Sai lầm khi làm bánh Trung thu mà ai cũng mắc phải

Tuy đã có công thức video clip về cách làm bánh trung thu, nhưng không phải mẻ bánh nào cũng thành công. Bạn hãy tham khảo những bí quyết dưới đây để đảm bảo có thể làm ra những chiếc bánh hoàn hảo nhé.

Các lỗi thường gặp khi làm bánh trung thu và cách xử lý:

1. Bánh biến dạng

Một trong những lỗi hay gặp nhất khi làm bánh Trung thu là bánh thường bị biến dạng sau khi nướng hoặc bị chảy chân, phồng rộp. Nguyên nhân là việc phân chia nhân và vỏ bánh chưa chuẩn, công đoạn bao vỏ bánh vào nhân bị lọt khí. Bạn cần một chiếc cân để giải quyết việc phân chia cho phù hợp và cẩn thận lúc bao sao cho hai lớp nguyên liệu bám vào nhau thật khít.

2. Vỏ bánh nướng cứng và bị nứt vỡ

Sai lầm khi làm bánh Trung thu mà ai cũng mắc phải - 1

Dùng dứa đun cùng nước đường sẽ khiến vỏ bánh mềm, ít nứt vỡ.

Một vấn đề khác hay xảy ra khi nướng bánh trung thu là phần vỏ bánh bị cứng, hay nứt vỡ khiến ăn mất ngon cũng như làm mất thẩm mỹ của chiếc bánh. Để giải quyết vấn đề này, bạn hãy cho những miếng dứa (thơm) tươi vào đun cùng với nước đường. Sau khi nước đường nguội, bạn vớt dứa ra bỏ đi. Cách này sẽ giúp vỏ bánh nướng mềm, ít bị nứt vỡ mà đảm bảo sẽ không có mùi dứa trong vỏ bánh đâu.

3. Cách bỏ lòng đỏ trứng muối vào nhân

Lòng đỏ trứng cần được nướng hoặc hấp chín trước khi cho vào nhân bánh. Nếu làm bánh dẻo, cần làm lòng đỏ trứng chín, nếu làm bánh nướng, bạn chỉ cần để chín lòng đào là Ok. Như thế khi bánh nướng chín, lòng đỏ trứng bên trong sẽ có màu cam đậm rất đẹp.

Viên nhân thành hình tròn, dùng ngón tay ấn lõm ở chính giữa viên nhân, sâu khoảng 1/2 viên nhân. Ấn trứng vào vết lõm này, rồi tiếp tục ấn cho trứng lún sâu vào viên nhân. Đồng thời miết cho phần nhân bên ngoài dồn lên, bao hết trứng và tạo thành viên tròn.

Cách làm này sẽ giúp hạn chế được việc có không khí lọt vào giữa đậu và trứng, giúp trứng dễ nằm chính giữa viên nhân hơn.

Nếu là bánh 2 trứng, nên bọc một lớp đậu mỏng quanh 2 lòng đỏ trứng rồi mới thêm đậu tạo thành viên nhân hình tròn, để tránh việc có không khí hay khe hở giữa hai trứng.

Nhân thập cẩm kém độ dẻo nên việc cho trứng muối sẽ phức tạp hơn chút. Bạn lấy 1/2 số nhân nặn thành nửa viên nhân tròn đặt trứng vào giữa rồi lấy 1/2 số nhân còn lại để hoàn thiện cả viên nhân bánh.

4. Các vấn đề khác

Bánh đóng không sắc nét, bị chảy xệ: có thể do nhân quá nhão hoặc vỏ nhão

Bánh đóng xong sắc nét nhưng nướng xong bị mất nét, hoặc mặt bánh bị nứt, thành bánh bị cong, phù: có thể do nhiệt nướng hơi cao quá, mặt bánh hơi gần với lửa trên, vỏ bánh hơi khô, hoặc dùng quá nhiều bột áo (nếu áo khuôn bằng bột). Ngoài ra, có thể do bọc vỏ bánh chưa đủ khít, có không khí giữa vỏ và nhân (khi nướng, khí này phồng lên làm vỏ bánh bị phồng).

Sai lầm khi làm bánh Trung thu mà ai cũng mắc phải - 2

Bánh chảy do bột nhão, màu bánh nhạt và quết trứng không đều.

Bánh đóng xong sắc nét, nướng lần một ổn, sau kq quét trứng xong thì mất nét: do quét trứng hơi dày.

Bánh bị nứt, phồng hoặc rạn vỏ: do quét trứng hơi dày hoặc quét trứng khi mặt bánh còn ướt.

Bánh bị ướt kiểu hơi dính sau khi để ngoài 1 – 2 ngày: do nước đường mới nấu chưa để đủ lâu, hoặc trong hỗn hợp trứng có đường/ nước đường/ nước hàng/ nước màu dừa/ mật ong/ mạch nha… Do bảo quản bánh trong nơi bí hơi.

Vỏ bánh khô và cứng, để qua ngày vẫn không mềm: do vỏ bánh hơi dày và nướng lâu/ nhiều lần, nhiệt độ cao.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Minh (Người đưa tin)
Cách làm bánh Trung thu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN