Tết Đoan ngọ cúng trong nhà hay ngoài trời? Và những kiêng kị ai cũng nên biết
Mâm lễ Tết Đoan ngọ ngoài vật phẩm dâng cúng cổ truyền, còn có những lưu ý quan trọng không phải ai cũng biết như không cúng vượt quá giờ Ngọ và không phạm kị những điều sau để được tốt lành.
Lễ vật không thể thiếu trong mâm lễ Tết Đoan ngọ
Tết Đoan ngọ thường dùng các vật phẩm thực vật dâng cúng – chị Kim Ngọc Thúy (chủ shop hoa quả ở phố Hai Bà Trưng) chia sẻ. Theo đó, mâm cúng Tết Đoan ngọ cổ truyền đơn giản. Về hoa quả thì theo mùa - chủ yếu là các loại quả như mận, vải, dưa hấu…
Tùy vùng miền mà có thay đổi, nhưng nét chung là đều có hương, hoa, vàng mã, trái cây tươi, cơm rượu nếp. Một số nơi không thể thiếu xôi, chè hạt sen, hoặc như người Nùng không thể thiếu bánh khúc, người Huế không thể thiếu đặc sản chè kê...
Cùng là hoa quả quen thuộc nhưng được bàn tay khéo léo xếp thành "mâm lễ" đẹp mắt, chỉ cần mua về dâng lên ban thờ, không mất công bày biện. Ảnh: Thúy Rikki.
Tết Đoan ngọ gần đây có khác xưa, bởi ngày nay các shop hoa quả đua nhau ra mắt khách hàng các set lễ cúng Tết Đoan ngọ. Cũng là hoa quả, vật phẩm quen thuộc - nhưng phải là hàng tuyển chọn để biện thành những mâm lễ VIP đẹp mắt (và đẹp cả giá) với hoa sen, mận (VIP), rượu nếp cái - nếp cẩm, vải thiều Thanh Hà loại 1, bánh tro (gio), bánh cổ truyền... bày trong mẹt, hoặc lá sen rất độc đáo. Khách chỉ cần báo trước 1 ngày là chủ shop sắp lễ chu đáo.
Người bận rộn nhưng có điều kiện chỉ cần mua về bày cúng được ngay, không tốn nhiều thời gian biện lễ. Nhiều gia chủ không ngần ngại còn yêu cầu shop chọn set hoa quả Nhật, Hàn, Mỹ, Úc... để dâng cúng tại tư gia, văn phòng, cửa hàng... rất sang trọng.
Phong thủy Phùng Gia cũng chia sẻ mâm cúng Tết Đoan ngọ của các vùng miền như sau:
- Mâm cúng của miền Bắc sẽ có dưa hấu đỏ, các loại hoa quả theo mùa (mận, vải, đào…). Một số vật phẩm cúng khác là bánh tro, xôi, chè…
- Từ Thanh Hóa vào đến Huế (miền Trung) có chè kê, thịt vịt. Cơm rượu nếp cúng là nếp trắng, nén thành khối đẹp mắt. Thịt vịt có thể nướng, luộc.
Từ Đà Nẵng vào đến Quảng Ngãi thường nấu xôi chè để cúng. Nhà nào có trồng cây thì cho trẻ nhỏ nhà hàng xóm vào vườn hái trái ăn lấy lộc.
- Mâm cúng của người miền Nam có bánh ú (na ná bánh tro miền Bắc), chè trôi nước, xôi gấc… Cơm rượu nếp trắng viên khối tròn (không để rời như miền Bắc, hay ép thành khối như miền Trung). Hoa quả cúng miền Nam là hoa quả tươi miệt vườn đặc sắc.
Mâm cúng Tết Đoan ngọ. Ảnh: Thúy Rikki
Lý giải dân gian vật phẩm cúng Tết Đoan ngọ
Xưa một số nơi cúng Tết Đoan ngọ cả trong nhà và ngoài sân - có ý cúng trong nhà để cảm ơn tổ tiên đã che chở cho con cháu luôn bình an và khỏe mạnh; cúng ngoài sân để tạ ơn trời đất, thần Phật đã phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và cầu mong các vị tiếp tục phù hộ cho con cháu bình an, hạnh phúc, việc làm ăn và học tập may mắn, thuận lợi, tốt đẹp hơn.
Nhưng ngày nay hầu như chỉ làm 1 mâm cỗ cúng trong nhà – như thế cũng không làm giảm ý nghĩa ngày Tết Đoan ngọ, bởi quan trọng nhất là con cháu thành tâm hướng thiện.
Về các loại vật phẩm dâng cúng được lý giải theo dân gian như sau:
- Cơm rượu nếp: Cả 3 miền đều cúng Tết Đoan ngọ bằng cơm rượu nếp – vì theo quan niệm dân gian bộ máy tiêu hóa của con người có nhiều ký sinh gây hại không dễ diệt. Tới ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch chúng đồng loạt trỗi dậy. Khi đó con người ăn rượu nếp có vị nồng cay cho chúng say bí tỉ, rồi ăn tiếp các hoa quả vị chua, chát vào mới có thể loại bỏ những loài ký sinh có hại này.
- Bánh tro (bánh gio) vị nhạt, tính mát, ăn với đường hoặc mật giúp giải nhiệt cơ thể.
- Thịt vịt với tính mát, có tác dụng cân bằng phong huyết, âm dương trong cơ thể được lựa chọn làm món chính trong ngày này. Tết Đoan ngọ ăn thịt vịt sẽ mát, làm sảng khoái cơ thể - còn có ý ngầm là xua đi điều xui rủi).
Để cúng Tết Đoan ngọ chuẩn, Phong Thủy Phùng Gia khuyên người dân nên:
Cúng Tết Đoan ngọ vào đúng chính Ngọ (12 giờ trưa ngày 5/5 âm lịch). Nếu thời gian không cho phép, người dân chỉ cần thắp hương cúng lễ trong sáng 5/5 âm lịch là được, lưu ý không nên vượt quá giờ Ngọ.
Tùy vùng miền mà lựa chọn sản vật cúng Tết Đoan ngọ, nhưng đều cần có hương, đèn, vàng mã, nước và rượu nếp…
Hoa sen và vật phẩm cúng được shop biện lễ đẹp mắt trên mẹt, chỉ cần mua về là dâng cúng được ngay. Ảnh: Thúy Rikki
Chị Kim Ngọc Thúy chia sẻ khi sắm lễ cúng Tết Đoan ngọ cần lưu ý:
- Nên chọn hoa quả tươi, ngon, sạch sẽ có nguồn gốc. Ưu tiên hoa quả gần gũi, đặc sản quê hương, hay gia đình có sẵn.
- Không nên ăn trước khi cúng (dù để riêng đồ cúng và đồ ăn).
- Trang phục khi cúng cần nghiêm túc, gọn gàng để nghi lễ được trang nghiêm. Nhiều gia chủ còn cẩn thận chọn giờ tốt để thắp hương, đọc văn khấn.
Sau khi cúng xong, cả nhà sẽ cùng sum vầy cùng thưởng thức đồ cúng.
Mâm lễ Tết Đoan ngọ bày trên lá sen. Ảnh internet.
Tránh những sai lầm, kiêng kị dịp Tết Đoan ngọ
Dịp Tết Đoan ngọ người xưa vẫn có ý thức kiêng kị để tránh xui rủi, cụ thể:
- Không vứt giày dép lộn xộn (tiếng Hán giày dép là "tà") nhằm tránh năng lượng xấu, vận xui vào nhà.
- Tránh chi tiền vào việc không xứng đáng, kị đánh rơi tiền – vì người xưa cho như thế là đánh rơi tài lộc.
- Không mua vật phẩm có hình thù kỳ lạ, không rõ nguồn gốc – vì có thể gặp vận trình trắc trở.
- Hạn chế tới nơi nhiều năng lượng xấu (như bệnh viện, đám tang, nghĩa trang… ngày này vì nơi lạnh lẽo, nặng âm khí dễ nhiễm năng lượng xấu.
Theo các chuyên gia, để đón lành tránh dữ, gia tăng dương khí trong ngày Tết Đoan ngọ thì dân gian vẫn kiêng những việc trên - mặc dù những quan niệm đó chưa được xác thực, tùy quan niệm mỗi người mà kiêng hoặc không kiêng. Xã hội ngày một phát triển nhưng nét đặc sắc văn hóa Tết Đoan ngọ vẫn được bảo tồn và phổ biến.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ (nguyên giảng viên ĐH KHXH&NV chia sẻ trên báo chí): Ngày 5/5 âm lịch ngoài tục lệ dùng thực vật làm cỗ cúng và diệt sâu bọ bằng cách ăn hoa quả, hoặc xông, tắm để gột sạch cơ thể. Nhưng về tư tưởng chung thì hướng về y dược, ẩm thực, tích lũy thuốc thang để cầu mong một cuộc sống an khang. Tết Đoan Ngọ Việt Nam yếu tố y dược dân gian nổi trội hơn hẳn.
Quan niệm về khí tượng dân gian phương Đông coi ngày 5/5 Âm lịch là ngày cực dương (đỉnh của khí dương) - ngày nóng nhất trong năm. Khi ấy, cây cỏ, con người trong hệ sinh thái cũng ở trạng thái cực dương. Ngày này, người ta thường tìm những dược liệu vào đúng giờ Ngọ - cực dương của dương để hái về làm thuốc.
Người dân hái cây cỏ, thảo dược đem phơi khô để tích trữ dùng cho cả năm. Ngày này, người ta thường tìm những dược liệu vào đúng giờ Ngọ - cực dương của dương để hái về làm thuốc sẽ có chất lượng tốt.
Nhiều người cúng Tết Đoan ngọ vào sáng sớm ngày 5 tháng 5 âm lịch hằng năm, rồi đánh thức trẻ nhỏ dậy để ăn đồ cúng diệt sâu bọ. Nhưng lại có giải thích khác để cúng...
Nguồn: [Link nguồn]