sở dĩ phải giã nhỏ để vị gừng được hòa tan trong nước, khi ăn, người ăn không gặp phải những miếng gừng trong bánh, tránh việc quá cay tại một chỗ.
Ngoài nước bột ngọt vị đường và thơm vị gừng, bánh còn được gia thêm vừng, lạc thái mỏng và dừa. Vừng đem ngâm, xát bỏ vỏ; lạc sống được thái thật mỏng, sau đó sảy bỏ vỏ. Dừa thái mỏng thành từng sợi.
Bánh đa ngọt cuộn tròn, tiện cho người dùng như một món ăn chơi. Ảnh: Hạnh Thư
Khi đã có đầy đủ nguyên liệu, việc tráng bánh được tiến hành. Gia vào nồi khoảng 2/3 nước so với dung tích nồi, đun đều lửa và giữ ổn định trong suốt quá trình tráng bánh. Khi nước sôi để khuôn lên miệng nồi múc một muôi bột đổ lên khuôn, dùng muôi dàn đều trên mặt khuôn (công đoạn này tương tự như tráng bánh cuốn).
Bánh đa Sặt, đặc biệt hơn bởi được tráng 2 lần. Lần thứ nhất rắc đều vừng, lạc, dừa lên mặt bánh. Sau đó tiếp tục múc một muôi bột nữa đổ lên trên láng đều kín hết nhân, đậy vung lại khoảng 1-2 phút mở vung ra, lúc này bánh đã chín, dùng ống nứa dài 40-50 cm có đường kính 7-8 cm đặt vào mép bánh đa, để bánh dính vào ống nứa sau đó từ từ năn tròn vào ống nứa, đưa ống nứa đặt vào phên, lăn ống nứa ngược chiều khi cuộn bánh, chiếc bánh đa trải đều trên phên. Trước khi đưa bánh sang phên người ta tiếp tục đổ bột vào khuôn, khi đưa bánh sang phên xong thì bánh trên khuôn chín; làm như vậy tiết kiệm thời gian.
Phên nứa dùng để phơi bánh được đặt ra ngoài nắng; khi ướt bánh dính vào phên, lúc khô bong ra. Khi bánh khô thu bánh quay vào cót để theo từng chồng. Nếu có khách mua thông thường người ta đóng bánh thành chục, lấy giấy báo bọc ngoài dùng dây buộc.
Để tiện cho khách mua, người làm bánh hơ qua lửa để bánh chín. Khi tráng và phơi xong, bánh có hình tròn. Tuy nhiên, khi quạt chín, bánh còn mềm và dẻo, người làm đã cắt bánh làm đôi theo hình bán nguyệt và cuộn tròn lại theo hình ống. Việc cuộn lại là để tránh bánh bị vỡ vụn khi vận chuyển. Khi xưa, bánh có màu vàng óng, nhưng ngày nay, hầu hết những hộ làm bánh hiện tại (chỉ còn rất ít hộ làm) cho thêm màu đỏ của gấc để bánh có màu hấp dẫn hơn. Khi ăn, bánh có vị bùi của gạo, xen lẫn vị thơm của lạc, vừng dừa, cùng với vị ấm của gừng tươi sẽ khiến người ăn thấy tê tê đầu lưỡi. Tuy nhiên, chính vị bùi và béo của bánh khiến nó đặc biệt hơn những loại bánh đa thông thường luôn gây cảm giác khô.