Sài Gòn ngóc ngách: Cơm gõ

Bạn đừng vội tưởng cơm gõ cùng họ với mì gõ. Mì gõ bình dân và mở rộng bao nhiêu thì cơm gõ “chanh hỏi” và đóng kín bấy nhiêu.

Trong con hẻm lớn trên đường Trần Cao Vân, quận 1, cách hồ Con Rùa vài trăm thước, nếu từ đây đi lại thì hẻm nằm ở phía bên trái, có một quán cơm, cũng phía bên trái con hẻm từ ngoài đi vào, luôn đóng cổng im ỉm. Khách muốn ăn, phải gõ cửa cổng. Không phải cứ hễ gõ thì cửa sẽ mở như Chúa Giêsu đã nói trong Kinh thánh Tân ước. Khi nghe tiếng gõ cửa, một vuông cửa nhỏ giữa một cánh cửa được hé ra, để nhìn mặt khách đến ăn xem có OK hay không. Hoặc để cho khách biết quán không còn chỗ. Nếu OK hoặc còn chỗ, cổng sẽ mở.

Bên trong là một không gian hạn chế, chỉ đủ chứa vài bàn ăn, có lẽ vì vậy mà nếu đủ khách thì quán từ chối những người gõ cửa đến sau.

Yên tĩnh. U nhã. Chỗ ngồi lý tưởng nhất là dưới bóng cây trước nhà, nếu bạn may mắn là người đến sớm nhất. Hạng nhì là hàng hiên.

Quán bán các món ăn nấu theo gu Bắc. Những món ăn rất đời thường trong những bữa ăn hàng ngày. Rau muống xào. Canh riêu cá chép. Trứng chiên. Cơm trắng gạo thơm v.v.

Sài Gòn ngóc ngách: Cơm gõ - 1

Quán mà cửa cứ đóng, ai gọi hỏi mới tính tới...

Cái ngon ở đây là món ăn đúng mực, không cầu kỳ, vượt lên cái giới hạn của một bữa ăn gia đình trung lưu. Hay nhất là không gian ăn – điều kiện để ăn ngon theo nhà thơ Tản Đà vốn cả đời đói nghèo mà bày đặt chảnh – yên ả, không bị ô nhiễm tiếng ồn giữa một Sài Gòn trưa nóng, ồn, bụi. Nó như rứt ta ra khỏi môi trường ấy một cách đột ngột, trong một cự ly rất ngắn. Không gian ăn ấy chứa đựng những bàn những ghế và bài trí thật đẹp nhưng không quá cầu kỳ.

Con hẻm này ở đằng cuối còn vướng một chút lịch sử. Ngày xưa đây là chỗ ở của phóng viên chiến trường mà nhiều người biết đến – Peter Arnett – và gia đình vào những năm 60, 70 thế kỷ trước, phần lớn thời gian này ông làm việc cho hãng tin AP của Mỹ; đoạt giải Pulitzer năm 1966 về tường thuật tin tức chiến sự Việt Nam. Năm 1972 ông có dịp ra Hà Nội, năm 1995 từng trở lại Việt Nam.

Hành động nổi tiếng nhất của ông trong tường thuật chiến sự trong một bài báo đăng ngày 7.2.1968 về thị xã Bến Tre: “Cần thiết phải huỷ diệt thị xã này để cứu nó, một chỉ huy người Mỹ hôm nay đã nói. Ông ta đang bàn về quyết định do các chỉ huy đồng minh đưa ra là ném bom và thiêu huỷ thị xã bất chấp các thương vong dân vô tội để tiêu diệt Việt cộng”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khởi Thức ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN