Sự khác biệt giữa những bữa tiệc Giáng sinh truyền thống của các nước trên thế giới
Mỗi đất nước lại có một món ăn đặc trưng riêng vào dịp lễ Giáng sinh.
Ở nhiều quốc gia, Giáng sinh là dịp quan trọng để gia đình và bạn bè hội tụ vào những ngày cuối năm. Tùy vào văn hóa đặc trưng và khẩu vị riêng mà mỗi đất nước lại có một món ăn Giáng sinh truyền thống khác nhau.
1. Ý
Đêm trước Giáng sinh thường là ngày ăn chay của những người theo đạo Thiên Chúa ở Ý. Mặc dù vậy, đôi khi cá và hải sản vẫn được phục vụ cho bữa tiệc của dịp lễ quan trọng này. Vào buổi trưa ngày lễ Giáng Sinh, người Ý sẽ tổ chức một bữa tiệc lớn tập hợp các thành viên trong gia đình với vô số món ăn. Mọi người sẽ cùng nhau nấu những món ăn truyền thống như antipasti, lasagna (một dạng mì Ý được nướng với rau củ và phô mai), mì ravioli, gà nướng, bò kho, thịt bê nhồi hoặc thịt lợn quay.
Đặc biệt nhất là không thể thiếu món bánh Panettone, đây được ví như “trái tim của người Ý” vào mùa lễ Giáng sinh. Panettone là một loại bánh ngọt hình vòm tròn, có nguồn gốc từ Milan, một thành phố lớn ở miền bắc nước Ý. Pane trong tiếng Ý có nghĩa là bánh mì và Panettone có nghĩa đen là “ổ bánh mì lớn”. Loại bánh này được làm bằng bột lên men với các loại hoa quả sấy khô. Đôi khi người ta thay hoa quả bằng socola và phủ một lớp siro với mật ong bên ngoài.
2. Đức
Vào đêm Giáng sinh, người Đức thường quây quần cùng gia đình bên cây thông Noel, họ sẽ tặng nhau những món quà đã chuẩn bị từ trước và hát những bài hát mừng ngày lễ đặc biệt này. Sau đó mọi người sẽ cùng ăn một bữa tối bao gồm xúc xích, salad, khoai tây nghiền, Rotkraut (bắp cải đỏ om), Knödel (bánh khoai tây),… Đặc biệt không thiếu món Ente (ngỗng quay) trên bàn tiệc.
Món tráng miệng là Stollen, một loại bánh bông lan hạnh nhân kết hợp với các loại trái cây khô (như nho khô, việt quất khô, …). Món bánh ngọt này xuất hiện lần đầu từ thế kỷ 15 như một món quà thể hiện tình thương vào ngày Giáng sinh, sau đó nhanh chóng phổ biến. Nhâm nhi một miếng bánh Stollen sẽ giúp xua tan đi thời tiết lạnh lẽo của ngày mùa đông lạnh giá ở Đức.
3. Ba Lan
Bữa tối đêm Giáng sinh được gọi là Wigilia ở Ba Lan. Đây là ngày chấm dứt chuỗi ngày ăn chay đối với những người theo đạo Thiên Chúa. Tùy theo truyền thống của mỗi vùng miền và thói quen, sở thích của từng gia đình mà các món ăn trong bữa tối đêm Giáng sinh có thể khác nhau. Về cơ bản các món chính chủ yếu được chế biến từ rau, củ, đại mạch và không được có thịt động vật. Đặc biệt, cá là món không thể thiếu trên bàn ăn.
Thông thường sẽ có 12 món ăn truyền thống được phục vụ trên bàn ăn. Trong số đó, phổ biến nhất là Kutia (món ngũ cốc), cá nấu đông, cá chép, Barzcz (súp củ dền đỏ), Golabki (bắp cải cuộn) và bánh Pierogi (một loại bánh xếp) có nhân là hạt anh túc hoặc mận. Trong bữa tối đêm Giáng sinh của người Ba Lan, mọi người không uống rượu nên thức uống chủ yếu là nước ngọt làm từ hoa quả như táo, mận, lê,... Đồ tráng miệng sẽ được các bà nội trợ tự tay nướng và trang trí đẹp mắt rồi bày đặt xen kẽ trên bàn ăn.
4. Áo
Vào đêm trước Giáng sinh, tức ngày 24 tháng 12, người Áo thường chỉ ăn bữa tối nhẹ nhàng với súp truyền thống cùng xúc xích, khoai tây nướng và Sauerkraut (bắp cải muối chua). Phải đợi đến ngày 25 tháng 12 họ mới tổ chức một bữa tiệc vào trưa Giáng sinh bao gồm ngỗng quay nhồi bắp cải đỏ, cá, đặc biệt là cá chép, cùng một số món ăn khác và quây quần bên gia đình.
Vanillekipferl là món bánh không thể thiếu trong dịp Giáng sinh của người Áo. Đây là những chiếc bánh quy hạnh nhân nhỏ, hình lưỡi liềm được phủ một lớp đường vani. Những chiếc bánh xinh xắn này được người Áo vô cùng ưa thích.
5. Vương quốc Anh
Ở Vương quốc Anh, lễ Giáng sinh được tổ chức vào ngày 25 tháng 12 với một bữa tiệc đặc biệt công phu. Mọi người trong gia đình sẽ quây quần bên nhau trong bữa trưa hoặc bữa tối Giáng sinh. Đồ ăn truyền thống thường có gà tây nhồi, khoai tây nướng, cải bruxen, gammon (thịt muối hun khói) ăn cùng nước sốt nam việt quất, ... Đối với những người hảo ngọt, bánh nướng nhân thịt và bánh pudding Giáng sinh sẽ là những món ăn đặc biệt không thể thiếu.
