Sạch như canh rau ranh ốc đá
Ngoài hương vị riêng thì có lẽ đây là loại rau và ốc sạch nhất hiện nay.
Dọc tuyến đường 616 từ thị trấn Tiên Kỳ (Tiên Phước, Quảng Nam) ngược lên xã Tiên Lãnh (giáp giới huyện Bắc Trà My) bạn sẽ thấy nhiều người kê bàn bán mớ rau ranh tươi và ốc đá còn sống bên vệ đường.
Rau ranh và ốc đá hầu như mùa nào cũng có, nhưng chớm hè mới là thời kỳ mà rau ranh ra nhiều lá non và ốc đá chuẩn bị sinh sản, nên khi nấu canh hay làm món xào vào thời điểm này là ngon nhất. Hai loại này “kết bạn” với nhau trong thực đơn của người vùng cao, giờ thành món khoái khẩu của dân thành thị, nhất là trong những ngày hè nóng bức này mà có bát canh rau ranh ốc đá để giải nhiệt thì rất tuyệt.
Ốc đá bắt về ngâm nước vo gạo cho nhả hết bùn nhớt. Ảnh Thiên Xuân
Rau ranh là loại rau mọc hoang trên rừng, lá to bằng lá chè, có màu nõn chuối, mùi hơi chua, dịu hơn lá bứa. Chúng mọc nhiều nhất ở vùng núi Tiên Phước và Trà My (Quảng Nam).
Sông Tiên là con sông duy nhất của huyện miền núi Tiên Phước có đặc điểm là không chảy xuôi ra biển Đông mà ngược dòng nhập vào sông Thu Bồn. Con sông này chính là chỗ trú ngụ sinh sôi nảy nở của ốc đá. Ốc có màu đen đùng đục chuyên bám vào đá nên gọi là ốc đá. Trong thời điểm tháng ba hằng năm khi trời mưa dông, ốc đá xuất hiện càng nhiều.
Thu xếp dịp cuối tuần chúng tôi dong xe về nhà cô bạn nhà ở ngay bên dòng sông Tiên để đi bắt ốc đá. Đợi trời tối, mỗi người một chiếc đèn pin, một cái túi có quai xách, men theo bờ sông Tiên đi nhặt ốc đá. Không phải ốc đá chỗ nào cũng ngon. Theo mẹ của bạn tôi thì không nên bắt ốc đá ở chỗ nhiều rong ăn sẽ nhớt, ốc đá sống gần phía mạn dưới có nhiều cát thì sẽ ngon, sạch hơn. Ban ngày ốc hay ở giữa dòng, rất khó bắt, vào bờ khi đêm xuống để kiếm ăn nên rất dễ bắt, ốc “lên bờ” nhiều nhất là vào những đêm trăng sáng. Ốc nằm từng chùm, từng chùm, ốc bám trên đá, bò trên cát, cứ thế mà lượm, con to thì lấy, con nhỏ chừa ra để cho lần sau. Gặp chỗ có cùi bắp, hay lá khoai thì tha hồ mà hốt ốc, chúng bám đen cả cùi bắp, lá khoai. Ốc đá rất thích ăn xơ mít. Bạn tôi nói chỉ cần đem một miếng mít bỏ ở mé sông, sáng ra tha hồ nhặt ốc. Một thau ốc đá sau một đêm ngược dòng sông Tiên thế là quá nhiều, nhưng cả nhóm chẳng muốn về mà cứ nấn ná bắt tiếp.
Rau ranh được hái trên rừng về bày bán ven đường. Ảnh Thiên Xuân
Ốc bắt về được ngâm với nước cơm chừng một buổi cho chúng nhả hết chất nhớt trong bụng ra. Sau đó, rửa sạch rồi dùng kềm để bấm hoặc kê thớt chặt đuôi ốc. Làm như thế sau khi luộc chín mới hút được ốc.
Khi ốc được chặt đuôi xong, để nguyên con đem ướp với gia vị, đặc biệt là sả và ớt, sau đó bỏ vào chảo với một ít dầu phụng, đảo qua một lửa là có thể sử dụng làm nguyên liệu cho nồi canh. Bắc nồi nước lên bếp thêm nhúm gạo tấm rồi nấu khoảng 10 phút. Rau ranh rửa sạch, xé hoặc xắt nhỏ, khi nào nước sôi thì bỏ rau vô, khi lá rau bắt đầu ngả màu thì cũng là lúc cho ốc đá đã xào lúc nãy vào nồi. Nấu thêm khoảng 5 phút nữa. Rau ranh nấu càng lâu càng mềm càng ngon.
Ngày hè nắng nóng có tô canh rau ranh ốc đá ăn thì mát phải biết. Ảnh Thiên Xuân
Sẽ có một nồi canh vừa thơm mùi sả vừa ngầy ngậy mùi ốc đá. Nước thì ngọt, rau ranh thì vừa mềm vừa dẻo. Thông thường người ta ăn bát canh rau ranh ốc đá có đầy đủ vị ngọt, bùi rồi mới bốc từng con ốc đưa lên miệng hút. Nấu món này khá đơn giản, nhưng món rau ranh ốc đá hấp dẫn ở chỗ, ngoài hương vị riêng thì có lẽ đây còn là loại rau và ốc sạch nhất hiện nay.
Mùa này, hầu như nhà người dân nào ở Quảng Nam cũng có nồi canh rau ranh nấu ốc đá trong bữa cơm. Dân Quảng có câu “Rau ranh ốc đá là cá nậu nguồn”. Nghĩa là, loại rau và ốc này đối với người (nậu) vùng cao (nguồn) như một món cá vậy. Quả không sai.
Món rau ranh, ốc đá tuy dân dã nhưng lâu nay không chỉ là món ăn quen của người dân địa phương mà còn hấp dẫn nhiều du khách. Và trong thời buổi "thịt cá đủ đầy" thì món ăn quê này lại được nâng lên hàng đặc sản nên khi đi xa về nó lại trở thành món quà quý mà nhiều du khách biếu người thân.