Tất tần tật những điều cần biết về dao làm bếp
Mỗi con dao trong tủ bếp của bạn có một công dụng cụ thể khác nhau. Nhưng không phải ai cũng biết rõ cách sử dụng chính xác của từng loại dao trong căn bếp của mình, đôi khi lại đi theo nghĩa đen của câu “giết gà dùng dao mổ trâu”.
Bạn có bao giờ thắc mắc một đầu bếp sẽ sử dụng con dao đầu bếp (chef’s knife) để làm gì? Nếu câu trả lời là có, hãy cùng chúng tôi trò chuyện với đầu bếp Nina Clemente, bếp trưởng của hai nhà hàng nổi tiếng ở Mỹ.
Dưới đây là sáu loại dao không thể thiếu trong căn bếp của Clemente, cô cũng sẽ chỉ cho chúng ta biết mỗi con dao nên được sử dụng tốt nhất như thế nào.
Dao đầu bếp (chef’s knife)
Clemente gọi con dao này là “ngôi sao của buổi biểu diễn”, quân bài chủ lực trong mỗi nhà bếp. Cô nói mình sử dụng dao đầu bếp trên mọi mặt trận, cho bất cứ việc gì từ việc chuẩn bị rau củ quả cho đến pha lọc các loại thịt khác nhau. Hầu như không có một loại thực phẩm nào mà bạn không thể xắt nhỏ, chặt, băm, hay thái với dao đầu bếp, đó là lý do tại sao việc sở hữu một con dao đầu bếp tốt là tối quan trọng trong bất kỳ nhà bếp nào.
Dao bánh mì (bread knife)
Theo Clemente, loại dao lớn, có răng cưa này nên được sử dụng theo đúng ý nghĩa tên gọi của nó: cắt bánh mì.
Tuy nhiên, có một ngoại lệ cho quy tắc này. Clemente nói, nếu bạn cần cắt những loại quả có vỏ trơn bóng như cà chua, chanh tây, ớt chuông,... nhưng lại bị mắc kẹt với một con dao cùn, dao bánh mì có thể là cứu cánh của bạn khỏi cơn ác mộng ấy. Nhờ lưỡi răng cưa đặc trưng hạn chế sự trơn trượt của dao bánh mì, bạn sẽ tránh được chuyện cà chua bị cắt vụn nát chảy nước khắp mặt bếp xảy ra khi bạn vớ phải một con dao đầu bếp cùn.
Dao tỉa (paring knife)
Loại dao này được sử dụng tốt nhất cho các nhiệm vụ nhỏ hơn, cần đến sự tinh tế như tỉa hoa quả hay rau củ. Với Clemente, dao tỉa là công cụ lý tưởng để bỏ lõi các loại rau, cắt phần đầu các loại quả có cuống như cà tím, cà chua, và thái lát các loại quả mềm như quả bơ.
Nếu bạn đang tìm cách thái những lát dâu tây siêu mỏng để trang trí cho đĩa bánh ngọt hay ly kem tươi, con dao này là chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng.
Dao gọt hình mỏ chim (bird’s beak knife)
Có kiểu dáng tương tự như dao tỉa (paring knife) nhưng có phần lưỡi dao cong lên (hoặc xuống), dao gọt hình mỏ chim là loại dao nhỏ yêu thích nhất của Clemente. Cô dùng nó chủ yếu để gọt vỏ các loại trái cây như xoài hay kiwi, hoặc để cắt những miếng vỏ chanh mỏng và liền mạch.
Theo vị nữ đầu bếp, con dao nhỏ sắc bén này sẽ giúp bạn gọt một đường vỏ xoắn ốc nhanh, gọn, chuẩn.
Dao lọc xương và phi lê (fillet knife)
Đây chính là con dao dài và mỏng trong tủ bếp mà bạn chẳng bao giờ biết phải dùng nó vào việc gì. Tương tự như dao lọc thịt (boning knife), dao phi lê linh hoạt là loại dao lý tưởng nhất cho việc tách xương khỏi những thớ thịt và cá non mềm nhờ lưỡi dao đàn hồi mềm dẻo có thể uốn cong của nó.
Clemente thường dùng nó để chuẩn bị thịt, sườn và cá, đặc biệt là cho món gỏi crudo (với những lát cá sống mỏng như cánh ve), hay món tartare (bít tết thịt tái), hay để loại bỏ da cá. Cô khuyên mọi đầu bếp luôn luôn nên giữ gìn con dao này càng sắc càng tốt.
Dao chặt (cleaver)
Clemente nhận xét rằng, dao chặt nặng hơn nhiều so với những con dao bình thường khác trong căn bếp của bạn, và sẽ phát huy hiệu quả nhất trong việc chặt thịt, những tảng sườn lớn hoặc để pha thịt các loài gia cầm. Vì dao chặt có trọng lượng nặng và độ chắc tay cao, nữ đầu bếp cũng hay sử dụng nó để bổ dừa.Một cách dùng phổ biến khác của dao chặt là để thái cắt những loại rau củ đặc biệt cứng chắc.
Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những loại dao quan trọng nhất trong nhà bếp cùng công dụng của chúng, phần nào giúp việc nấu nướng hằng ngày của bạn nhanh chóng và thuận tiện hơn.
Hãy tham khảo bài viết dưới đây để cơm nguội biến thành cơm nóng sốt dẻo chỉ bằng những mẹo nhỏ đơn giản.