Bánh pudding Giáng sinh là một loại bánh trái cây hấp, ban đầu nó được gọi là “bánh pudding mận” vì chỉ mận được sử dụng trong công thức truyền thống. Tuy nhiên ngày nay, bánh pudding Giáng sinh chủ yếu được làm với trái cây khô, nho khô và các loại hạt.
6. Pháp
Món bánh bûche de Noël hay “khúc gỗ Giáng Sinh” là loại bánh ngọt đặc biệt mà tất cả mọi người tại Pháp đều mong chờ vào dịp lễ quan trọng trong năm này. Đúng như tên gọi của mình, món bánh bông lan mềm mịn này được bày biện và trang trí sao cho giống hệt như một khúc gỗ chuẩn bị được đưa vào đốt trong lò sưởi. Phết bên ngoài chiếc bánh là một lớp kem bơ socola, người ta cũng thường dùng đường bột (giống như tuyết), cành cây, dâu tươi và nấm được làm từ bánh trứng meringue để trang trí bánh.
Réveillon de Noël là một bữa tiệc đặc biệt diễn ra vào đêm hoặc buổi sáng sớm của ngày Giáng sinh. Các gia đình Pháp thường thưởng thức những món ăn từ hàu, cá hồi hun khói, các loại pho mát khác nhau, pate gan ngỗng, ... Đặc biệt, gà tây nướng, thịt bò, thịt nai (hoặc thịt thú rừng) là những món ăn chính không thể thiếu trong bữa tiệc cuối năm này.
7. Tây Ban Nha
Bữa tiệc Giáng sinh chính của người Tây Ban Nha được tổ chức vào đêm 24 tháng 12. Trên bàn tiệc, người Tây Ban Nha thường uống rượu vang đỏ và thưởng thức các món ăn đặc trưng như gà tây nhồi, thịt xông khói, xúc xích Tây Ban Nha salchichon, manchego và tôm, bít tết, ... Sau khi bữa tiệc kết thúc, nhiều gia đình sẽ tham dự thánh lễ nửa đêm Giáng sinh tại nhà thờ. Quà tặng không được trao đổi vào ngày này vì người Tây Ban Nha có truyền thống tặng quà nhau vào ngày 6 tháng 1.
Một món tráng miệng Giáng sinh rất độc đáo của người Tây Ban Nha đó chính là kẹo Turrón. Turrón có hai dạng cứng và mềm, chúng được làm từ mật ong, đường và hạnh nhân. Một món ngọt khác cũng rất phổ biến vào Giáng sinh đó là mazapan, một loại bánh hạnh nhân ngọt được làm thủ công theo hình trái cây hoặc hình người.
8. Ukraine
Người Ukraine tổ chức tiệc Giáng sinh vào ngày 6 tháng 1 bởi theo Chính thống giáo, Giáng sinh không được tổ chức vào tháng 12 mà vào ngày 7 tháng 1. Món ăn Giáng sinh truyền thống thường không chứa thịt, sữa hoặc chất béo động vật, tuy nhiên các món làm từ cá vẫn có thể được phục vụ.
Bàn tiệc thông thường sẽ có 12 món ăn tượng trưng cho 12 tông đồ. Một trong những món ăn truyền thống là Kutya, đây là món ăn tương tự như cháo được nấu từ hạt lúa mì, hạt táo, hạt anh túc, mật ong và các loại gia vị.
9. Nga
Ở nhiều gia đình tại Nga, bữa tối đêm Giáng sinh không có thịt vì ngày này rơi vào thời kỳ ăn chay của những người theo đạo Chính thống. Người Nga thường ăn món ăn có tên là Sochivo, món này tương tự như Kutya của Ukraina, được nấu từ lúa mì, mật ong, hạt anh túc và các loại hạt hoặc quả mọng khô. Một số người thích ăn món Aspic (cá nấu đông) vào ngày lễ này, những người ăn thịt thì thưởng thức thịt ngỗng hoặc thịt lợn nướng.
Pyraniki là loại bánh quy mật ong thường được làm dưới hình dạng những ụ bánh nhỏ. Bánh được trang trí bằng đường hoặc socola, đôi khi vỏ cam hoặc mứt hoa quả cũng được thêm vào trong bánh để tăng thêm hương vị.
10. Mexico
Ở Mexico, Giáng sinh không được tổ chức như một ngày lễ chính thức. Thay vào đó, ngày 6 tháng 1 được biết đến là ngày “lễ Ba Vua” (Epiphany hoặc El Dia de los Reyes). Một trong số những món ăn truyền thống không thể thiếu vào ngày này của Mexico là món Bacalao. Đây là một món ăn nguội bao gồm cá được nấu chín hoặc chiên sau đó trộn với rau và ô liu. Ngoài ra bữa tiệc cũng được phục vụ cùng những món ăn khác như giăm bông, gà tây, ...
Bên cạnh đó, bánh Ba Vua cũng là một trong những thứ không thể thiếu đối với người Mexico. Chiếc bánh thường được giấu một bức tượng nhỏ (hình em bé, đại diện cho Chúa Jesus) bên trong. Người tìm thấy bức tượng được cho là sẽ nhận được sự phù hộ may mắn từ Chúa trong năm đó và được gọi là “Godparent”.
Nguồn gốc ra đời của các món ăn phương Tây vào dịp Giáng sinh ở Nhật khiến nhiều người bất ngờ.
Nguồn: [Link nguồn]