“Say” bánh cuốn chả Hà Nam

Đĩa bánh cuốn trắng tinh, phết lên chút hành phi chưa ăn đã thấy thơm lừng.

Hôm nọ, chiếc xe khách bỗng... lăn đùng ra chết máy ngay trên Quốc lộ 1 vào đúng 12 giờ trưa.

Gần 20 hành khách nhăn nhó vì giữa lúc trời nắng, lại đúng cơn đói đang ập đến. Biết ngồi đâu chờ cho đến lúc chiếc xe được sửa xong? Tức thì ai nấy nhìn ngay ra những tấm biển sắt được vẽ đơn sơ bên kia đường: Bánh cuốn chả.

Chúng tôi tìm ghế ngồi. Chẳng ai hi vọng được nếm của ngon vật lạ, mỗi người uể oải gọi đĩa bánh cuốn chả, mong có chỗ ngồi mát và lấp đầy được cái dạ dày đang trống rỗng.

Chị bán hàng đon đả, “có ngay, có ngay”.

“Say” bánh cuốn chả Hà Nam - 1

Bánh cuốn trắng tinh, bát thịt nướng đầy tràn và một đĩa rau tươi mơn mởn - Ảnh: Thúy Hằng

Mà đúng là có ngay thật. Chưa đầy 10 phút sau, tôi tức thì tỉnh hẳn cơn uể oải vì nắng nóng, mắt sáng lên khi thấy trước mắt mình đồ ăn có phần... vượt mong đợi.

Một đĩa rau xà lách, húng quế, hoa chuối thái tươi non, một bát thịt nướng chan đẫm nước mắm còn bốc khói, thấp thoáng đáy bát là màu xanh dịu của lát đu đủ xắt mỏng.

Một đĩa bánh cuốn trắng tinh, phết lên trên là chút hành củ phi dầu giòn rụm, chưa ăn đã thấy thơm lừng.

Nào tôi đã bao giờ ăn thử bánh cuốn chả Hà Nam. Đã từng ăn bánh cuốn thịt nướng Tam Đảo, bánh cuốn tôm phố Hàng Gà, bánh cuốn nấm phố Hàng Cót, nhưng món bánh cuốn đang bày trước mặt mình vừa lạ, vừa quen thì chưa từng nếm.

“Say” bánh cuốn chả Hà Nam - 2

Bánh được cắt thành từng miếng vừa ăn, phết lên trên cùng chút hành củ phi giòn, thế thôi mà nhìn "lôi cuốn" quá - Ảnh: Thúy Hằng

Bánh cuốn Hà Nam tráng mỏng dính, khá giống bánh cuốn Thanh Trì của Hà Nội nhưng trắng tinh, không hề được cuốn thêm nhân tôm, thịt, hay bất cứ gia vị nào.

Tô nước chấm đầy tràn thịt nướng. Thịt nạc vai là chủ yếu, đan xen vài lát thịt ba chỉ (thịt ba rọi) nướng vàng ươm, phần mỡ quắt lại, ăn deo dẻo. Đu đủ ngâm giấm giòn giòn làm tôi liên tưởng đến món bún chả nướng của Hà Nội. Có điều nước mắm ở đây được pha vị đậm hơn, ai tinh ý có thể thấy hơi mặn.

Bà chủ quán tên Thanh làm bánh cuốn từ năm lên 10 tuổi ở thành phố Phủ Lý bảo ở đây nghề làm bánh cuốn là nghề gia truyền. Đời bà mới quen việc xay bột bằng máy chục năm nay, chứ trước đây toàn dùng tay quay cối xay đá nặng trình trịch.

“Người ta bảo dùng cối xay đá bánh ngon hơn. Nhưng công nhận xay đá thì lâu lắm. Lại cũng không bảo đảm vệ sinh thực phẩm”, bà Thanh thành thật.

Theo tiết lộ của bà Thanh, phần hành phi cho thêm vào đĩa bánh cuốn do nhà tự làm, làm ngày nào bán hết ngày đó. Bà Thanh bộc trực: “Bao nhiêu năm qua tôi không bao giờ lấy hành phi sẵn của người bỏ mối. Lát hành khô cong, ăn trệu trạo, chả biết có làm từ củ hành nguyên chất không?”.

Người ăn cay được thì bỏ thêm vài lát ớt đỏ. Người thích thêm vị tỏi thì cho vào muỗng tỏi ngâm giấm. Tôi thấy bát nước chấm quá ổn thì ngồi im, “tập trung” vào mục tiêu trước mặt. Ăn đến khi nóng bừng hai tai, thấy trên bàn rau hết, thịt hết, còn hai lát bánh cuốn thì buông đũa, nhìn sang người bên cạnh cười cười: “Ngon quá!”.

Bấy giờ mới đủng đỉnh bước ra ngoài hiên, chúng tôi thấy cả một dãy phố trên thành phố này san sát các cửa hàng bánh cuốn chả. Nhà nào cũng rộng, bàn ghế sạch sẽ, chỉ bán độc một thứ: bánh cuốn chả. Thế mà như lời bà Thanh, chẳng ai phải giành khách của ai. Lượt khách này qua, lại đến lượt khác ghé thăm.

Sau 1 giờ đồng hồ thì xe chuyển bánh được. Không ai say xe, chỉ “say”... bánh cuốn. Từ Phủ Lý về ai cũng rào rào bàn chuyện bánh cuốn chả.

Kẻ khen, người chê, nhưng số đông vẫn là hoan hỉ vì được ăn một bữa ngon. Hay đói quá mà thấy gì cũng ngon? Một người có ý kiến. Nhưng ai nấy đều tin tưởng anh trưởng đoàn, một tay sành ăn có tiếng cũng phải gật gù, “bánh cuốn đáng đồng tiền bát gạo” (30.000 đồng/suất rất đầy đặn).

Mới đây đi ngang qua phố Nghĩa Tân (Q.Cầu Giấy, Hà Nội), tôi thấy một quán treo biển bánh cuốn chả Hà Nam liền hí hứng vào ăn ngay. Bàn, ghế ghép từ những khúc tre, quán treo đầy các buồng chuối, lại có cả những bụi chuối tươi trang hoàng cho quán, nhìn chung rất đẹp. Nhưng bánh cuốn chả thì dở thôi rồi.

Lèo phèo vài lát thịt nướng khô khốc, nước mắm mặn không ra mặn, chua không ra chua. Có lẽ cuộc "di cư" từ Hà Nam lên đất Hà thành đã khiến bánh cuốn chả vơi đi phần tinh tế mất rồi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thúy Hằng- Trinh Nguyễn (ihay)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN