Sai lầm khi dùng giấy bạc chế biến đồ ăn gây hại sức khoẻ, rất nhiều người không biết
Nếu dùng giấy bạc chứa thực phẩm nhiều giấm, muối mặn, hoặc nhiều loại gia vị nồng độ cao, các nguyên liệu chứa nhiều axit như cà chua, chanh... sẽ gây ra các phản ứng hóa học làm hỏng, thối, mốc thức ăn.
Theo kinh nghiệm của những người nội trợ, dùng giấy bạc để hấp, nướng thức ăn sẽ giúp đồ ăn luôn đậm đà, đẹp mắt và không bị cháy xém... Đây có lẽ là một trong những lý do ngày càng nhiều bà nội trợ, các cửa hàng kinh doanh ẩm thực sử dụng giấy bạc để chế biến thực phẩm.
Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng, liệu dùng giấy bạc chế biến thức ăn có tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe?
Dùng giấy bạc đúng cách sẽ không hại sức khỏe. Ảnh minh họa
Giải thích về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho rằng, giấy bạc thực chất là một màng rất mỏng làm bằng nhôm có màu trắng. Giấy bạc được dùng rất phổ biến để sản xuất bao bì và màng để bao gói thực phẩm khi bảo quản hoặc để bọc thực phẩm (thịt, cá, rau, củ…) khi nướng trên bếp lửa.
Để sản xuất giấy bạc, nguời ta dùng nhôm (Al) có độ tinh khiết rất cao (99,99%), gần như nhôm tinh khiết. Với độ tinh khiết như thế, nhôm rất dẻo và tạo ra màng nhôm rất mỏng.
Trong thực tế, người ta sản xuất giấy bạc ở 2 dạng: Dạng 1 là màng nhôm, dạng 2 là màng nhôm kết hợp với màng chất dẻo hoặc màng giấy. Vì màng nhôm có khả năng chống xuyên thấm, chống ánh sáng, ngăn được không khí và không thấm nước nên sẽ ngăn được mùi, giữ được độ ẩm cho thức ăn.
Vì vậy, dùng giấy bạc gói thực phẩm bản chất không hại tới sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, cần thận trọng là không nên dùng giấy bạc trong lò vi sóng vì lò vi sóng làm chín thực phẩm từ bên trong ra bằng sóng điện từ sẽ phá hoại giấy bạc nhanh, ion nhôm sẽ xâm nhập vào thực phẩm nhanh và dễ dàng hơn. “Chưa kể, nếu dùng giấy bạc trong lò vi sóng- tức là kim loại nhôm, có thể gây ra hiện tượng cháy, nổ lò vi sóng”, ông Thịnh khuyến cáo.
4 trường hợp không nên dùng giấy bạc
Không dùng giấy bạc bọc những thực phẩm giàu axit. Ảnh minh họa
Không dùng giấy bạc gói thức ăn nhiều gia vị hoặc giàu axit
Tránh gói các nguyên liệu chứa nhiều giấm, muối mặn, hoặc nhiều loại gia vị nồng độ cao, các nguyên liệu chứa nhiều axit như cà chua, chanh,... vì các chất này kị với kim loại. Sẽ gây ra các phẩn ứng hóa học làm hỏng, thối, mốc thức ăn.
Không dùng giấy bạc bọc ngoài đồ kim loại
Một điều mà bạn cần phải cực kì lưu ý khi sử dụng giấy bạc là không được dùng giấy bạc để bọc đồ kim loại. Việc này có thể gây ra phản ứng điện phân vì giấy bạc cũng là kim loại, sẽ dẫn đến việc thủng giấy bạc, giấy bạc bị cháy xén.
Không dùng giấy bạc trong lò vi sóng
Các lò vi sóng thông thường dùng năng lượng điện để làm nóng thức năng, nên khi dùng giấy bạc trong lò vi sóng sẽ bắn ra các tia lửa điện.
Tuy nhiên nếu bạn sử dụng lò vi sóng có chế độ nướng thì có thể yên tâm, và nhớ chừa vài lỗ nhỏ hoặc khe hở trên giấy bọc để có thể thoát hơi, tránh tình trạng giấy bạc bị phồng nổ.
Hạn chế lót giấy bạc dưới đáy lò nướng
Đúng là việc lót giấy bạc dưới đáy lò sẽ giữ được lò sạch sẽ nhưng về lâu dài, hành động này sẽ ảnh hưởng xấu đến lò nướng. Nên thay vì lót giấy bạc dưới đáy lò, bạn có thể cân nhắc dùng khay nướng và phủ giấy bạc lên khay.
4 lưu ý khi sử dụng giấy bạc để an toàn sức khỏe
Không nên sử dụng giấy bạc đã bị sỉn màu hoặc xuất hiện những đốm đen. Ảnh minh họa
- Không nên sử dụng giấy bạc đã bị xỉn màu hoặc xuất hiện những đốm đen như vậy sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người cũng như chất lượng của món ăn.
- Khi giấy bạc để lót khay nướng nên quét một lớp dầu ăn mỏng lên bề mặt giấy để khi nướng thực phẩm sẽ không bị dính vào giấy bạc.
- Khi dùng để nướng gà hay vịt thì nên bọc lỏng tay nhưng phải bọc kín để đảm bảo lượng nhiệt không bị truyền ra ngoài.
- Nên chọn mua giấy bạc uy tín để khi sử dụng đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Nguồn: [Link nguồn]
Khi sử dụng nồi chiên không dầu, không nên chọn những loại thực phẩm giàu axit như chanh, dấm, trái cây có vị chua… vì một lượng nhỏ axit trong món ăn phản ứng với chất nhôm...