Tam giác mạch - loài hoa vừa cứu đói cho người nghèo, vừa là thuốc cho người giàu
Hoa Tam giác mạch mềm mại, kiêu sa bạt ngàn giữa cao nguyên đá hùng vĩ, là đặc sản, cũng là cây cứu đói cho người nghèo, cây thuốc cho người giàu.
Độc đáo lẩu Tam giác mạch
Theo chị Vừ Thị Hương (Sở Du lịch Hà Giang), hoa Tam giác mạch ở Hà Giang nở rộ từ tháng 9 - 12 hàng năm. Loài hoa mộc mạc, kiêu sa này được coi là cứu đói cho bà con mùa giáp hạt và gần đây còn được chế biến thành nhiều món ăn lạ miệng, đắt khách.
Hoa Tam giác mạch trải dài mênh mông ở Hà Giang. Ảnh minh họa.
Hoa Tam giác mạch mọc nhiều ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, ở Hà Giang loại hoa này được coi là đặc sản riêng, coi như rau sạch để chế biến món lẩu gà ở Hà Giang và đất Mỏ Quảng Ninh. Nếu ở Hà Giang hoa Tam giác mạch nở rộ vào tháng 10-12 thì ở Quảng Ninh nở rộ vào tháng 3 - 4 (khi đó hoa Tam giác mạch ở Hà Giang đã tàn). Người Quảng Ninh và Hà Giang dùng hoa Tam giác mạch làm rau cho món lẩu gà - là sáng tạo ẩm thực riêng rất ấn tượng với thực khách.
Bình thường thân cây Tam giác mạch non được bà con hái về luộc ăn như rau, khi vào mâm làm rau cho món lẩu gà đã trở thành món ăn ngon, lạ miệng, có vị chua chua, giòn giòn. Kinh nghiệm của người Hà Giang là để đảm bảo độ giòn và vị chua nhẹ cho rau Tam giác mạch cần phải ngắt thân cây lúc đang ra hoa (ăn ngon nhất là sau 20 ngày xuống giống). Muốn ăn rau Tam giác mạch trái vụ như ở Quảng Ninh, người dân phải có cách chăm bón kỹ hơn, tưới nhiều nước sạch và bón bằng phân vi sinh từ giun quế.
Gà làm lẩu hoa Tam giác mạch phải là loại chăn thả trên đồi nuôi khoảng 8 tháng trở lên, chọn loại 1,8 - 2kg thì thịt mới ăn ngon, thơm và béo ngậy. Chặt cổ cánh gà vào ninh làm nước dùng lẩu sẽ có vị đậm đà, tự nhiên. Vị chua của rau Tam giác mạch sẽ làm cho nước lẩu có mùi vị thanh mát, quyến rũ cả những thực khách khó tính nhất. Món ăn mới lạ không chỉ ngon mà còn rất tốt cho sức khỏe.
Chế biến hoa Tam giác mạch để ăn. Ảnh minh họa.
Mì Soba trứ danh
Một số quán ăn ở Hà Giang đã có món mì soba (soba là tên gọi khác của hạt hoa Tam giác mạch), 5 màu rất lạ và thú vị bởi mỗi bát mì là một màu khác nhau, vị của từng sợi mì cũng khác nhau. có vị của cam, có vị của nghệ, có vị của gấc, có vị của gà và có cả vị cay của ớt...
Mì Tam giác mạch. Ảnh minh họa.
Được biết trên thế giới có khoảng 27 quốc gia trồng cây Tam giác mạch, vì vậy nhiều nước có món mì soba làm từ hạt Tam giác mạch, trong đó có Nhật Bản. Món mì soba được người Nhật đặc biệt ưa chuộng vì hàm lượng dinh dưỡng vừa phải, ăn rất dễ tiêu, thanh nhiệt giải độc, tốt cho sức khỏe. Trước kia, những người giàu có ở Nhật thường ăn gạo xay giã quá kỹ, mất lớp cám gạo và dẫn đến chứng tê phù. Sau đó người Nhật phát hiện ra các món ăn chế biến từ bột hạt Tam giác mạch chứa nhiều vitamin B1 và B6 có thể ngăn ngừa được chứng tê phù này, và tới nay họ vẫn quen ăn các món có nguồn gốc từ hạt Tam giác mạch.
Mì soba thường dùng hạt Tam giác mạch bỏ vỏ rồi xay thành bột, rồi trộn với bột mì, nhào và lăn cho mỏng, thái sợi khô. Cho càng nhiều bột Tam giác mạch vào thì mì soba càng ngon và giá càng cao. Mì soba có thể chế biến thành món mì nóng, hoặc mì lạnh và món ăn giải nhiệt khi trời nắng nóng được người Nhật hay dùng là mì soba lạnh (mì được luộc chín và chấm với nước tương). Đặc biệt hơn là món mỳ Toshikoshi soba chỉ được chế biến và thưởng thức vào đêm giao thừa chào đón năm mới, bởi món ăn này là biểu tượng cho sự may mắn, sức khỏe và trường thọ.
Bánh Tam giác mạch. Ảnh minh họa.
Đặc sản nổi tiếng là bánh Tam giác mạch - làm từ bột hạt Tam giác mạch là món ăn của bà con miền núi khi trời lạnh. Hạt Tam giác mạch được phơi khô, xay bột đúc thành từng cái bánh tròn xoe, hấp chín trên bếp lửa, ấm nóng, vị ngọt thanh, mềm xốp. Tại các chợ phiên, bánh Tam giác mạch màu tím được xếp thành từng chồng mời gọi bà con xuống chợ suýt xoa ngồi bên bếp lửa hồng ăn bánh cùng thắng cố. Du khách phương xa cũng thưởng thức, hay mua về làm quà.
Bánh Tam giác mạch nướng trên than hồng. Ảnh minh họa.
Thuốc của người giàu
Theo các nhà khoa học, cây Tam giác mạch thân thảo, cao khoảng 0,5-1,5m, thân nhẵn, màu lục hoặc màu đỏ tía. Lá Tam giác mạch là lá đơn có cuống dài, mọc so le, hình tam giác - nên mang tên "tam giác" hay "ba góc", lại có hạt làm lương thực nên gọi là "mạch".
Cây Tam giác mạch vừa là lương thực, vừa là thuốc vì có nhiều công dụng chữa bệnh, chế biến thành rượu quý… thơm ngon đặc biệt. Theo Đông y, cây Tam giác mạch có vị ngọt hơi the, tính bình, quy vào các kinh tỳ, vị và đại tràng. Có tác dụng khai vị, khoan tràng, hạ khí, tiêu tích, lợi thấp, tiêu thủng, thanh nhiệt giải độc... Cây Tam giác mạch chứa nhiều hợp chất quí, trong đó có Rutin có tác dụng làm giảm tính thấm của mạch máu, làm bền các mao mạch, hạ huyết áp, phòng các tai biến về mạch máu.
Hạt Tam giác mạch. Ảnh minh họa.
Cháo Tam giác mạch rất tốt cho người viêm ruột, lị, đường ruột bị tích trệ.
Lá non tam giác mạch ăn sống hoặc nấu canh rất ngon, ăn thường xuyên giúp cải thiện sức nhìn của mắt, sức nghe của tai.
Lá, thân và hoa là dược liệu chứa Rutin, dùng trong các bệnh xơ vữa mạch máu, xuất huyết, tăng huyết áp. Có thể dùng 8-10g (lá), 12g (hoa) hãm hoặc sắc uống nhiều lần trong ngày.
Hoặc dùng 10-15g nhân hạt tam giác mạch, sao vàng, nấu cháo ăn để chữa các bệnh viêm ruột, lỵ, đường ruột bị tích trệ.
Thân và lá Tam giác mạch sắc lên thành vị thuốc chữa bệnh dạ dày, ung thư trực tràng, táo bón, huyết áp, người bị bệnh mỡ máu, đường máu.
Ở Việt Nam thời kỳ những năm 70 của thế kỷ trước thường nói tam giác mạch là thức ăn của người nghèo và là thuốc của người giàu là vì lẽ đó.
Ở Hà Giang đang có Lễ hội hoa Tam giác mạch (được tổ chức hàng năm) vào trung tuần tháng 11 tại trung tâm huyện Đồng Văn. Thời điểm này khắp các vùng Phố Cáo, Phó Bảng, Sà Phìn, Lũng Táo, Lũng Cú của huyện Đồng Văn; các vùng Tả Lủng, Sủng Là, thị trấn Mèo Vạc, Pả Vi của huyện Mèo Vạc bạt ngàn hoa Tam giác mạch. Du khách ngoài thưởng lãm đồng hoa bung nở, còn được tham gia làm bánh Tam giác mạch, uống rượu Tam giác mạch…
Ở Mỹ, lễ hội hoa Tam giác mạch được tổ chức ở tiểu bang West Virginia vào cuối tháng 9 hàng năm. Du khách đến đây để tìm hiểu về mật ong tam giác mạch và thưởng thức loại bánh thơm ngon nổi tiếng làm từ hạt của loài cây này. Tại Mỹ và một số nước khác bột Tam giác mạch được dùng làm các loại bánh ưa thích, đặc biệt cho người bị dị ứng với lúa mì. Người Pháp dùng hạt Tam giác mạch để sản xuất rượu whisky. Họ còn có món bánh Galettes làm từ bột hạt Tam giác mạch và trứng gà - là thương hiệu bánh nổi tiếng. Ấn Độ coi lá non của cây Tam giác mạch là một loại rau xanh và hạt Tam giác mạch là nguyên liệu phổ biến để chế biến các món chay. Hạt mạch có thể thay thế cho các loại ngũ cốc trong sản xuất các loại bánh, mì sợi, rượu bia (vì có chứa tinh bột, protein, các khoáng chất như kẽm, sắt và selen), có vai trò quan trọng trong việc chế biến các món mì sợi ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Italia. Hạt Tam giác mạch còn xay ra lấy bột làm bánh hoặc để nấu rượu, chăn nuôi gia súc. |
Thịt lợn cắp nách, xôi ngũ sắc, cháo ấu tẩu hay trâu gác bếp là những món ăn nổi tiếng của vùng cao nguyên Hà Giang mà...
Nguồn: [Link nguồn]