Tết Hàn thực, cúng như thế nào cho đúng?

Sự kiện: Tết Hàn thực

Không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa, nguồn gốc và cách cúng Tết Hàn thực thế nào cho đúng.

Trao đổi với PV, chuyên gia văn hóa Nguyễn Đức Hiển cho biết, từ xa xưa ngày Tết Hàn thực được hiểu theo nghĩa chữ Hán, "hàn" là lạnh, "thực" là ăn, "Tết Hàn thực" là tết ăn đồ lạnh. Phong tục cổ truyền này có nguồn gốc từ Trung Quốc và được lưu truyền cho đến ngày nay.

Theo chuyên gia văn hóa Nguyễn Đức Hiển, dù bắt nguồn từ một truyền thuyết của Trung Quốc nhưng khi du nhập vào Việt Nam thì lại có những thay đổi phù hợp với văn hóa, phong tục của người Việt.

Sau khi du nhập vào Việt Nam thì Tết Hàn thực còn có tên gọi là Tết bánh trôi, bánh chay hay Tết tháng 3.

Sở dĩ ngày Tết Hàn thực, người dân Việt cúng bánh trôi bánh chay vì loại bánh này thể hiện rõ nét về đặc trưng văn hóa, lối sống, văn hóa lúa nước và mơ ước rất riêng của người Việt.

Tết Hàn thực, cúng như thế nào cho đúng? - 1

Bánh trôi bánh chay không thể thiếu trong ngày Tết Hàn thực

Chuyên gia Nguyễn Đức Hiển cũng cho biết, ngày Tết Hàn thực, ngoài việc chuẩn bị một mâm cúng đúng cách, bạn cũng phải lưu ý việc khấn đúng văn cúng Tết Hàn thực. Bởi ông bà ta quan niệm rằng, nếu chỉ đặt mâm cúng lên bàn thờ mà không khấn đúng văn tế thì tổ tiên sẽ không nhận được “lộc” con cháu gửi.

Trong mâm lễ cúng Tết Hàn thực, không thể thiếu bánh trôi, bánh chay. Số lượng bánh trôi, bánh chay “chuẩn” nhất trong mâm cúng là 5 hoặc 3 bát bánh trôi, 3 hoặc 5 bát bánh chay.

Bánh trôi làm bằng bột nếp nhào nặn với nước, có nhân bằng đường. Gạo làm bánh trôi, bánh chay phải kén được nếp cái hoa vàng. Cứ chín phần nếp cho một phần tẻ hoặc non hai phần tẻ.

Đường làm nhân bánh trôi ngon nhất là đường phên, những miếng đường vuông thành, sắc cạnh, đỏ thắm, rắn đanh và giòn, hương thơm mát.

Bánh nặn xong, được thả vào nồi nước sôi. Bánh chìm xuống rồi nổi lên, “ba chìm bảy nổi, chín lênh đênh” thì vớt ra và ngâm trong nước lã đun sôi để nguội cho săn trở lại rồi lại vớt ra bày vào đĩa. Đĩa bánh trôi được rắc thêm mấy hạt vừng trắng rang thơm.

Trong mâm cỗ bắt buộc còn phải có: Hương, hoa quả tươi, trầu cau, ly nước sạch.

Ngoài những thực phẩm trên, các gia đình có thể mua một đĩa hoa quả tươi với khoảng 5 loại quả. Tùy từng mùa, gia chủ chọn 5 quả có màu sắc khác nhau như màu xanh, đỏ, vàng, tím... để đại diện cho ngũ hành, dâng cúng tổ tiên thể hiện lòng hiếu thảo và ước mong những điều tốt lành. 

Tết Hàn thực, cúng như thế nào cho đúng? - 2

Chuyên gia văn hóa Nguyễn Đức Hiển

Chuyên gia Nguyễn Đức Hiển cũng cho biết, nên cúng Tết Hàn thực vào buổi sáng là tốt nhất.

Ngoài ra, mọi người lưu ý không nên thay thế ly nước sạch, trong ngày lễ này bằng các loại nước khác vì như vậy mất đi sự thanh tịnh; Nên dùng nước tự nhiên, nước sôi, không có thứ gì bên trong là được.

Bên cạnh đó, vào ngày lễ này các gia đình không cần chuẩn bị “mâm cao, cỗ đầy”, bày vẽ các thủ tục tốn kém mà chỉ cần thành tâm, dâng bánh trôi, chay lên ban thờ ông bà, tổ tiên, nguyện cầu những điều tốt đẹp, an lành trong cuộc sống.

Tết Hàn thực trổ tài làm bánh chay nhân đậu xanh đãi cả gia đình

Bánh chay có vỏ bánh mềm dẻo, nhân đậu xanh thơm bùi lại thêm nước chan ngọt thanh, sánh nhẹ rất hấp dẫn. Tết Hàn thực...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Tết Hàn thực Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN